Dưới đây là 8 trận lụt tàn khốc nhất thế giới do trang History thống kê.
1. Trận lụt Johnstown với sức mạnh ngang dòng chảy của sông Mississippi
Johnstown, Pennsylvania sau trận lụt năm 1889. Ảnh: Getty
Thảm họa bắt đầu vào khoảng 3h chiều ngày 31/5/1889 khi một con đập trên hồ Conemaugh của Pennsylvania bị vỡ sau nhiều ngày mưa. Vụ vỡ đập khiến 16 triệu tấn nước nhanh chóng biến thành một dòng bùn và các mảnh vỡ cao 12m, rộng hơn 800m. Một giờ sau, cơn sóng ập tới Johnstown như một nắm đấm khổng lồ, phá hủy 1.600 tòa nhà và cuốn trôi mọi thứ trên đường đi. Khi nước rút, hơn 2.200 người thiệt mạng và rất nhiều người bị thương, mất nhà cửa. Nguyên nhân trận lụt được cho là do con đập được bảo dưỡng kém. Nó thuộc sở hữu của một câu lạc bộ đánh bắt cá nhưng cuối cùng lại không có ai chịu trách nhiệm tài chính về thảm họa này.
2. Trận lụt ở miền Trung Trung Quốc có thể đã cướp đi 3,7 triệu sinh mạng
Lũ lụt nghiêm trọng ở HÁn Khẩu, Trung Quốc vào tháng 9/1931. Ảnh: Getty
Vào mùa hè năm 1931, tuyết tan, mưa xối xả cộng thêm 7 cơn lốc xoáy khác nhau đã tạo ra một trận lụt kinh hoàng nhất lịch sử Trung Quốc. Chỉ riêng tháng 7, miền Trung Quốc Quốc đã nhận lượng mưa của một năm rưỡi cộng lại. Đến tháng 8, sông Dương Tử, Hoàng Hà và Hoài Hà đều bị vỡ đê, làm ngập một khu vực rộng lớn hơn cả nước Anh. Hàng ngàn người thiệt mạng vì Đuối nước trong giai đoạn đầu lũ lụt. Nhưng sau đó, lượng người mất mạng vì đói và dịch bệnh bùng phát (tả, sốt thương hàn và kiết lỵ) còn nhiều hơn.
3. Trận lụt Grote Mandrenke (Great Drowning of Men)
Ngôi làng bị lụt ở Hà Lan. Ảnh: Getty
Trận lụt Grote Mandrenke là kết quả của một cơn bão dữ ở Biển Bắc quét qua các khu vực ở châu Âu vào tháng 1/1362. Ảnh hưởng của cơn bão được cảm nhận đầu tiên tại Anh. Theo biên niên sử ghi lại, "một cơn gió mạnh thổi từ phía bắc rất dữ dội trong một ngày đêm, san phẳng cây cối, nhà máy, nhà cửa và nhiều tháp nhà thờ lớn". Thiệt hại tại Hà Lan, Đức và Đan Mạch còn tồi tệ hơn. Những nước này trải qua một cơn triều cường thảm khốc, gần như tràn qua mọi con đê trên đường đi. Bất cứ nơi nào cũng có từ 25.000-100.000 người đuối nước. Người ta nói rằng có 60 giáo xứ khác nhau tại Đan Mạch đã bị "biển muối nuốt chửng". Ở Những quốc gia thấp, xói mòn do lũ lụt làm biến đổi vĩnh viễn đường bờ biển, khiến toàn bộ các đảo biến mất. Cùng với các cơn bão khác thời Trung cổ, Grote Mandrenke đóng vai trò hình thành một vịnh biển Bắc nông tại Hà Lan, có tên Zuiderzee.
4. Trận lụt làm rung chuyển Thung lũng sông Indus năm 1841
Sông lớn xuyên Himalaya ở Nam Á là một trong những sông dài nhất thế giới, dài gần 3.000 km. Ảnh: Getty
Vấn đề bắt đầu vào tháng Giêng năm 1841 khi một trận động đất gây ra vụ lở đất lớn trên sườn núi Nanga Parbat, một đỉnh của Himalaya nằm ở Pakistan ngày nay. Vì vậy, nhiều lớp nền móng trầm tích đã rơi từ đỉnh núi xuống, chặn dòng chảy của sông Indus và tạo ra một hồ nước sâu hơn 150m và dài hàng chục dặm.
Khi con đập tự nhiên bị vỡ vào tháng 6 năm đó, hồ nước ồ ạt chảy ra với vận tốc 540.000 m3/giây, tạo ra đợt lũ khổng lồ cao gần 30m. Con số thương vong không được ghi nhận nhưng đây được trận lũ được cho là đã tàn phá vài trăm dặm của Thung lũng Indus. Toàn bộ các ngôi làng bị xóa sổ khỏi bản đồ và toàn bộ đạo quân Sikh gồm 500 người đã bị tiêu diệt gần thành phố Attock.
