Tin mới

Agribank: Trưởng PGD ôm 17 tỉ bỏ trốn, Việt kiều Pháp gửi tiền không rút được

Thứ hai, 16/03/2015, 09:58 (GMT+7)

Chia sẻ trên mục “Chuyện của tôi” của báo Tuổi trẻ mới đây, ông Dương Thanh Nghị, một Việt kiều Pháp cho hay ông đang không thể rút được 400.000 Euro tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi (Q.1, TP.HCM) vì có hai sổ tiết kiệm có cùng một số tiền 400.000 euro, cùng chủ tài khoản và cùng ngày gửi, chỉ khác về số sổ và một trong hai sổ tiết kiệm nêu trên đang thế chấp để vay số tiền 10,4 tỉ đồng.

Chia sẻ trên mục “Chuyện của tôi” của báo Tuổi trẻ mới đây, ông Dương Thanh Nghị, một Việt kiều Pháp cho hay ông đang không thể rút được 400.000 Euro tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi (Q.1, TP.HCM) vì có hai sổ tiết kiệm có cùng một số tiền 400.000 euro, cùng chủ tài khoản và cùng ngày gửi, chỉ khác về số sổ và một trong hai sổ tiết kiệm nêu trên đang thế chấp để vay số tiền 10,4 tỉ đồng.


 

Cụ thể, chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, ông Dương Thanh Nghị viết: “Ngày 15-12-2014, tôi gửi số tiền 400.000 euro tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi (Q.1, TP.HCM). Khoản tiền này tôi tích cóp qua thời gian, mỗi lần tôi gửi từ nước ngoài về một ít.

Người thường xuyên liên lạc với tôi là ông Nguyễn Lê Kiều Quang (nguyên giám đốc phòng giao dịch Agribank Hòa Hưng, thuộc Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi, đã bỏ trốn cùng 17 tỉ đồng của ngân hàng này - PV). Ông Quang thường xuyên liên hệ và trao đổi thông tin, thuyết phục tôi gửi tiền tại ngân hàng.

Tháng 12-2014, do các sổ tiết kiệm cũ hết hạn, tôi tới ngân hàng rút hết các sổ cũ, dồn các sổ đó lại cộng thêm một số tiền mới chuyển về cho đủ 400.000 euro theo kế hoạch đầu tư.

Sổ tiết kiệm của ông Nghị gửi tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi. Ảnh: Tuổi trẻ

Khi thực hiện các thao tác rút hết các sổ cũ, ông Quang và nhân viên đưa cho tôi ký rất nhiều giấy tờ, trong đó có một số tờ giấy trắng - theo lời ông Quang là những tờ giấy ký sẵn để tiện cho việc hoàn tất thủ tục rút tiền, nộp tiền cho tôi đỡ mất thời gian.

Những tờ giấy trắng này trước đây nhiều lần ông Quang cũng đề nghị như vậy, tôi không thấy có vướng mắc gì phát sinh về sau nên lần này tôi cũng ký.

Hoàn tất mọi thủ tục, ông Quang đưa cho tôi sổ tiết kiệm với đầy đủ thông tin của cá nhân tôi cũng như số tiền 400.000 euro.

Sau khi gửi tiền, tôi còn đề nghị ông Quang chứng minh cho tôi thấy số tiền 400.000 euro mang tên tôi có trong hệ thống ngân hàng và ông Quang đã mở phần mềm cho tôi xem, tôi thấy đầy đủ thông tin nên yên tâm.

Ngày 2-2-2015, tôi tới Ngân hàng Agribank  chi nhánh Mạc Thị Bưởi để rút tiền, nhân viên giao dịch tại đây xem sổ xong báo với tôi số tiền có trên hệ thống, tuy nhiên số tiền quá lớn, phía ngân hàng cần thời gian chuẩn bị nên hẹn hai ngày sau quay lại.

Đúng hẹn, hai ngày sau tôi liên lạc thì nhân viên ngân hàng này thông báo cô ấy không có thẩm quyền giải quyết, hướng dẫn tôi gặp giám đốc chi nhánh.

Tại đây, tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông phó giám đốc tiếp tôi cùng một người mặc thường phục, tự giới thiệu tên Khải, là cán bộ điều tra phụ trách lĩnh vực ngân hàng.

Ông Khải cho biết các nội dung: xác nhận số tiền 400.000 euro có trong tài khoản gửi tiết kiệm của tôi; hệ thống Agribank có sự nhầm lẫn vì có hai sổ tiết kiệm có cùng một số tiền 400.000 euro, cùng chủ tài khoản và cùng ngày gửi, chỉ khác về số sổ; một trong hai sổ tiết kiệm nêu trên đang thế chấp để vay số tiền 10,4 tỉ đồng nên không thể giải quyết yêu cầu rút tiền tiết kiệm của tôi”.

Liên quan đến chuyện này, phía Ngân hàng Agribank cho biết, họ xác nhận rằng cuốn sổ ông Nghị giữ đúng là do Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi phát hành. Tuy nhiên, các phôi sổ tiết kiệm là phôi in sẵn, ký khống, do ai đó đã in hai cuốn sổ khác nhau, một sổ giao cho ông Nghị, một sổ dùng thế chấp vay tiền.

Vụ việc này có liên quan tới ông Nguyễn Lê Kiều Quang tham ô tài sản, đang bị truy nã nên phải chờ cơ quan điều tra kết luận. Khi nào có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra phía ngân hàng mới thông báo hướng giải quyết cho ông Nghị.

