Tin mới

Vị vua kỳ lạ: Đánh đông dẹp bắc khắp nơi nhưng lại phá vỡ truyền thống chỉ vì một nô lệ

Thứ hai, 24/09/2018, 09:12 (GMT+7)

Đế chế Ottoman là một trong những đế chế nổi tiếng trong lịch sử thế giới, tồn tại hơn 600 năm. Trong đó, có một ông vua tài năng nhưng không kém phần táo bạo.

Đế chế Ottoman là một trong những đế chế nổi tiếng trong lịch sử thế giới, tồn tại hơn 600 năm. Trong đó, có một ông vua tài năng nhưng không kém phần táo bạo.

Đế chế Ottoman là một trong những đế chế nổi tiếng trong lịch sử thế giới, tồn tại trong một thời gian dài đến 624 năm (1299-1923) và có lãnh thổ rộng lớn bao trùm các vùng Tiểu Á, Trung Đông, Bắc Phi, Đông Nam châu Âu cho đến tận Kavkaz. Có rất nhiều điều lý thú về đế chế này và trong số đó là chuyện hoàng đế Suleiman I lấy một nữ nô lệ làm vợ.

Chân dung vị hoàng đế tài năng

Suleiman I sinh ngày 06/11/1494, là con của vua Selim I và mẹ là hoàng hậu Hafsa. Từ nhỏ ông đã được học về khoa học, lịch sử, thần học, ngôn ngữ và sách lược quân sự.

Cuộc đời Suleiman I có khá nhiều điều đặc biệt, đáng nhớ nhất là mối quan hệ với hai nhân vật có nguồn gốc xuất thân từ nô lệ, đó là Ibrahim sau này trở thành Tể tướng dưới thời trị vì của ông và Roxelane, người được ông phong làm Chính cung của đế chế Ottoman.

Năm 1520 Suleiman I lên ngôi và trở thành vị Hoàng đế thứ 10 của đế chế Ottoman; sử sách phương Tây gọi ông là Suleiman Đại đế. Vị vua này là nhà quân chủ nổi tiếng nhất châu Âu vào thế kỷ XVI , là người làm nên sự tột đỉnh vinh quang của nền quân sự, chính trị và kinh tế của Ottoman.

Vị vua kỳ lạ: Đánh đông dẹp bắc khắp nơi nhưng lại phá vỡ truyền thống chỉ vì một nô lệ - Ảnh 1.
 

Về mặt quân sự, trong thời gian trị vì của mình, Suleiman I đã phát động 13 cuộc chiến tranh và thường thân chinh cầm quân đi chinh phạt Tây Á, châu Âu và Bắc Phi, mở rộng lãnh thổ và làm chủ phần lớn vùng biển từ Địa Trung Hải tới biển Đỏ và vịnh Ba Tư.

Nhiều sử gia cho rằng thuở nhỏ đọc sách sử, Suleiman I rất thán phục nên đã noi theo sự nghiệp lẫy lừng của Alexandros Đại đế bằng những cuộc chiến ác liệt đem đến vinh quang cho ông.

Về mặt chính trị- xã hội, Suleiman I đã tiến hành cải cách rộng rãi trên nhiều mặt như pháp luật, giáo dục, thuế khóa… Ông cho xây dựng và ban hành một bộ luật được gọi là "Kanun-i Osmani" (Luật Ottoman) rất nổi tiếng được áp dụng trong nhiều thế kỷ sau đó. Cho xây dựng nhiều trường học trên khắp lãnh thổ.

Ông còn là một thi sĩ có tiếng với bút danh Muhibbi (người yêu quý), là một thợ kim hoàn lành nghề và rất am hiểu nghệ thuật, chính bởi vậy dưới thời Suleiman I trị vì, nền văn học, mỹ thuật và kiến trúc của đế chế Ottoman bước vào thời kỳ vàng son.

Người vợ đặc biệt của hoàng đế Suleiman I

Suleiman I có rất nhiều kỷ lục, đó là vị vua có thời gian ở ngôi lâu nhất của đế chế Ottoman với tổng cộng 46 năm (1520 -1566); là vị vua có tước hiệu nhiều và dài nhất như: 

"Hoàng thượng bệ hạ, vua của triều đại Osman, Sultan của các sultan, Hãn của các Hãn, Người dẫn dắt các tín đồ và Truyền nhân của Ngôn sứ vũ trụ, Người bảo hộ của ba thánh địa Mecca, Medina và Jerusalem…. và hàng loạt tước hiệu gắn với các vùng đất mà ông đã chiếm được".

Ông là người mở đầu cho thời kỳ hoàng kim của đế chế Ottoman với lãnh thổ rộng lớn hơn nhiều so với các đời vua trước và sau này.

Suleiman I cũng là vị vua dám phá vỡ truyền thống vốn có của đế chế cũng như tập tục Hồi giáo khi cưới một nô lệ làm vợ, người sau này có vai trò quan trọng trong cuộc đời của ông.

Câu chuyện tình lạ lùng ấy đã trở thành chuyện tình duy nhất trong lịch sử đế chế Ottoman thêu dệt trí tưởng tượng của cả châu Âu, làm mê hoặc bao nhà quan sát đương thời, kích thích trí tò mò của các nhà sử học và gợi cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học, kịch nghệ, âm nhạc lẫn hội họa.

Vị vua kỳ lạ: Đánh đông dẹp bắc khắp nơi nhưng lại phá vỡ truyền thống chỉ vì một nô lệ - Ảnh 2.
 