5. Trận đại hồng thủy từ con sông biểu tượng của Mỹ
Những túp lều tị nạn dựng lên trên đê sau khi thị trấn Greenville, Mississippi gần như bị xóa sổ. Ảnh: Getty
Vào mùa xuân năm 1927, sau những tháng mưa không ngớt, hạ lưu sông Mississippi dâng đến điểm giới hạn và tràn qua hệ thống đê điều. Trận lụt đã làm ngập khoảng 6,4 triệu ha khắp 7 bang từ Cairo, Illinois đến New Orleans. Thiệt hại nặng nhất là ở Arkansas, Mississippi và Louisiana, nơi con sông tạo thành một vùng biển nông rộng hơn 120km và buộc hàng ngàn người phải sơ tán bằng thuyền. Vào thời điểm nước rút sạch mùa hè năm đó, có ít nhất 250 người thiệt mạng và 1 triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa, tương đương khoảng 1% dân số Mỹ thời điểm ấy.
6. Trận lụt năm 1966 giáng đòn kinh hoàng vào kho tàng văn hóa Italy
Người đàn ông chèo thuyền giữa những ô tô bị đắm trên con phố ngập nước tại Florence sau trận lụt kinh hoàng tháng 11/1966. Ảnh: Getty
Trận đại hồng thủy bắt đầu vào ngày 4/11 sau một khoảng thời gian mưa khiến sông Arnotràn tràn nước, đẩy 18 tỷ gallon bùn tràn qua các con phố ở Florence. Hàng nghìn ngôi nhà và cơ sở kinh doanh đã bị phá hủy. Nước còn tràn tới một số phòng trưng bày nghệ thuật và thư viện chứa những vật vô giá thời Phục hưng. Khoảng 1,5 triệu cuốn sách bị chìm tại Biblioteca Nazionale.
Ở những nơi khác trong thành phố, trận lụt đã phá hủy hoặc làm hư hại 1.500 bức bích họa, tác phẩm điêu khắc và tranh vẽ. Sau thảm họa, một nhóm tình nguyện viên quốc tế có tên "Thiên thần bùn" đã đến Florence để thu gom các bức tranh, bản thảo bị úng nước. Các nhóm đã giải cứu vô số tác phẩm nghệ thuật, nhưng nhiều trường hợp, quá trình trùng tu phải kéo dài hàng thập kỷ. Việc phục chế bức họa nổi tiếng "Bữa tối cuối cùng" vẽ năm 1546 của danh họa Giorgio Vasari mãi đến năm 2016 mới hoàn thành.
7. Đại hồng thủy do con người trực tiếp gây ra
Quân đội Trung Quốc tiến lên chống lại quân Nhật trong khi sông Hoàng Hà bắt đầu lụt năm 1938. Ảnh: Getty
Trong Chiến tranh Trung - Nhật lần thứ 2 (6/1938), quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc đã cố tình phá hủy một số con đê trên sông Hoàng Hà để ngăn cản quân Nhật. Trung Quốc hy vọng chiến thuật này sẽ cản đường Nhật tiếp cận một đường sắt và làm chậm tiến độ tiến về phía tây của họ. Thế nhưng, những gì xảy ra lại là một thảm họa môi trường. Một khi đê vỡ, nước Hoàng Hà ào ạt chảy làm ngập một vùng rộng hơn 54.000 km2 của các tỉnh Hà Nam, An Huy và Giang Tô ở miền trung nước này.
Theo ước tính, khoảng 4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, 800.000 người thiệt mạng vì đuối nước, dịch bệnh và nạn đói sau khi trận đại hồng thủy không được kiểm soát. "Những cư dân không chết vì lũ thì cũng chết vì khó khăn", một báo cáo của chính phủ Trung Quốc năm 1940 viết. "Những người may mắn sông sót thì đang hấp hối, rên rỉ trong đau đớn". Thảm họa kéo dài cho đến hết chiến tranh. Ban đầu, chính phủ Trung Quốc còn đổ lỗi cho quân đội Nhật Bản ném bom khiến đê vỡ và phải đến năm 1947 các kỹ sư và công nhân mới hoàn thành việc đưa sông Hoàng Hà trở lại như cũ.
8. Trận lụt tồi tệ nhất nước Anh cướp đi khoảng 2.000 sinh mạng
Trận lụt ở kênh Bristol năm 1607 khiến khoảng 2.000 người được cho là đã thiệt mạng. Ảnh: Getty
Trận đại hồng thủy bắt đầu vào sáng 30/1/1607 khi một làn sóng biển lớn tràn vào đất liền khoảng 500 km2 ở phía tây nam nước Anh và xứ Wales, nhấn chìm hoàn toàn ít nhất 20 ngôi làng. Một nhân chứng kể lại "những ngọn đồi nước khổng lồ và hùng vĩ xô lên nhau", tiến lên với "tốc độ nhanh chóng". Những mô tả này khiến một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết trận lụt là do sóng thần bắt nguồn từ động đất. Những người khác thì cho rằng đó là triều cường do bão. Dù nguyên nhân là gì thì trận lụt đã chứng tỏ sức tàn phá khủng khiếp của nó với những khu vực quanh kênh Bristol, nơi khoảng 2.000 người mất mạng. Ở Somerset, nước lũ đã tràn vào trong đất liền khoảng 24km và biến ngọn đồi nổi tiếng tại Glastonbury Tor thành đảo trong khoảng thời gian ngắn.