Nhà khoa học chính trị Nga Grigory Lokshin khẳng định, hanh động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông là bất hợp pháp, vi phạm công ước Liên Hợp quốc.
Tại phía nam quần đảo Trường Sa, những hòn đảo mới đang mọc lên không chỉ từng ngày mà từng giờ. Đảo nhân tạo được bồi đắp trên các rạn san hô.
Trả lời trên Sputnik News, nhà khoa học chính trị Nga Grigory Lokshin cho biết: “Những rạn san hô trước kia không thể coi là đảo, ở đấy không đủ các điều kiện sinh hoạt, đặc biệt là thiếu nước ngọt. Sau năm 1988, khi Trung Quốc giành của người Việt Nam một số rạn san hô, họ bắt đầu dùng tàu cuốc và máy móc biến rạn san hô thành những hòn đảo với diện tích đáng kể.”
Công trình tiếp tục được xúc tiến sau khi dưới áp lực của Việt Nam và ASEAN, Trung Quốc buộc phải rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa vào hồi mùa hè năm ngoái. Xoay sự chú ý vào quần đảo Trường Sa, người Trung Quốc cho xây dựng đường băng trên hai đảo do họ bồi đắp và trên các đảo còn lại sẽ thi công cầu cảng, kho chứa. Thực tế, một căn cứ của Trung Quốc được tạo ra trên những hòn đảo nhân tạo.
Hoạt động này gây nên những phản ứng thích đáng từ phía Việt Nam và Philippines, — ông Grigory Lokshin nhận xét.
Nhà khoa học chính trị Nga Grigory Lokshin khẳng định, hanh động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông là bất hợp pháp, vi phạm công ước Liên Hợp quốc
“Các hoạt động của Trung Quốc là bất hợp pháp, — chuyên gia phân tích nói. — Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển xác định rõ những gì có thể hay không thể coi là một hòn đảo. Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 cũng có điều khoản nêu lên rằng, không quốc gia nào được phép thực hiện bất kỳ hành động vi phạm qui chế nguyên trạng."
Các nước ASEAN và Trung Quốc đều ký dưới Tuyên bố này. Như có thể thấy, người Trung Quốc đã hành động với nguyên tắc "không được phép nhưng nếu rất muốn thì vẫn cố."
Hôm 8/3, trước sức ép và sự phản đối quyết liệt của cộng đồng quốc tế trước hoạt động xây đảo nhân tạo trắng trợn, quy mô lớn của Trung Quốc trên Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tìm cách ngụy biện rằng Bắc Kinh “có quyền xây đắp” trên những hòn đảo và bãi đá ngầm thuộc khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Ông Vương trắng trợn tuyên bố rằng việc xây đảo này là “cần thiết và không phải là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang thay đổi chính sách trong khu vực”.
Trong nhiều tháng qua, nhiều quốc gia láng giềng và dư luận quốc tế đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hoạt động bồi đắp, biến các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Hoạt động xây đảo quy mô lớn của Trung Quốc đã khiến dư luận thế giới lo ngại
Cách đây vài tuần, tạp chí IHS Jane’s và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã công bố những hình ảnh, phân tích cho thấy quy mô của những dự án xây đảo này, trong đó có những bãi đá ngầm đã được Trung Quốc đào đắp thành đường băng đủ cho máy bay quân sự cất hạ cánh.
Mỹ đã công khai lên tiếng bày tỏ sự quan ngại trước các động thái mở rộng đầy hung hăng này của Trung Quốc trên Biển Đông, trong khi Philippines tố cáo các dự án xây đảo của Trung Quốc đã làm hủy hoại nghiêm trọng môi trường biển, làm ảnh hưởng đến kế mưu sinh của hàng triệu ngư dân.
Hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng phản đối việc Trung Quốc xây dựng mở rộng trái phép công trình trên các bãi đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực quần đảo Trường Sa.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định hành động này của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiệm trọng chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động sai trái trên.
Yên Yên (Sputnik News)