Theo Thanh Niên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh Danh Cụa (46 tuổi) và vợ là chị Mỹ Dung (37 tuổi), cùng quê Kiên Giang đều đã trải qua cảnh thất nghiệp dài ngày. Anh Cụa vốn là thợ hồ thất nghiệp vì không có công trình, trong khi vợ anh cũng mất việc do công ty giải thể. Cuộc sống của hai vợ chồng tại Sài Gòn còn khó khăn hơn gấp bội với 5 đứa con nheo nhóc.
Tìm đủ mọi cách để bám trụ lại mảnh đất này, vợ chồng anh chị quyết định đi nhặt ve chai để có đồng ra đồng vào. Để đến khi cả thành phố tắt đèn thì một ngày làm việc của vợ chồng anh chị chính thức bắt đầu.
Trên chiếc xe Dream cũ kĩ, hai vợ chồng anh cùng cậu con trai 4 tuổi rảo qua từng bịch ni lông vứt ở ven đường. Thỉnh thoảng, bố mẹ dừng xe bới rác, nhặt ve chai còn em đứng nép vào một góc gần chiếc xe.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cả nguồn sống của gia đình 7 người chỉ chông chờ vào đồng lương 4,5 triệu đồng từ con gái lớn 19 tuổi đang đi làm điện tử. Vợ chồng anh chị phải đi nhặt rác để có thêm tiền trang trải cuộc sống.
Theo anh chị, một tuần đi nhặt ve chai như vậy cũng chỉ bán được khoảng 200 - 300 ngàn đồng. Có tuần bán được 400 ngàn đồng là mừng lắm rồi vì đủ tiền rau cỏ nấu cơm qua bữa.
Cuộc sống khó khăn, năm 2014, vợ chồng anh Cụa lên Sài Gòn lập nghiệp. Nghề thợ hồ giúp anh thu nhập hàng tháng hơn chục triệu đồng, còn chị Dung làm công nhân với mức lương khoảng 5 - 6 triệu đồng. Đang thu nhập tốt, dịch Covid-19 ập tới khiến những người lao động như anh chị mất việc.
Anh Cụa cho biết do cơ địa nên chị Dung không chịu đặt vòng, cứ có bầu là sinh con chứ không phá. Cô con gái đầu nghỉ học từ năm lớp 6, đến năm 15 tuổi thì xin đi làm để phụ cha mẹ. Con thứ hai bị co giật từ ngày nhỏ nên lúc nhớ lúc quên. Cậu thứ 3 thì được gửi bà ngoại ở quê cho đi ăn học và cũng là đứa duy nhất được đi học.
Cuộc sống chật vật, anh Cụa cũng cũng không đọc chữ được nên không đi làm xe ôm công nghệ, chạy xe ôm truyền thống thì không biết đường nên phụ vợ đi nhặt ve chai. Khi được hỏi tại sao không về quê, anh chị cười buồn vì cha mẹ ở quê cũng vẫn còn phải đi thuê nhà, về thì mình ở đâu...
Những ý kiến trái chiều của dân mạng
Sau khi câu chuyện này được đăng tải, nó đã xuất hiện những tranh cãi trong một hội nhóm. Một luồng ý kiến cho rằng tại sao anh chị đã tự ý thức được hoàn cảnh gia đình thì nên tìm đến các biện pháp tránh thai khác, ví dụ như không đặt vòng thì sử dụng bao cao su hoặc thắt ống dẫn tinh.
Facebooker Loan Thanh đặt ra câu hỏi "Vì sao nhiều người đã khổ rồi mà lại sinh nhiều con như vậy? Sinh ra liệu có nuôi được đâu?". Kèm theo đó, rất nhiều người đã hỏi xin thông tin của hai vợ chồng để ủng hộ, giúp vượt qua khó khăn.
Một luồng ý kiến khác cho rằng do dân trí, lại ở quê nên họ không được tiếp cận với những thông tin tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, dẫn đến việc đẻ con "sòn sòn" như vậy. Có người cho rằng dù gia đình họ có nghèo về vật chất nhưng ít ra anh chị vẫn có niềm hạnh phúc từ con cái, vả lại làm ăn lương thiện, không làm hại tới ai.
Hiện câu chuyện về hai vợ chồng vẫn đang thu hút rất nhiều bình luận từ Cộng đồng mạng.
Cũng giống như vợ chồng anh Cụa, mới đây dân mạng cũng chia sẻ về một trường hợp mất việc vì ảnh hưởng của đại dịch. Dù vậy thay vì chọn cách bám trụ tại Sài Gòn, anh chàng này lại quyết định tự đạp xe về quê Cà Mau, cách khoảng 400 km.
>>> Xem thêm: Xúc động chàng trai đạp xe từ Sài Gòn về Cà Mau vì thất nghiệp, ai cho tiền cũng nhất quyết không lấy
Hành trình đạp xe của anh khiến dân mạng cảm động với nụ cười hiền của sự lạc quan luôn giữ trên môi. Những người như vợ chồng anh Cụa hay chàng trai trên dù có mất việc nhưng vẫn giữ được sự lạc quan và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn khi đại dịch qua đi.