Tin mới

5 kẽ hở trong cuộc điều tra MH17 khiến Nga không cam lòng

Thứ năm, 29/09/2016, 10:38 (GMT+7)

Một cuộc điều tra quốc tế đã phát hiện ra máy bay MH17 bị bắn hạ bằng tên lửa BUK (được vận chuyển từ Nga tới) bên trong lãnh thổ do phiến quân kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn còn có những điều không chắc chắn khi các nhà điều tra giữ lại bằng chứng quan trọng vì lý do an ninh.

Một cuộc điều tra quốc tế đã phát hiện ra máy bay MH17 bị bắn hạ bằng tên lửa BUK (được vận chuyển từ Nga tới) bên trong lãnh thổ do phiến quân kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn còn có những điều không chắc chắn khi các nhà điều tra giữ lại bằng chứng quan trọng vì lý do an ninh.

Trong quá trình trình bày các phát hiện của mình, Nhóm điều tra chung (JIT) tuyên bố sẽ không tiết lộ tất cả các nguồn thông tin và bằng chứng mà họ sử dụng trong cuộc điều tra.

"Chúng tôi không thể và không muốn nói với các bạn mọi thứ bởi nó có thể gây nguy hiểm cho việc điều tra và mang lại lợi ích cho thủ phạm", cơ quan này nói.

Những nhân chứng giấu tên

Theo JIT, tên lửa BUK được đưa từ Nga tới Ukraine bằng một toa xe có bệ thấp, sau đó được đưa tới vị trí phóng bắn, nằm gần Snezhnoye. Kết luận này được đưa ra dựa vào những tài liệu nguồn mở và "lời khai của nhân chứng" mà các nhà điều tra thu thập được. Tuy nhiên, không ai trong số họ được chỉ mặt đặt tên. JIT viện dẫn là vì lý do an ninh.

Cuộc điều tra cũng đề cập đến những nhân chứng đã nhìn thấy vệt khói sau khi tên lửa BUK được phóng đi gần Snezhnoye. Nhóm điều tra do Hà Lan dẫn đầu đã không đưa ra bất cứ đoạn video nào từ những người này để chứng minh cho tuyên bố của họ.

Chặn các cuộc gọi nặc danh

Ngoài các nhân chứng, nhóm điều tra quốc tế còn phân tích "những cuộc điện thoại bị chặn". JIT nói rằng họ đã phân tích "khoảng 150.000" cuộc gọi bị chặn nhưng trong quá trình trình bày, nhóm này chỉ công bố rất ít các bản ghi âm audio và các bản sao. Một trong số những cuộc gọi này là cuộc thảo luận về việc cần thiết phải có một hệ thống tên lửa và lời xác nhận lực lượng nổi dậy đã mua một chiếc.

Mặc dù JIT dã cung cấp ngày tháng của cuộc gọi nhưng không rõ chính xác ai là người liên quan tới cuộc đối thoại đó và ai đã bàn giao dữ liệu? Trong khi JIT tuyên bố họ đã đánh giá tính xác thực của bằng chứng một cách độc lập nhưng Nga đã không có mặt trong quá trình này.

Mô phỏng máy tính và bằng chứng video

Trong khi nhấn mạnh rằng JIT có thể theo dõi "nhiều tuyến đường đi" của hệ thống tên lửa BUK từ Nga thì các nhà điều tra lại chỉ cung cấp rất ít video và hình ảnh về hệ thống này tại Ukraine.

Bằng chứng chính về đường đi của chiếc xe chở tên lửa BUK hiện không có những bức ảnh thật, chỉ là hình ảnh được dựng lại bằng máy tính. Nó cho thấy tuyến đường chở tên lửa xuyên qua những cộng đồng ở miền đông Ukraine, đưa tới vị trí được cho là để phóng đi.

Các nhà điều tra cũng viện dẫn tầm quan trọng của việc giấu tên do vấn đề an ninh đối với những người đã cung cấp tài liệu.

Nhóm điều tra quốc tế công bố kết quả điều tra vụ bắn rơi MH17 hôm 28/9. Ảnh: RT

Dữ liệu radar và hình ảnh vệ tinh

Xác định vị trí chính xác của nơi phóng tên lửa BUK là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhóm điều tra. Trong báo cáo của mình, các nhà điều tra đã dẫn dữ liệu nhận được từ Mỹ, mục đích là để cho thấy MH17 đã bị tên lửa BUK bắn hạ và nó được "phóng đi từ một nơi cách phía nam làng Snizhne khoảng 6 km". Các bức ảnh không được đính kèm với báo cáo.

Ngày 26/9, Nga đã thách thức những tuyên bố của JIT khi họ phát hành dữ liệu thô từ một radar đặt tại Nga. Dữ liệu này cho thấy không có vật thể nào tiếp cận MH17 từ khu vực lãnh thổ do phiến quân kiểm soát. Moscow cũng kêu gọi Ukraine công bố dữ liệu từ radar của mình. Bộ Quốc phòng Nga tiếp tục chỉ ra là dữ liệu này vẫn chưa được công khai.

Loại tên lửa và quỹ đạo bay

Ngày 28/9, nhóm điều tra quốc tế nhắc lại họ không thể xác định chính xác loại tên lửa được sử dụng để bắn hạ máy bay Boeing của Malaysia. Họ nói đó là tên lửa nằm trong loạt 9M38

Tuy nhiên, công ty Nga Almaz-Antey nói rằng họ có thể xác định rõ ràng tên lửa thuộc loại 9M38 (đã không được sử dụng ở Nga nữa) sau khi tiến hành thí nghiệm hồi năm ngoái. Điều này không được nói đến trong báo cáo mới nhất của JIT.

Almaz-Antey tiếp tục đặt câu hỏi về báo cáo của JIT khi họ đã trao đổi dữ liệu "tối mật" về các đặc điểm của tên lửa BUK với các nhà điều tra từ trước đó. Tuy nhiên, nhóm điều tra quốc tế lại chọn nghiên cứu một tên lửa "tương tự" của Mỹ để mô phỏng lại tác động. Theo Almaz-Antey, tên lửa này khác với tên lửa BUK của Nga rất nhiều, kể cả về đường bay.

Bảo Linh (RT)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: MH17 tên lửa Buk

Báo Nga: "Phương Tây nên giữ lấy răng vì ngụy tạo vụ MH17"

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Zvezda, các chuyên viên quân sự Nga cho rằng, báo cáo sơ bộ mới công bố của nhóm nghiên cứu quốc tế điều tra vụ máy bay MH17 bị bắn hạ rất giống với lối điều tra của WADA về các vận động viên Nga tại Olympic và Paralympic.