Virus Zika được phát hiện ra từ gần 70 năm trước nhưng có thể bạn không có cơ hội nghe về nó cho tới vài tháng gần đây.
Với nỗi sợ hãi và không rõ mức độ lây lan của loại virus này, hãy cùng tìm hiểu một số điều về nó thông qua trang CNN.
Có nên lo lắng về Zika không?
Virus Zika cũng giống một số bệnh như sốt vàng da, siêu vi trùng West Nile, sốt chikungunya và sốt xuất huyết. Nhưng không có thuốc chủng ngừa Zika hay thuốc điều trị bệnh.
Mặc dù các triệu chứng thường nhẹ nhưng Zika đang gây chú ý bởi nó có sự kết nối đáng báo động với bệnh teo não - một rối loạn thần kinh khiến trẻ sinh ra có đầu nhỏ bất thường. Nó gây ra các vấn đề về phát triển nghiêm trọng và trong một số trường hợp có thể gây tử vong.
Một em bé bị nhiễm Zika tại Brazil. Ảnh: CNN |
Khả năng nhiễm Zika?
Virus này lây truyền chủ yếu khi một con muỗi Aedes aegypti chích người bị nhiễm vi trùng đang hoạt động sau đó lây truyền sang cho người khác. Trường hợp đầu tiên được phát hiện ra trong một khu rừng ở Uganda, con muỗi chứa mầm bệnh hiện chủ yếu làm gia tăng quan ngại ở Trung và Nam Mỹ. Nếu không có muỗi nhiễm bệnh trong khu vực của bạn thì bạn khó có khả năng nhiễm bệnh.
Ngày 2/2/2016, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm Zika qua đường tình dục tại ổ dịch mới nhất. Một bệnh nhân nam, gần đây trở về từ Venezuela đã bị nhiễm virus Zika và lây cho đối tác của mình, người không hề đi du lịch. CDC đã ban hành hướng dẫn tạm thời để phòng ngừa lây nhiễm Zika qua đường tình dục và ghi nhận rằng "chưa có báo cáo nào về lây truyền virus Zika từ phụ nữ sang cho bạn tình".
"Cho đến khi chúng ta biết thêm thì nếu bạn tình của bạn là nam giới, đi tới hoặc sống tại khu vực có virus Zika hoạt động thì bạn nên tránh quan hệ tình dục hoặc sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục bằng miệng, hậu môn, âm đạo trong suốt thời gian mang thai", hướng dẫn cho biết.
Trong khi virus này được ghi nhận có trong sữa mẹ, nước bọt và nước tiểu thì vẫn chưa xác nhận được liệu nó có lây truyền qua chất dịch cơ thể nào khác ngoài máu hay không.
Muỗi Aedes aegypti là thủ phạm chính lây truyền virus Zika. Ảnh: CNN |
Giám đốc CDC, Tiến sĩ Tom Frieden nói với CNN rằng: "Đã có trường hợp riêng biệt bị lây qua đường máu hoặc đường tình dục và điều này không đáng ngạc nhiên. Virus này tồn tại trong máu khoảng 1 tuần. Làm thế nào mà nó tồn tại được lâu trong tinh dịch là điều cần nghiên cứu và chúng tôi hiện đang làm điều đó".
Ông Frieden nói rằng các nghiên cứu về việc lây lan qua đường tình dục không dễ dàng nhưng CDC vẫn đang tiếp tục khám phá ra đó là con đường lây truyền. "Những gì chúng ta biết là phần lớn các trường hợp lây lan qua muỗi. Điểm mấu chốt là muỗi là thủ phạm thực sự ở đây".
Triệu chứng, tác động?
Chỉ có khoảng 1/5 người bị nhiễm virus Zika sẽ thực sự phát bệnh, theo CDC. "Các triệu chứng phổ biến nhất của Zika là sốt phát ban, đau khớp hoặc viêm kết mạc (đau mắt đỏ). Các triệu chứng khác bao gồm đau cơ và đau đầu", CDC cho biết. Đối với hầu hết mọi người, tình trạng bệnh nhẹ với các triệu chứng trên sẽ kéo dài từ vài ngày đến 1 tuần. Mọi người thường không đau ốm tới mức cần tới bệnh viện và virus này rất hiếm khi gây tử vong.
