Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã tuyên bố "tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu" đối với virus Zika hôm 1/2 và những vấn đề sức khỏe mà các bác sĩ lo rằng căn bệnh này sẽ gây ra.
Một em bé bị chứng teo não. Ảnh: Getty |
WHO cho biết tình trạng khẩn cấp được ban bố do tốc độ lan truyền nhanh đến chóng mặt của loại virus do muỗi vằn làm trung gian này và có khả năng virus này có liên quan tới sự tăng vọt của các trường hợp trẻ sơ sinh bị chứng teo não (microcephaly) ở Brazil, và Polynesia thuộc Pháp.
Các báo cáo về tình trạng thần kinh nghiêm trọng (được gọi là Guillame-Barre Syndrome) có thể dẫn tới tê liệt đã tăng lên tại những khu vực có virus Zika. Các quan chức y tế đặc biệt phát hiện các nhóm bệnh này tại El Salvador, Brazil và Polynesia thuộc Pháp, theo tiến sĩ Bruce Aylward của WHO.
Hiện các tình trạng trên chưa được kết luận là có liên quan tới virus Zika.
"Các chuyên gia đồng ý rằng một mối quan hệ nhân quả giữa việc nhiễm Zika trong quá trình mang thai và chứng teo não là rất đáng ngờ mặc dù điều này chưa được khoa học chứng minh", Tiến sĩ Margaret Chan, tổng giám đốc WHO nói.
Nhưng do khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi virus lớn, thiếu vắc xin và các xét nghiệm chẩn đoán đáng tin cậy, thiếu sự miễn nhiễm của người dan tại các nước bị ảnh hưởng cũng góp phần vào sự cần thiết phải đưa ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp này, theo WHO.
Bà Chan mô tả Zika là "sự kiện bất thường" sau cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Khẩn cấp về Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) tại Geneva, Thụy Sĩ.
Sau khi được phát hiện tại Brazil vào tháng 5/2015, đến ngày 23/1/2016, virus Zika đã lan truyền tới 21 quốc gia và lãnh thổ tại khu vực châu Mỹ. Ngày 25/1, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo virus Zika có thể lan rộng tới tất cả các nước châu Mỹ, trừ Canada và Chile (2 quốc gia chưa xuất hiện loài muỗi vằn).
Bảo Linh (tổng hợp)