Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới đang có mặt ở Washington tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân thì chuyên gia Andrei Baklitsky thuộc Trung tâm PRI có trụ sở tại Moscow đã có buổi thảo luận với Sputnik về sự vắng mặt của Tổng thống Nga Putin tại sự kiện này.
"Ở Nga chẳng ai đặt câu hỏi về việc liệu rằng ý kiến thống nhất về việc đặc biệt chú ý đến an ninh hạt nhân có tốt hay không. Nhưng như bạn biết đấy, Nga sẽ không được mời tham dự hội nghị an ninh vì một số lý do", Baklitsky nói với đài Loud & Clear của Sputnik.
Một trong những lý do cho sự vắng mặt của Tổng thống Nga Putin là do hội nghị lần này do Mỹ chủ trì, quốc gia đã chọn cách loại trừ một số đồng minh của Nga khỏi hội nghị.
"Chẳng hạn, Iran không phải là thành viên và không tham dự bất cứ hội nghị thượng đỉnh nào dù thực tế quốc gia này có vật liệu hạt nhân và rõ ràng họ cần sự bảo vệ cũng như đảm bảo an ninh hạt nhân", Baklitsky nói.
"Do cách tiếp cận độc đoán này, lẽ ra các hội nghị an ninh hạt nhân nên được tổ chức ở những nơi mà mọi quốc gia đều có thể tham gia và đóng góp ý kiến".
Tổng thống Nga Putin không tham dự Hội nghị an ninh hạt nhân vì nhiều lý do. Ảnh: Sputnik |
Tại hội nghị thượng đỉnh trước đó có sự tham gia của Nga, chính quyền Moscow đã nói rằng họ cảm thấy phần lớn các mục tiêu trong cuộc họp đã được đáp ứng.
"Nga đã làm được nhiều thứ mà những người đang tham dự hội nghị ở Washington sẽ làm. Điều này mang tính quyết định đối với những gì sẽ xảy ra tại các hội nghị an ninh hạt nhân tiếp theo trong tương lai".
Truyền thông phương Tây mô tả hội nghị lần này là một sự kiện chính trị, và vấn đề quan ngại về các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên được lưu tâm hơn bất cứ mối đe dọa thực tế nào.
"Lấy vấn đề hạt nhân của Triều Tiên làm chủ đề là không hợp lý vì vốn dĩ Hội nghị an ninh hạt nhân chỉ giải quyết vấn đề bảo vệ vật liệu hạt nhân để nó không bị đánh cắp, và như thế là đủ", chuyên gia này nói.
"Không phổ biển, không kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị không phải là những vấn đề để bàn trong bất cứ hội nghị an ninh hạt nhân nào. Đó là lĩnh vực riêng biệt".
Trong khi đó, mối đe dọa đáng lo ngại hơn là nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) được cho là đã có nguyên liệu hạt nhân. Đó mới là vấn đề mà các quốc gia cần đề cao cảnh giác, thì nó lại gần như không được nhắc đến trong hội nghị.
"Từ những gì mà chúng ta đang nhìn thấy, IS vẫn đang tiếp tục thực hiện những thứ đơn giản và hiệu quả. Trong khi bạn có thể đưa một khẩu AK-47 cho một nhóm người để họ tàn sát những người dân thường trên đường phố Paris, thì tại sao bạn phải quá quan tâm về một cái gì đó giống như vận chuyển nguyên liệu phóng xạ".
Lê Huyền (Sputnik)