Nghiêm trọng hơn, Zika có liên quan tới tật teo não khi sinh, còn được biết đến với tên gọi Guillain-Barre, một hội chứng hiếm gặp trong đó hệ thống miễn dịch tấn công các dây thần kinh. Điều quan trọng cần lưu ý là: một liên kết không nhất thiết chỉ ra nguyên nhân và kết quả.
Bên cạnh những bệnh trên thì Zika không có ảnh hưởng lâu dài.
Ngoài ra, khi một người bị nhiễm bệnh thì họ có thể sản sinh ra miễn dịch trong tương lai, theo CDC.
Nên làm gì nếu có thể đã tiếp xúc với virus Zika?
Nếu bạn nghĩ mình có thể đã tiếp xúc với virus Zika, hãy dừng lại và tự hỏi mình 3 câu hỏi dưới đây:
1. Bạn có thai không?
2. Bạn có phải là một phụ nữ đang nghĩ tới việc mang thai không?
3. Bạn có phải là một người đàn ông sẽ quan hệ tình dục với một phụ nữ mang thai hoặc có thể mang thai mà không có biện pháp bảo vệ nào không?
Phụ nữ có thai nhiễm Zika có thể sinh ra con bị teo não. Ảnh: CNN |
Nếu bạn trả lời tất cả những câu hỏi trên là "không" thì có thể chẳng có lý do gì để bạn phải đi kiểm tra cả. Hãy nhớ là chỉ có 20% người nhiễm virus này cuối cùng mới phát triển thành triệu chứng bệnh và những người đó sẽ chỉ cảm thấy khó chịu rất nhẹ, rất ngắn ngủi.
Còn nếu bạn trả lời "có" bất cứ câu hỏi nào thì hãy tới gặp bác sĩ để kiểm tra xem mình có nhiễm Zika không. Bác sĩ có thể yêu cầu thử máu để xem đó là Zika hay các bệnh do virus tương tự khác, chẳng hạn như sốt xuất huyết hay chikungunya. Xét nghiệm máu lâm sàng là cách duy nhất để chẩn đoán Zika.
Nếu nhiễm virus Zika cần điều trị thế nào?
Thật không may là hiện nay vẫn chưa có vắc xin hay thuốc đặc trị virus Zika. Thay vào đó, CDC khuyến cáo điều trị các triệu chứng như sau:
- Nghỉ ngơi nhiều
- Uống nhiều nước để tránh mất nước
- Dùng thuốc như acetaminophen (Tylenol) để hạ sốt, giảm đau.
- Không dùng aspirin hoặc các thuốc kháng viêm không steroid khác.
Nếu bạn đang dùng thuốc trị bệnh khác thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thêm thuốc.
Làm thế nào bảo vệ bản thân khi ra nước ngoài?
Do chưa có vắc xin nên cách bảo vệ duy nhất chống lại Zika là tránh đi tới các khu vực mà dịch bệnh đang bùng phát. Nếu bạn tới một nước có Zika, CDC khuyên nên tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống muỗi: sử dụng thuốc chống muỗi mà Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ khuyên dùng thay cho kem chống nắng, mặc quần áo dài đủ dày để ngăn muỗi cắn và ngủ trong phòng có điều hòa, có màn che.
CDC cho biết nếu bạn nhiễm Zika, bạn có thể tránh lây cho người khác bằng cách không để muỗi chích trong tuần đầu tiên bị ốm. Muỗi Aedes aegypti cái - thủ phạm chính truyền Zika - là một kẻ truyền bệnh hung hăng, thường hoạt động cả ngày lẫn đêm, cả trong lẫn ngoài nhà. Hãy luôn đóng tấm chắn muỗi ở cả cửa sổ lẫn cửa chính để ngăn muỗi vào nhà và phòng khách sạn.
Bảo Linh (theo CNN)