Mái vòm trung tâm của Cung điện Quốc gia Haiti sụp đổ sau trận động đất mạnh 7,0 độ richter xảy ra ở Port-au-Prince ngày 12/1/2010. Ảnh: AP
Ngày 12/1/2010, một trận động đất dữ đội đã tấn công Haiti, phá hủy phần lớn thủ đô Port-au-Prince khiến hơn 250.000 người thiệt mạng và hơn 1 triệu người rơi vào cảnh mất nhà cửa.
10 năm sau, trận động đất mạnh 7,0 độ richter vẫn tiếp tục để lại hậu quả cho đất nước nghèo nhất tây bán cầu này. Trong bối cảnh đói nghèo đặc hữu, một loạt các thảm họa thiên nhiên và cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra, hòn đảo cùng người dân của nó đang phải vật lộn để khôi phục và tái thiết đất nước.
Chỉ vài tháng sau trận động đất, đại dịch tả khủng khiếp nhất lịch sử gần đây đã nhấn chìm hòn đảo, khiến hàng ngàn người thiệt mạng, hàng ngàn người khác mắc bệnh. Các nhân viên gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc bị đổ lỗi là người đã lây truyền dịch bệnh và cơ quan này đã thừa nhận điều đó.
Vào tháng 10/2016, cơn bão Matthew đã càn quét Haiti khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng.
Đầu năm 2017, trong bối cảnh giận dữ lan rộng vì lạm phát gia tăng, thất nghiệp, thiếu nhiên liệu, bất ổn an ninh và cáo buộc tham nhũng, các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra ở Port-au-Prince và các khu vực khác của đất nước. Người biểu tình yêu cầu Tổng thống Moise Jovenel từ chức. Kể từ đó, làn sóng phản đối tiếp tục kìm hãm đất nước. Hàng chục người đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh trấn áp người biểu tình, làm dấy lên các cáo buộc sử dụng vũ lực quá mức.
Mặc dù đã viện trợ Haiti hàng tỷ đô sau trận động đất năm 2010, các tổ chức nhân đạo quốc tế vẫn bị chỉ trích vì những nỗ lực tái thiết chậm và giải ngân vốn không hiệu quả.
Một thập kỷ sau trận động đất, hòn đảo cũng như người dân của nó vẫn mang những vết sẹo của sự tàn phá. Hơn 6 triệu người Haiti sống dưới mức nghèo khổ, theo WB. Năm 2019, theo thống kê của LHQ, hơn một nửa dân số nước này bị thiếu dinh dưỡng và gần 3,7 triệu người cần viện trợ khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu thực phẩm hàng ngày. Hàng ngàn người vẫn tiếp tục sống trong các trại tạm, không có điện hoặc nước máy.
Cindy Terasme hét lên sau khi bàn chân người em trai Jean Gaelle Dersmorne, 14 tuổi bị vùi trong đống đổ nát của trường St Gerald ở Port-au-Prince, Haiti năm 2010. Ảnh: AP
Người phụ nữ ngồi gần trại tạm dựng lên cho những người sống sót sau trận động đất năm 2010. Ảnh: AP
Một binh sĩ LHQ đứng làm nhiệm vụ bảo vệ khi những người sống sót sau động đát xếp hàng nhận lương thực trợ cấp. Ảnh: AP
Cảnh sát bắt giữ những người cướp bóc sau động đất. Ảnh: AP
Mọi người tranh giành những vật phẩm nhặt được từ đống đổ nát sau động đất tại Port-au-Prince. Ảnh: AP
Người Haiti bịt mũi để tránh mùi xác chết trên một con phố ở Port-au-Prince. Ảnh: AP
Cảnh sát tuần tra những con phố tại trung tâm Port-au-Prince sau trận động đất. Ảnh: AP
Mọi người đi giữa khói bụi, đống đổ nát sau trận động đất năm 2010. Ảnh: AP
Người biểu tình tuần hành đòi Tổng thống Jovenel Moise từ chức năm 2019. Ảnh: Reuters
Mọi người tập trung tại một trạm xăng, hy vọng nó sẽ mở cửa trong thời gian thiếu hụt nhiên liệu tại Port-au-Prince hồi tháng 9/2019. Ảnh: AP
Cảnh sát chống bạo động cầm khiên trong cuộc biểu tình đòi Tổng thống Haiti từ chức hồi tháng 10/2019. Ảnh: Reuters
Tình hình đường phố Port-au-Prince trong tháng 10/2019. Ảnh: Reuters
Người phụ nữ khóc thương bên quan tài của một cậu bé 16 tuổi thiệt mạng trong cuộc biểu tình đòi Tổng thống Haiti từ chức vào năm 2019. Ảnh: AP