Khách hàng Trung Quốc rất thích những sản phẩm được sản xuất từ cây gỗ cổ thụ như Hà Nội vừa khai thác, nếu gỗ chất lượng họ có thể trả giá cao hơn để mua được gỗ tốt.
Trong khi chưa ngã ngũ đơn vị thi công đã chặt 500 cây hay 2.000 cây thì dư luận lại càng thắc mắc và băn khoăn tại sao Sở Xây dựng không công khai thông tin về đơn vị mua số cây bị chặt hạ và giá bán là bao nhiêu để người dân được biết?
Hiện nay trên thị trường giá gỗ xà cừ cổ thụ, chất lượng gỗ tốt giá đang được người tiêu dùng ưa thích.
Cây xà cừ bị chặt hạ trên đường Nguyễn Trãi
Anh Trần Văn Đoàn, chủ một xưởng mộc trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Giá gỗ xà cừ trong hai năm nay tăng từ 8,5 triệu/m3 gỗ lên 9 triệu/m3. Nguyên nhân chính là do các gỗ cao su và một số gỗ nhập khẩu có giá cao trong một thời gian dài, vì vậy những người làm gỗ như chúng tôi đã chọn gỗ xà cừ để giảm giá đầu vào, mà vẫn chiếm được thị trường”.
Anh Đoàn cho biết thêm: “Khi Hà Nội khai thác một loạt cây xà cừ cổ thụ có chu vi tới 2 người ôm trên tuyến đường từ Ngã Tư Sở tới cầu Trắng tôi cũng tìm đến điểm khai thác để hỏi mua nhưng không mua được. Nguyên liệu xưởng tôi chủ yếu qua các chủ hàng ở Bắc Ninh hay các tỉnh lân cận”.
Cũng như anh Đoàn, anh Nguyễn Mạnh Hưng, một người chuyên buôn bán các loại gỗ chia sẻ: Ngoài các loại gỗ cao cấp như gỗ xưa, gỗ trắc, giáng hương… thì thị trường Trung Quốc hiện nay họ đang có nhu cầu nhập các sản phẩm nội thất, thớt, ván gỗ sản xuất từ gỗ xã cừ. Khách hàng Trung Quốc rất thích những sản phẩm được sản xuất từ cây gỗ cổ thụ như Hà Nội vừa khai thác, nếu gỗ chất lượng họ có thể trả giá cao hơn để mua được gỗ tốt. Bản thân tôi cũng lần mò tìm cách để mua nhưng không sao mua được, hình như họ (đơn vị khai thác) đã có mối hết rồi.
Qua tìm hiểu được biết, đơn giá thanh toán sản phẩm dịch vụ công ích đô thị năm 2015 trên địa bàn Hà Nội cho lĩnh vực duy trì công viên cây xanh, được áp dụng từ ngày 1/1/2015, các chi phí cho việc cắt tỉa cây, giải tỏa cây đổ, chặt hạ, đào gốc cây xà cừ có đường kính trên 120 cm đều ở mức trên 10 triệu đồng.
Để chặt hạ một cây xà cừ có đường kính trên 120 cm, ngân sách thành phố sẽ chi 25 triệu đồng tiền chặt, 10 triệu đồng tiền đào gốc. Cũng với đường kính như trên, nếu chỉ cắt tỉa không sử dụng xe nâng thì chi phí là 13,3 triệu và trường hợp giải toả cây gãy đổ là trên 10 triệu đồng.
Như báo Người đưa tin đã đưa, sau khi có lệnh dừng chặt hạ cây xanh để rà soát lại từ Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo, ngày 20/3, UBND TP Hà Nội đã tổ chức một cuộc họp báo, với sự tham gia của hàng trăm cơ quan báo chí, với 21 câu hỏi được đưa ra xoay quanh việc chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh đang được chính quyền Hà Nội thực hiện. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng đã ra văn bản, giao Giám đốc Sở Xây dựng phải trả lời công khai toàn bộ 21 câu hỏi đã nêu ra tại buổi họp báo trước ngày 25/3.
Đến ngày 22/3, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa ra quyết định thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra toàn diện việc thực hiện thay thế cây xanh.
Một gốc cây xà cừ đường kính 120 cm có công đào là 10 triệu đồng, công cưa chặt là 25 triệu đồng đã khiến nhân dân bất bình về cách chi tiền quá “thoáng” của cơ quan công quyền Hà Nội. Nhưng điều khiến bạn đọc và nhân dân quan tâm hơn cả ở thời điểm này là thông tin chính thức về số lượng gỗ được chặt hạ xuống từ các con phố hiện giờ đang ở đâu ngoài các điểm tập kết tại khu vực Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm); làng Chuông, xã Phương Trung (Thanh Oai).
Hơn thế tất cả lượng gỗ củ đã được tận thu đó giờ ai là chủ sở hữu và cái giá để được sở hữu những khối gỗ đó là bao nhiêu? Đây là vấn đề mà các cơ quan liên quan của Hà Nội cần sớm có câu trả lời chính thức với bà con nhân dân.