 Người phụ nữ khiến cho vị hoàng đế vĩ đại Suleiman I say đắm tên là Roxelane (1505 - 1558), hay như cách gọi của người phương Tây là Rosselane, Rossa, Rosa. Có tài liệu viết tên thật của mỹ nữ này là Alexandra Lisowska, người gốc Ruthenia (vùng đất nay thuộc lãnh thổ Ukraina).

Tương truyền Roxelane bị bắt làm nô lệ từ khi còn nhỏ trong một đợt tấn công của người Tatars ở vùng Crimée.

Thế nhưng không ai biết rõ bằng cách nào Roxelane được đưa thẳng vào harem (tức hậu cung) của đế chế Ottoman, được nuôi dưỡng và trở thành nô lệ hầu hạ Thái hậu Hafsa – thân mẫu của Suleiman I; khi con trai lên ngôi, bà đã đem Roxelane ban tặng cho ông, thời điểm đó là vào khoảng tháng 9 năm 1520.

Tuy thân hình nhỏ bé, dung nhan không thực sự xinh đẹp nhưng Roxelane lại rất có duyên, có tinh thần lạc quan, biết ca hát, nhảy múa luôn mang đến nụ cười cho mọi người nên trong hậu cung ai cũng quý mến gọi là "Hurrem" – Nghĩa là: "Cô nàng vui tính".

Biết rằng ngoài sắc đẹp, muốn được hoàng đế chú ý phải có cách khôn khéo, và Roxelane đã quyến rũ Suleiman I bằng chính tài năng của mình với âm nhạc, ca hát và thơ phú. Điều đó đã thật sự làm Suleiman I rung động bởi vì chính bản thân ông là một nhà thơ lớn, một người say mê nghệ thuật nổi tiếng lúc bấy giờ.

Thế rồi Suleiman I say mê và dành sự sủng ái cho Roxelane khiến những người đẹp khác ghen tuông, tức tối; họ cho rằng vua đã bị bùa mê và đặt cho Roxelane một biệt danh là "Ziadi" (phù thủy).

Vị vua kỳ lạ: Đánh đông dẹp bắc khắp nơi nhưng lại phá vỡ truyền thống chỉ vì một nô lệ - Ảnh 3.

Tranh sơn dầu vẽ Suleiman I và Roxelana

Giành được tình cảm của hoàng đế, Roxelane khôn khéo loại bỏ các đối thủ, rồi từ từ leo lên từng cấp bậc trong hậu cung và đạt được danh vị Bach kadin (Quý phi) khi vừa tròn 19 tuổi. Những năm sau đó, với sự sủng ái của Suleiman I, Roxelane lần lượt sinh cho hoàng đế 4 hoàng tử và 1 công chúa.

Tuy nhiên mục đích lớn nhất của Roxelane là trở thành Haseki (Chính cung), thế nhưng theo luật lệ Hồi giáo, hoàng đế không được phép thành hôn với nô lệ. Do đó, Roxelane đã tỉ tê, tác động đến Suleiman I và trong một phút xúc động, ông đã hạ bút xóa bỏ thân phận nô lệ cho nàng.

Đây là một thành công lớn trong bước đường lên đến ngôi vị cao nhất trong hậu cung đế chế Ottoman. Sau khi thành người tự do, Roxelane tìm cách buộc vua phải chính thức cưới mình; lấy cớ theo luật định, một phụ nữ tự do không được phép quan hệ tình ái với một người đàn ông nếu chưa thành hôn nên Roxelane không cho hoàng đế vào ngủ cùng nàng.

Cuối cùng vị vua vĩ đại Suleiman I đành phải nhượng bộ, cho mời đại giáo sĩ đến và thông báo ý định thành hôn cùng Roxelane và lễ cưới sau đó đã được tổ chức ngay tại hậu cung.

Roxelane trở thành chính cung, vợ duy nhất, hoàng hậu độc nhất của Suleiman I và cả trong lịch sử đế chế Ottoman bởi cả trước và sau đó từng có trường hợp quốc vương đam mê một nữ nô lệ này hay nữ nô lệ khác nhưng chưa từng có ai đi đến một quyết định khác thường như quyết định của Suleiman I.

Vị vua kỳ lạ: Đánh đông dẹp bắc khắp nơi nhưng lại phá vỡ truyền thống chỉ vì một nô lệ - Ảnh 4.

Lăng tẩm và mộ của Suleiman I tại thánh đường Süleymaniye (Hình minh họa –Nguồn: Wikipédia)

Cuộc đời bà hoàng kỳ lạ Roxelane kết thúc vào ngày 15/04/1558 sau những đợt viêm màng phổi liên tiếp. Sự ra đi của người vợ yêu đã khiến Hoàng đế Suleiman I vô cùng đau khổ, ông đã cho an táng Roxelane tại Süleymaniye – một thánh đường Hồi giáo vô cùng tráng lệ do ông xây dựng.

Tám năm sau, vào đầu tháng 9 năm 1566 Suleiman I qua đời do bị sung huyết ngay trong chiến dịch tấn công Beograd, chưa kịp nhìn thấy chiến thắng của quân đội Ottoman trước quân Hungary tại trận Szigetvár. Thi hài của vua được đưa về nước và cũng an táng trong thánh đường Süleymaniye để ông kề cận muôn giấc ngàn thu bên người vợ Roxelane.

Một người con trai của Suleiman I và Roxelana là Selim II lên kế vị và trở thành hoàng đế thứ 11 của đế chế Ottoman.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news