(Tinmoi.vn) Báo Washington Post ngày 8/7 có bài viết “5 reasons China has no friends” (5 lý do Trung Quốc không có bạn bè). Bài viết đã phân tích đầy đủ và sâu sắc nhất những lý do mà một nước lớn như Trung Quốc lại không có nổi một người bạn đích thực.
Vào năm 2010, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hilary Rodham Clinton phát biểu tại cuộc họp của các nước châu Á rằng Mỹ “có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, tiếp cận với các vùng biển chung của châu Á và tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông”.
Đối với Trung Quốc, đó là những từ ngữ khiêu chiến. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, không nước nào bảo vệ Bắc Kinh. Thay vào đó, 12 nước láng giềng của Trung Quốc tuyên bố ủng hộ bà Clinton. Tức giận, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố: “Trung Quốc là nước lớn, những nước khác là nước nhỏ và đó là một thực tế”.
Theo Geoff Dyer của Financial Times: “Trong vòng chưa đầy nửa giờ, ông Dương đã phá vỡ sự tinh tế, mẫn cán và hiệu quả cao mà ngoại giao Trung Quốc trong hơn một thập kỷ đã đạt được”
Đó chỉ là 1 trong số rất nhiều ví dụ thực tế cho thấy: Trung Quốc chỉ có vài người quen và rất ít bạn bè. Sự cô lập của Trung Quốc là điều hiển nhiên được lặp lại trong Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Trung-Mỹ trong tuần này. Theo Washington Post:
“Việc Trung Quốc gia tăng quân sự và có những tuyên bố chủ quyền ngày càng quyết đoán tại những bãi đá không người ở, các rạn san hô và bãi cát có khả thể gây xung đột với các nước láng giềng – những quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền với các quần đảo trên. Và với Mỹ, quốc gia đang có liên minh quan trọng với 3 đối thủ tranh chấp có nghĩa vụ bảo vệ họ trong trường hợp bị tấn công.
Trong bài viết “Still Ours to Lead”, học giả Bruce Jones lưu ý rằng Mỹ “có hơn 50 đồng minh – chiếm hơn ¼ các quốc gia trên thế giới”. Trong khi “các đồng minh chiến lược” của Trung Quốc “rất ít và rất xa cách”. Vậy điều gì đã tạo ra khoảng cách này?
1. Lịch sử: Kinh nghiệm Chiến tranh lạnh của Trung Quốc về sự vận động qua lại giữa Mỹ-Liên xô đã tạo nên mối ác cảm về việc hình thành các liên minh. Trung Quốc cam kết theo đuổi “Chính sách đối ngoại hòa bình độc lập và tự chủ” trong năm 1982 và theo Feng Zhang, một học giả tại ĐH Quốc gia Australia, Trung Quốc “đã liên tục từ chối liên minh như một nguyên tắc chính sách đối ngoại và phỉ báng nó như tàn tích của Chiến tranh Lạnh không phù hợp với tinh thần Trung Quốc”.
Đặc biệt, khi đối chiếu với chính sách xoay trục châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Obama, Trung Quốc đã xem mạng lưới đồng minh của Mỹ tại khu vực như công cụ kiềm chế sự trỗi dậy của mình.
2. Tư tưởng: Trong khi tin rằng giá trị của mình là đặt biệt, Trung Quốc không quan tâm đến một thách thức kiểu Liên Xô tới nền dân chủ. Tuy nhiên, với một đất nước vẫn còn 1 đảng lãnh đạo thì Trung Quốc sẽ gặp phải thách thức trong việc xử lý những người bất đồng chính trị và các dân tộc thiểu số. Khi thực tế trên vẫn còn, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn và không thể tạo thành liên minh với các nước dân chủ.
3. Cá lớn, ao nhỏ: Trong lịch sử hàng ngàn năm của Trung Quốc, sự áp đặt (cả về dân số lẫn lãnh thổ) và vị trí đầy thách thức (có 14 nước láng giềng) nghĩa là sự ngờ vực của các nước láng giềng là điều cố hữu. Nhưng hành vi của Trung Quốc trong thời gian gần đây – tự tuyên bố chủ quyền trên biển chiếm đến 80% Biển Đông, gia tăng áp lực và đôi khi là cưỡng chế để đi đòi chủ quyền tại các khu vực tranh chấp và áp dụng các quan niệm ngày càng quyết liệt về lợi ích cốt lõi – điều này đã làm xói mòn khả năng đạt được “sự trỗi dậy hòa bình” tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
4. Trung Quốc chủ yếu tập trung phát triển nội bộ: Trong khi các hành vi của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ngày càng quyết đoán, hành vượt ra khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương thường chỉ là giao dịch. Đất nước này, chủ yếu quan tâm đến việc nuôi dưỡng các mối quan hệ kinh doanh với nước khác.
Cuối cùng, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác kinh tế trên toàn thế giới – mở rộng các khoản vay và xây dựng cơ sở hạ tầng để đổi lấy những hàng hóa quan trọng – ít khi quan tâm đến bản chất của các chính phủ mà mình đang tương tác. Do đó, có một khoảng cách đáng kể giữa các thỏa thuận kinh doanh và các liên minh bền lâu. Gần đây, Trung Quốc cũng có vẻ đã chia sẻ các giá trị và sự liên kết trong những chiến lược khẩn cấp.
5. Trung Quốc ngày càng trỗi dậy nhanh: Daniel Kliman thuộc Quỹ German Marshall gần đây đã so sánh sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vòng 30 năm giai đoạn 1982-2012 với Mỹ (1870-1900), Đức (1870-1900), Liên Xô (1945-1975) và Nhât Bản (1960-1990), xem xét sự tăng trưởng kinh tế, thương mại và chi tiêu quân sự. Ông kết luận “trong 30 năm tăng trưởng”, Trung Quốc “đã tiến xa hơn, nhanh hơn so với bất kỳ cường quốc nào trong nhóm nước được đem ra so sánh”.
Bất kỳ sự trỗi dậy nào với cường độ như vậy đều khơi dậy sự lo lắng, đặc biệt là nó xảy ra tại Trung Quốc – đất nước được giả định là kế thừa vị trí siêu cường thế giới.
Trong khi Trung Quốc ủng hộ kiến trúc an ninh khu vực mới – làm giảm sự nổi bật các liên minh của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc lại không xem xét lại tư thế cơ bản của mình về sự hình thành liên minh.
Nhưng như Yan Xuetong (tác giả của bài “How China can defeat America” đăng trên New York Times vào tháng 11/2011) và Huang Yuxing đã tranh luận trong “Tư tưởng Trung Quốc cổ đại, Sức mạnh của Trung Quốc hiện đại” cho rằng: “những hạn chế của nguyên tắc không liên kết đã trở nên rõ ràng”
Có thể Trung Quốc không khao khát vượt trội toàn cầu. Nhưng nếu Trung Quốc muốn cân bằng chiến lược với Mỹ, họ sẽ phải chủ động hơn trong việc tạo dựng các liên minh.
Bảo Linh