Với việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, sức mạnh quân sự của Nhật Bản ở Đông Á sẽ được tăng cường, Tokyo sẽ đẩy mạnh tìm kiếm đối tác chiến lược trong khu vực, và Ấn Độ chính là một trong số đó.
Vào tháng 8/1977, Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda đã nhấn mạnh "3 trụ cột chính" trong chuyến đi Philippines của ông. Những "trụ cột" này đã trở thành nguyên tắc chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với châu Á, được biết đến với tên gọi Học thuyết Fukuda. Đặc biệt, Thủ tướng Fukuda khi đó cam kết rằng, Nhật Bản, bằng những khả năng và phương tiện sẵn có, sẽ không bao giờ quay trở lại con đường quân phiệt. Cam kết này đã chỉ dẫn cho chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với phần còn lại của châu Á cho đến thời gian gần đây. Tuy nhiên, lập trường hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và sự xuất hiện của chủ nghĩa xét lại ở Thủ tướng Shinzo Abe đã đánh dấu thay đổi rõ ràng Chính sách an ninh của Tokyo trong khu vực.
Khi Thủ tướng Ấn Độ Narnedra Modi đến Nhật Bản hôm 11/11 trong chuyến đi kéo dài 2 ngày để tham dự cuộc họp thứ 3 của Hội nghị Thượng đỉnh thường niên, Tokyo dự kiến sẽ ký thỏa thuận quốc phòng lớn đầu tiên của mình trong 50 năm qua bằng việc bán thủy phi cơ tìm kiếm cứu hộ US-2 cho Ấn Dộ. Các nguồn tin nói rằng thủy phi cơ này sẽ mang tên US-2i, thể hiện sự nghiêm túc của Modi trong việc thúc đẩy chiến dịch "Make in India".
Thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản. Ảnh: airliners.net |
Thủy phi cơ US-2 sẽ cho phép Ấn Độ tăng cường khả năng giám sát trong vùng đặc quyền kinh tế ở khu vực biển Ả Rập và Ấn Độ Dương. Điều này sẽ tăng cường phản ứng của Hải quân Ấn Độ với các sự cố gần quần đảo Andaman và Nicobar, vốn nắm giữ vị trí chiến lược từ quan điểm địa chính trị.
Ngoài việc trao đổi sâu rộng các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác trên diện rộng giữa Ấn Độ và Nhật Bản, chuyến thăm của Thủ tướng Modi cũng đưa tới một thỏa thuận hạt nhân dân sự. Một thỏa thuận như vậy giữa New Delhi và Tokyo chắc chắn sẽ đối đầu Bắc Kinh.
Trung Quốc đã liên tục nỗ lực ngăn chặn Ấn Độ gia nhập Nhóm Cung cấp hạt nhân (NSG) với lý do Ấn Độ không phải một bên ký kết Hiệp ước Không Phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). New Delhi nên hiểu rằng hành động đó của Trung Quốc là muốn trừng phạt Ấn Độ vì ngày càng phát triển mối quan hệ mật thiết hơn với Mỹ và sát lại Nhật Bản trong khu vực Thái Bình Dương. Bắc Kinh cũng không muốn để ảnh hưởng đến quan hệ với đồng minh Pakistan bằng cách chấp nhận vai trò toàn cầu của Ấn Độ như một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm. Bằng cách thuyết phục Tokyo ký một thỏa thuận hạt nhân dân sự, New Delhi đã đóng vai trò con át chủ bài. Các báo cáo cho biết thỏa thuận giữa Ấn Độ và Nhật Bản sẽ bao gồm cả điều khoản về không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Từ quan điểm kinh tế, một thỏa thuận hạt nhân dân sự mang đến nhiều lợi ích cho cả Ấn Độ và Nhật Bản. Đối với Ấn Độ, nhu cầu phát triển nguồn điện phục vụ cho ngành công nghiệp mọc lên như nấm từ năm 1991 đã bùng lên như một vấn đề thiết yếu. Với mức độ tăng lên của các thành phố bị ô nhiễm và sự gia tăng đến mức báo động các chất gây ô nhiễm ở thủ đô New Delhi trong tuần trước, năng lượng hạt nhân có vẻ như là giải pháp khả thi duy nhất để đảm bảo một nguồn cung cấp năng lượng sạch và đủ cho Ấn Độ.
Trong khi đó, với việc đang nỗ lực ngừng sản xuất điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima năm 2011, Tokyo hiện đang tìm kiếm thị trường mới để bán công nghệ hạt nhân của mình.
Thủ tướng Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi cùng nhau đi thử trên một chuyến tàu cao tốc Shinkansen, hệ thống tàu cao tốc nổi tiếng của Nhật Bản, trong khuôn khổ chuyến thăm của Modi. Ảnh: Reuters |
Điều này cũng đúng với các lĩnh vực khác. Trong bối cảnh Hàn Quốc và Trung Quốc đang ra sức cạnh tranh hàng hóa với Nhật Bản, Tokyo cũng muốn tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm của mình. Đường sắt cao tốc là một trong những ví dụ như vậy. Nhật Bản đã được Ấn Độ chọn làm nhà đầu tư xây dựng dự án đường sắt cao tốc đầu tiên của nước này, dài 505 km, nối giữa thủ đô tài chính Mumbai với Ahmedabad - một trung tâm kinh tế và công nghiệp ở bang quê nhà Gurajat của Thủ tướng Modi. Trước đó, Nhật Bản đã "thua" Trung Quốc trong việc đấu thầu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc ở Indonesai đầu năm 2015. Nền kinh tế Trung Quốc được như ngày nay là nhờ vào sự đầu tư khổng lồ của Nhật Bản trong suốt những năm 1970, và bây giờ, Nhật Bản cần hỗ trợ tương tự như vậy đối với sự phát triển của Ấn Độ để có được một đối tác lớn mạnh và đáng tin cậy ở châu Á.
Xét về mặt chiến lược và địa chính trị, với việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, sức mạnh quân sự của Nhật Bản ở Đông Á sẽ được tăng cường trong bối cảnh Tokyo không chắc chắn về sự cam kết của Trump dành cho các đồng minh của Mỹ. Nếu Trump quyết định điều chỉnh lại Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, Tokyo sẽ phải tìm các đối tác mới để chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều đó phụ thuộc vào sự thỏa thuận của Ấn Độ và Nhật Bản trong các hợp tác chung và lợi ích hai bên có được từ ý tưởng về một "đối tác chiến lược và toàn cầu đặc biệt".
Xem thêm video:
[mecloud]MlFtnJ1krh[/mecloud]
Lê Huyền (The Diplomat)