Tin mới

Bóc trần sự dối trá của Mỹ trong thảm họa máy bay hơn 30 năm trước

Thứ hai, 28/12/2015, 10:39 (GMT+7)

Bộ Ngoại giao Nhật Bản vừa giải mật một tài liệu quan trọng chứng minh rằng việc Liên Xô bắn hạ chiếc máy bay Boeing-747 của Hàn Quốc năm 1983 khiến 269 người thiệt mạng là một tai nạn, không phải hành động "man rợ" có chủ ý mà Washington tuyên bố trước cộng đồng quốc tế suốt nhiều thập kỷ qua.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản vừa giải mật một tài liệu quan trọng chứng minh rằng việc Liên Xô bắn hạ chiếc máy bay Boeing-747 của Hàn Quốc năm 1983 khiến 269 người thiệt mạng là một tai nạn, không phải hành động "man rợ" có chủ ý mà Washington tuyên bố trước cộng đồng quốc tế suốt nhiều thập kỷ qua.

Sputnik đưa tin, ngày 1/9/1983, Liên Xô đã bắn hạ chuyến bay mang số hiệu 007 của Korean Air Lines trên đảo Sakhalin khi nó đang trên đường từ New York đến Seoul qua đường bay Anchorage, Alaska. Thảm họa đã cướp đi toàn bộ sinh mạng của 269 hành khách và phi hành đoàn.

"Không hề có sai lầm nào trong thảm họa này, cuộc tấn công không chỉ chống lại chúng ta hay Hàn Quốc. Liên Xô đang chống lại cả thế giới và những quy tắc đạo đức dẫn dắt các mối quan hệ nhân loại giữa con người ở khắp mọi nơi. Đó là một hành động man rợ của một xã hội trái đạo đức, không quan tâm đến quyền lợi cá nhân, các giá trị cuộc sống nhân loại và mà chỉ luôn tìm cách mở rộng liên tục và chiếm lĩnh các quốc gia khác", Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tuyên bố trong một bài phát biểu trên truyền hình sau vụ tai nạn.

Vậy, đây có thực sự là hành động thù địch của một "đế chế tội ác" như cách mà ông Reagon từng gọi Liên Xô?

Một chiếc Boeing 747 của hãng Korean Air Lines (Hàn Quốc), tương tự chiếc bị Liên Xô bắn rơi năm 1983. Ảnh: Wikipedia

Các tài liệu ngoại giao được tiết lộ gần đây và đã được Ngoại trưởng Nhật Bản xác nhận cho thấy rằng việc chiếc Boeing bị bắn hạ hoàn toàn là một nhầm lẫn và Washington biết rất rõ điều này.

Hai tháng sau thảm họa, các nhà ngoại giao Tokyo đã được các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Reagan thông báo rằng Liên Xô đã nhầm lẫn chuyến bay 007 của Korean Air Lines với một máy bay do thám của Mỹ là RC-135 và việc bắn hạ máy bay chở khách khá tình cờ. Bởi tại thời điểm đó, chiếc máy bay chở khách của Hàn Quốc và máy bay do thám của Mỹ xuất hiện cùng nhau. Có lúc, điểm đánh dấu hai máy bay trên radar quân sự Liên Xô đã nằm chồng lên nhau. Kế đến, một trong 2 điểm tiến vào không phận nước này.

Mỹ đã lên kế hoạch tìm ra các hộp đen của máy bay chở khách nhưng thất bại bởi Liên Xô đã tìm thấy các hộp đen trước. Tất cả các dữ liệu được Liên Xô giải mã sau thảm họa đã được Tổng thống khi đó là Boris Yeltsin bàn giao cho Hàn Quốc vào năm 1992.

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế đã tiến hành một cuộc điều tra về vụ tai nạn và kết luận rằng chiếc máy bay xấu số đã bay chệch hành trình ban đầu do sai lầm của phi công và sau đó xâm phạm vào không phận của Liên Xô.

Máy bay do thám RC-135 của Mỹ do hãng Boeing chế tạo. Ảnh: US Navy

Để làm phức tạp vấn đề hơn nữa, chiếc máy bay thậm chí còn không phản hồi cảnh báo và phớt lờ những nỗ lực hộ tống ra khỏi không phận Liên Xô của các chiến đấu cơ Sukhoi Su-15.

"Sau đó, tai nạn xảy ra với chuyến bay KE007. Phi công đã chuyển  sang chế độ lái tự động nhưng lại thất bại trong việc tái kết nối chế độ tự động lái cho hệ thống dẫn đường", nhà báo Australia Murray Sayle viết trong bài luận "KE007 A Conspiracy của Circumstance" của mình năm 1985.

Cũng cần lưu ý rằng, trong quá trình bay, chiếc máy bay chở khách đã đi vào vùng chiến lược quân sự hạn chế của Liên Xô - nơi đặt nhiều căn cứ quân sự và các công trình bí mật. "Hành vi lạ" của máy bay khiến Liên Xô quyết định rằng đó là máy bay do thám của Mỹ tới để thu thập thông tin nhạy cảm.

Bên cạnh đó, bầu trời khi xảy ra vụ việc rất tối và các sĩ quan Liên Xô nói rằng chiến đấu cơ Su-15 không thể xác định xác định chiếc máy bay chở khách bằng mắt thường.

"Trên la bàn, chuyến bay KE007 hướng thẳng đến căn cứ hải quân của Liên Xô ở Petropavlovsk trên bán đảo Kamchatka, nơi mà theo sử gia người Mỹ về Liên Xô, Alexander Dallin, là "căn cứ của những thứ trọng yếu như 90 tàu ngầm hạt nhân Liên Xô, bao gồm cả 29 tàu ngầm mang tên lửa".

Tổng thống Nga Boris Yeltsin (trái) trao hộp đen máy bay của hãng Korean Air (chuyến bay 007) bị máy bay Liên Xô bắn hạ năm 1983 cho Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae-Woo tại Dinh Tổng thống Hàn Quốc ở Seoul tháng 11/1992.

Sau một loạt hành động nhằm ngăn chặn "những kẻ xâm nhập" nhưng không hiệu quả, các phi công Liên Xô được lệnh bắn hạ chiếc máy bay bị nghi là do thám khi nó đang có dấu hiệu rời không phận Liên Xô vì đã thu thập được dữ liệu mật. Toàn bộ 269 người không có cơ hội sống sót.

Washington quyết định lợi dụng tai nạn thảm khốc này để lôi kéo cộng đồng quốc tế chống lại Liên Xô. Lầu Năm Góc dường như đã chặn thông tin liên lạc vô tuyến giữa các chiến đấu cơ Su-15 với các căn cứ quân sự của Liên Xô. Giới chức Washington thừa nhận rằng có một hoạt động tình báo đã được Mỹ thực hiện gần đảo Sakhalin của Liên Xô vào đêm xảy ra thảm họa, nhà báo Sayle khẳng định.

Vụ tai nạn này được xem như là "vết nhơ" của không quân Liên Xô và thường xuyên được Mỹ sử dụng như là bằng chứng về sự đe dọa nhân loại của các nước trong hệ thống Xô viết. Tuy nhiên, sự thật cuối cùng đã được đưa ra ánh sáng: chính phủ Mỹ biết rằng đó là một tai nạn, nhưng vẫn tiếp tục nói dối trong nhiều thập kỷ rằng Liên Xô cố ý bắn rơi chiếc máy bay chở khách của Hàn Quốc.

Lê Huyền (Sputnik)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news