Các hòn đảo nhân tạo và những công trình quân sự trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ là một "mục tiêu dễ công kích" của các lược lượng vũ trang Mỹ trong cuộc xung đột hải quân, các chuyên gia Mỹ và Trung Quốc đều chung nhận định.
Trong cuộc phỏng vấn trả lời trang Defense News có trụ sở tại Mỹ, Ian Easton, một chuyên gia quốc phòng Trung Quốc tại Viện Dự án 2049 ở Washington; Wallace Gregson, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng cho các vấn đề An ninh Chấu Á - Thái Bình Dương và Zhu Feng, một chuyên gia về Biển Đông tại ĐH Nam Kinh của Trung Quốc đều đồng ý rằng những nỗ lực mở rộng cải tạo đất nhanh chóng và quân sự hóa các đảo tranh chấp tại Biển Đông của Trung Quốc "sẽ không tồn tại lâu trong cuộc chiến với Mỹ".
Như vậy, tuyên bố của Mỹ cho rằng chương trình cải tạo đất của Trung Quốc là một nỗ lực quân sự nên được bỏ qua, bởi nó chẳng có gì hơn ngoài "thuyết âm mưu", ông Zhu nói. Vị chuyên gia này còn cho rằng Washington đơn giản là đang hoang tưởng và có những hành động cường điệu, không nên xem đó là sự "leo thang khiêu khích hay thách thức đối với quyền lực của họ".
"Nếu những hòn đảo được quân sự hóa là mục tiêu dễ công kích đối với quân đội Mỹ, vậy thì việc cải tạo đảo chẳng có nghĩa lý gì, chẳng có gì thay đổi", Zhu nói, đồng thời cảnh báo kế hoạch đưa tàu chiến tới khu vực của Mỹ chỉ "làm gia tăng căng thẳng không cần thiết".
Tuy nhiên, ông Easton thừa nhận rằng Quân giải phóng Nhân dân (PLA) coi việc quân sự hóa các đảo là "tạo ra một vành đai phòng thủ bên ngoài để mở rộng mang lưới chiến đấu tấn công chính xác của mình" và các cơ sở này sẽ "cho phép tấn công chính xác từ các máy bay hoạt động trên đảo, các tàu ngầm tái cung cấp cho nó và từ các vị trí có tên lửa hành trình từ đảo".
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc bồi đắp trái phép tại Đá Chữ Thập của Việt Nam |
Tương tự như vậy, ông Gregson cũng thừa nhận rằng các cơ sở quân sự sẽ cung cấp cho PLA "sự phủ sóng radar, phủ róng trên không và tín hiệu tình báo về Biển Đông".
Chính thức, Trung Quốc vẫn khăng khăng rằng các hoạt động của họ tại Biển Đông chủ yếu vì mục đích dân sự như hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, an toàn nghề cá, bảo tồn biển và nghiên cứu khoa học, theo ông Wang Dong, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung tại ĐH Bắc Kinh cho biết. "Tôi nghĩ Trung Quốc đang trung thực khi thừa nhận rằng các cơ sở này có giá trị phòng thủ quân sự nhưng chỉ dùng cho các mục đích dân sự", ông Wang nói.
Mỹ và Philippines rõ ràng là nghĩ khác và cáo buộc Trung Quốc tích cực củng cố các yêu sách chủ quyền của mình. Các quan chức Mỹ tuyên bố sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực để đảm bảo tự do hàng hải trong Nhật Bản cũng được cho là đang cho tàu giám sát chặt chẽ khu vực.
Hồi đầu tháng này, Bắc Kinh tuyên bố sẽ sớm ngừng các hoạt động khai hoang đất tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, lý do ngừng lại là vì dự án sẽ sớm được hoàn thành và Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định việc xây dựng sẽ tiếp tục được tiến hành theo kế hoạch để thực hiện "đầy đủ các chức năng khác nhau". Mỹ tuyên bố Trung Quốc đã cải tạo trái phép thêm 2.000 mẫu đất tại các đảo và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa.
Andrew Erickson, một chuyên gia về quốc phòng Trung Quốc tại trường Chiến tranh Hải quân Mỹ ở đảo Rhode nói với Defense News rằng những kỳ vọng của Trung Quốc hiện nay là thiết lập một vùng nhận dạng phòng không giống như họ đã làm tại Hoa Đông vào tháng 11/2013, như một phần của chiến lược Chống tiếp cận và chống thâm nhập khu vực ở Biển Đông.
Bảo Linh (Theo Wantchinatimes)