"Siêu trăng - Trăng máu" bắt đầu đêm 27 và rạng sáng ngày 28/9, diễn ra trùng với rằm Trung thu.
Lần gần đây nhất "Siêu trăng" xuất hiện là vào năm 1982.
"Siêu trăng" lần nay sẽ bắt đầu lúc 9 giờ 7 phút tối 27/9 giờ EDT ( khoảng 2 giờ sáng giờ GMT). Việt Nam có thể theo dõi tường thuật trực tiếp "Siêu trăng" của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA. Cả quá trình nguyệt thực này sẽ kéo dài 72 phút.
Các khu vực có thể quan sát được Nguyệt thực toàn phần đêm 27/9 đó là Mỹ, Canada, Trung và Nam châu Mỹ. Châu Âu, Nam/Đông Á, châu Phi, Bắc Cực, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương sẽ quan sát được nguyệt thực toàn phần vào rạng sáng 28/9. Các khu vực còn lại của châu Âu, châu Phi và Nam/Tây Á, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương Bắc Cực, Nam Cực có thể thấy được nguyệt thực một phần.
Các khu vực có thể nhìn thấy "Siêu trăng - Trăng máu" đêm 27/9 rạng sáng 28/9/2015. Ảnh: timeanddate |
"Siêu trăng" là hiện tượng mỗi năm chỉ có 1 lần, khi mặt trăng tiến gần trái đất nhất và lúc này chúng ta thấy nó to hơn bình thường. Theo NASA, khi "Siêu trăng" xảy ra, từ Trái đất, Mặt trăng được nhìn thấy to hơn 14% so với kích thước thông thường và sáng hơn gấp 30% so với khi nó ở vị trí xa nhất.
Các múi giờ có thể xem "Siêu trăng - Trăng máu". Hà Nội không quan sát được hiện tượng này trực tiếp. Ảnh: timeanddate |
"Trăng máu" là Nguyệt thực toàn phần, xảy ra khi Mặt Trăng đi vào hình chóp bóng của Trái Đất, đối diện với Mặt Trời.
Việc "Siêu trăng" và "Trăng máu" cùng xảy ra trong một đêm như hôm nay là cực hiếm. Nó đã không xảy ra trong vòng 33 năm qua và sẽ không xuất hiện trước năm 2018. Những năm diễn ra sự kiện kỳ thú này là 1910, 1928, 1946, 1964 và 1982.
Các bạn có thể cập nhật thông tin về hiện tượng "Siêu trăng - Trăng máu" đêm 27 rạng sáng 28/9/2015 tại http://www.timeanddate.com/eclipse/lunar/2015-september-28
Bảo Linh (tổng hợp)