Tin mới

WHO: Không thể cấm đi lại mãi, các nước phải chiến đấu với Covid-19

Thứ ba, 28/07/2020, 09:48 (GMT+7)

Các lệnh cấm đi lại quốc tế không thể kéo dài và các nước phải làm nhiều hơn để giảm sự lây lan của Covid-19 bên trong biên giới, WHO nhấn mạnh.

Sự hồi sinh của Covid-19 trở thành hồi chuông cảnh báo cho các nước. Ảnh: EPA-EFE

Sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 khiến các nước áp dụng lại một số hạn chế đi lại trong thời gian gần đây. Anh đã khiến ngành du lịch châu Âu hỗn loạn sau khi ra lệnh cách ly đối với du khách trở về từ Tây Ban Nha.

Trong một cuộc họp báo tại Geneva, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết chỉ với việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp y tế, từ đeo khẩu trang cho đến tránh tụ tập đông người thì thế giới mới có thể đánh bại được Covid-19. "Nơi mà các biện pháp trên được tuân thủ, số ca nhiễm giảm. Nơi mà không tuân thủ thì số ca nhiễm tăng", ông nói và ca ngợi Canada, Trung Quốc, Đức, Hàn Quốc vì đã kiểm soát được sự bùng phát.

>> Xem thêm: WHO thừa nhận sai lầm về đường lây truyền của Covid-19

Người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, Mike Ryan cho biết các quốc gia không thể đóng cửa biên giới trong tương lai gần. "Việc các quốc gia riêng lẻ đóng cửa biên giới trong tương lai gần gần như là không thể. Các nền kinh tế phải được mở lại, mọi người phải làm việc, thương mại phải tiếp tục", ông nói. Ông Ryan dẫn trường hợp của Tây Ban Nha, nói rằng tình hình tại đây đang rất tồi tệ khi đã gần lên đến đỉnh dịch. Ông dự kiến những cụm dịch sẽ được kiểm soát dù mất nhiều ngày hoặc nhiều tuần để nhận thấy rõ mô hình tương lai của căn bệnh này. "Càng nắm bắt được căn bệnh nhiều, chúng ta càng hiểu rõ virus, càng có thể loại bỏ nó ra khỏi cộng đồng một cách chính xác", ông nói thêm.

Sự hồi sinh của Covid-19 tại những khu vực khác nhau, ngay cả các quốc gia tưởng như đã kiểm soát được virus đang gióng lên hồi chuông cảnh báo đến thế giới. Dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng gần 650.000 người.

>> Xem thêm: Trump chính thức rút Mỹ khỏi WHO

Ông Ryan nói rằng quan trọng hơn cả những định nghĩa về làn sóng thứ hai, đỉnh dịch mới và các cụm dịch địa phương chính là nhu cầu theo kịp các hạn chế y tế nghiêm ngặt, chẳng hạn như giãn cách xã hội đối với các quốc gia. Bác sĩ Tedros thì nhấn mạnh ưu tiên vẫn là cứu người. "Chúng ta phải ngăn chặn lây nhiễm, nhưng đồng thời phải xác định các nhóm dễ tổn thương và cứu người, giữ tỷ lệ tử vong ở mức 0 nếu có thể, hoặc ở mức tối thiểu", ông nói và ca ngợi Australia, Nhật Bản về khía cạnh này.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news