Các độc giả của tờ Globe & Mail, Cananda có thể phát hiện ra một quảng cáo bất thường trên báo vào cuối tuần vừa rồi. Lãnh sự quán Trung Quốc tại Vancouver đã đăng một bài quảng cáo đáp trả Philippines trong vụ kiện Biển Đông.
Một cụ bà đọc tờ Globe & Mail. Ảnh: Reuters |
Nửa đầu trang báo là bài quảng cáo về một nhà hàng, nửa còn lại là bài viết có tiêu đề: "Vụ kiện Biển Đông ra tòa trọng tài thường trực của Philippines vi phạm luật pháp quốc tế".
Bài quảng cáo phản pháo Philippines của Trung Quốc trên báo Canada. Ảnh: Twitter/Quarzt |
Trung Quốc đòi yêu sách lãnh thổ với phần lớn Biển Đông, một phần dựa trên "đường 9 đoạn" mà họ vẽ lên một tấm bản đồ sau Chiến tranh Thế giới II bất chấp điều này xung đột với các chuẩn mực quốc tế và chồng lấn yêu sách với các nước láng giềng.
Philippines đã đưa vụ này kiện ra Tòa trọng tài thường trực tại The Hague từ tháng 1/2013, theo Công ước về Luật biển của LHQ. Tòa trọng tài được thành lập vào năm 1899 và đã giải quyết nhiều vụ tranh chấp hàng hải giữa các quốc gia. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không công nhận quyền lực của tòa. Tòa án có khả năng lớn sẽ ủng hộ quan điểm của Philippines và sẽ đưa ra phán quyết vào tuần tới.
Quan điểm của Bắc Kinh là tranh chấp lãnh thổ trên biển cần được giải quyết bởi những nước trực tiếp có liên quan chứ không phải thông qua một tòa án. Trung Quốc đã thuyết phục một số nước "lạ hoắc" đồng tình với quan điểm này. Có nước ở xa lắc lơ so với Biển Đông như Gambia, Cam-pu-chia, gần đây còn có Slovenia, Mozambique.
Bài quảng cáo - có khả năng trị giá chưa tới 10.000 đô la Canada, cho rằng "Philippines, bằng cách khởi tạo sự phân xử, đã vi phạm luật pháp quốc tế". Thật khó để xem hành động pháp lý này vi phạm luật pháp như thế nào. Nhưng sau đó, Bắc Kinh lại lập luận rằng họ chỉ đơn thuần nói về những hành động của Philippines tại Biển Đông khiến khu vực không an toàn.
Bắc Kinh có vẻ đang cố gắng dùng bất cứ biện pháp nào có thể để tăng cường cho vụ kiện của mình, gom lẫn cả lĩnh vực quân sự và dân sự lại. Gần đây, Trung Quốc đã đưa một đoàn dân công tới đá Chữ Thập của Việt Nam. Tại hòn đảo nhân tạo này, Bắc Kinh đã xây trái phép sân tennis, đường chạy và cả sân bóng rổ cùng với các doanh trại quân đội, đường băng cho chiến đấu cơ và các cảng đủ sâu cho tàu chiến hoạt động.
Trung Quốc cũng đã thuê tài lực nước ngoài để giúp quan hệ với công chúng, đào tạo truyền thông, bao cấp cho "dân quân đánh cá" hoạt động gần khu vực tranh chấp.
Có thể đoán trước được nhiều hơn, Trung Quốc đã tung ra hàng loạt các chuyên mục và bài báo trên các phương tiện truyền thông nhà nước để nêu ra lập trường. Mỗi bài báo thường tập trung vào một chuyên gia cụ thể, dẫn lời người này để lý giải tại sao Bắc Kinh làm đúng.
Bảo Linh (Quarzt)