Khi Lầu Năm Góc chuẩn bị tăng gấp 4 lần ngân sách quốc phòng châu Âu của mình, một phân tích mới từ viện Chính sách của quân đội Mỹ có thể đưa ra lời giải thích cho sự gia tăng ấn tượng này. Theo dự báo của nhóm, nếu chiến tranh nổ ra, cả Mỹ và NATO sẽ đều bị Nga làm tổn hao lực lượng trong chưa đầy 3 ngày.
Ảnh minh họa: Hãng thông tấn Pháp |
Ngày 2/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã trình bày đề xuất ngân sách năm 2017 của Lầu Năm Góc. Sự gia tăng khổng lồ của ngân sách quốc phòng châu Âu là cách để chứng minh "cách tiếp cận mạnh mẽ và cân bằng nhằm ngăn chặn sự gây hấn của Nga".
Chi tiêu ở Đông Âu sẽ tăng từ 800 triệu USD hiện tại lên khoảng 3,4 tỷ USD.
Trong khi thông báo này đã gây sốc cho nhiều người thì một báo cáo của tổ chức RAND Corporation trong tuần này có lẽ đã đưa ra một lời giải thích. Theo phân tích của Viện chính này về các cuộc chiến ở Đông Âu, cả Mỹ và NATO sẽ phải chịu một thất bại tan nát nếu buộc phải đối đầu với quân đội Nga.
"Những phát hiện về cuộc chiến này là rõ ràng: Theo tình hình hiện nay, NATO không thể bảo vệ thành công lãnh thổ của các nước thành viên gặp nguy hiểm nhiều nhất", báo cáo tuyên bố.
Báo cáo tập trung vào khu vực Baltic, xem xét hàng loạt các cuộc chiến diễn ra từ năm 2014-2015. Kết quả cho thấy quân đội Nga đã vươn tới thủ đô các nước Latvia, Lithuania, Estonia chỉ trong vòng 36-60 giờ.
"Một thất bại nhanh như vậy sẽ khiến NATO có số lượng lựa chọn hạn chế, và tất cả đều tồi tệ", báo cáo nói thêm.
Có 3 lựa chọn được đưa ra. Đầu tiên là một pha phản công. Theo dự đoán, điều này sẽ khiến Moscow phản ứng mạnh mẽ hơn.
Lựa chọn thứ hai là NATO đe dọa Nga bằng vũ khí hạt nhân và lựa chọn thứ ba là chấp nhận thất bại.
Vào tháng 11/2015, một nghiên cứu trước đó của nhóm tư vấn này cũng cho thấy Mỹ đang mất dần ưu thế trên không trước quân đội Trung Quốc.
"...Những cải tiến liên tục khả năng trên không của Trung Quốc khiến Mỹ ngày càng khó lòng đạt được ưu thế trên không trong khung thời gian có hiệu quả hoạt động và chính trị, đặc biệt là trong kịch bản gần Trung Quốc đại lục", báo cáo trước đó nêu rõ.
Sức mạnh quân sự ngày một tăng của Bắc Kinh thách thức vai trò của Washington ở Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông - nơi Mỹ lên tiếng phản đối hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa.
Bảo Linh (theo Sputnik)