Ông Cao Sỹ Kiêm - Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Ủy viên ủy ban Kinh tế Quốc hội - cho biết cũng trên Tuổi trẻ: “Nguyên tắc của ngân hàng là khi có người gửi tiền vào thì phải bảo toàn số tiền của người dân dù bất cứ trường hợp nào xảy ra, kể cả khi ngân hàng phá sản thì cũng có chính sách để bảo vệ và trả lại tiền cho người dân”.

Ông Kiêm cho rằng nếu có gì uẩn khúc thì phải nhờ đến cơ quan chức năng chứng minh, làm rõ. Còn trên nguyên tắc, ngân hàng phải bảo toàn số tiền của người dân.

“Phải đưa ra cơ quan pháp luật giải quyết. Nếu ông Nghị không sai trái thì ngân hàng phải hoàn trả số tiền cho ông, tính luôn mức độ thiệt hại và lãi suất cho ông” - ông Kiêm cho hay.

Liên quan đến vụ Trưởng phòng giao dịch ôm 17 tỉ bỏ trốn

Phòng giao dịch Hòa Hưng, chi nhánh Mạc Thị Bưởi của Ngân hàng Agribank chính là nơi đã xảy ra một vụ việc “chấn động” mà sau đó, toàn bộ Ban Giám đốc và nhân viên PGD này đã được “thay máu”.

Cụ thể, hồi tháng 2/2015, Ban Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã chính thức thông tin về vụ việc Giám đốc Phòng giao dịch (PGD) Hòa Hưng chiếm đoạt 17 tỷ đồng tiền tiếp quỹ tiền mặt tại Chi nhánh Mạc Thị Bưởi bỏ trốn và đang bị lực lượng công an truy bắt.

Ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, nguyên nhân để xảy ra vụ việc là do các cá nhân trong thành phần tổ điều chuyển không thực hiện đúng quy định về vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá trị…

Theo đó, theo điều tra ban đầu, 0h20 rạng sáng 31.1, ông Nguyễn Văn Hưng (SN 1968, ngụ quận 4, Giám đốc Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi) đến Công an phường Đa Kao, quận 1 trình báo vụ việc vào sáng 30.1, Agribank chi nhánh Mạc Thị Bưởi có cử tổ chuyển tiền đến Agribank ở đường Hai Bà Trưng, phường Đa Kao, quận 1 để tiếp nhận 17 tỉ đồng mang về phòng giao dịch Hòa Hưng. 

Ông Hòa và tài xế Nguyễn Đình Công (SN 1964, ngụ quận 2) được giao nhiệm vụ, tuy nhiên ông Quang - Trưởng phòng giao dịch Hòa Hưng - dù không có tên hay nhiệm vụ được giao trong tổ chuyển tiền, nhưng vẫn tham gia đi nhận tiền. Khoảng 8h30 sáng 30.1, nhóm 3 người trên đã tiếp nhận số tiền 17 tỉ đồng, được áp tải đưa vào xe chuyên dụng do ông Công điều khiển.

Tòa nhà nơi ông Nguyễn Lê Kiều Quang mang 17 tỉ đồng vào rồi biến mất. Ảnh: Lao động

Tuy nhiên trên đường đi, ông Quang lại điều động ông Công lái xe đến một ngân hàng nước ngoài có trụ sở đặt trên đường Hai Bà Trưng, phường Đa Kao, quận 1. Thay vì làm theo đúng quy trình, quy định được giao là vận chuyển tiền, ông Hòa và lái xe Nguyễn Đình Công lại tuân theo "lệnh” của ông Quang. Theo lời khai ban đầu của ông Hòa, ông Quang nói với ông Công và Hòa là sẽ mang 17 tỉ đồng vào đổi thành Euro và hẹn ông Công, Hòa khi nào xong việc sẽ gọi đến đón về. Sau đó, Quang biến mất. Ngay sau đó, công an phường chuyển hồ sơ lên Công an quận 1 và PC46 đã tiếp nhận thông tin, bắt giữ khẩn cấp ông Hòa, riêng ông Quang cùng số tiền vẫn chưa được tìm thấy.

Theo thông báo chính thức của ông Nguyễn Hải Long - Phó Tổng Giám đốc Agribank, ông Nguyễn Lê Kiều Quang là Trưởng phòng giao dịch Hòa Hưng, không thuộc tổ điều đi chuyển tiền. Ông Hòa là nhân viên Phòng giao dịch Hòa Hưng, được phân công nhiệm vụ là tổ trưởng tổ điều chuyển tiền đã không hoàn thành đúng nhiệm vụ được giao. Cụ thể, không tham gia áp tải tiền theo đúng quy định của tổ áp tải, tổ này có trách nhiệm áp tải số tiền từ khi bắt đầu nhận tại chi nhánh Mạc Thị Bưởi về trụ sở phòng giao dịch Hòa Hưng, mà lại giao tiền cho ông Quang trên đường đi.

Ngay khi xảy ra vụ việc, Ban Tổng Giám đốc Agribank đã làm việc với lãnh đạo Agribank Chi nhánh Mạc Thị Bưởi để nghe báo cáo toàn bộ vụ việc; đồng thời đã chỉ đạo đơn vị này trình báo vụ việc cho Công an TP HCM; Cục An ninh Tài chính Tiền tệ và Đầu tư (A84, Bộ công an) để phối hợp truy tìm Nguyễn Lê Kiều Quang. Hiện CQĐT cũng đang tạm giữ ông Phú Minh Hòa; riêng lái xe và bảo vệ chuyên trách cũng đang được cơ quan chức năng kiểm soát nhằm phục vụ công tác điều tra.

Nam Nam (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news