Những lợi ích tiềm năng của cơm nguội
Cơm nguội có hàm lượng kháng tinh bột cao hơn cơm mới nấu chín. Đây là một loại carbohydrate có chức năng tương tự như chất xơ hòa tan mà cơ thể bạn không thể tiêu hóa. Tuy nhiên, vi khuẩn trong ruột lại có thể lên men nó. Vì vậy, chất kháng tinh bột hoạt động như một prebiotic.
Loại kháng tinh bột này được tìm thấy nhiều trong các thực phẩm giàu tinh bột nấu chín để nguội. Trên thực tế, cơm nguội hâm nóng có kháng tinh bột cao nhất.
Quá trình lên men kháng tinh bột sẽ tạo ra các axit béo chuỗi ngắn (SCFAs). Các axit này tác động đến 2 hormone là peptide-1 và peptide YY giúp điều chỉnh sự thèm ăn của bạn. Đây còn được gọi là các hormone chống tiểu đường và chống béo phì do chúng cải thiện độ nhạy insulin và giảm mỡ bụng.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra người trưởng thành khỏe mạnh ăn nấu chín để nguội ở nhiệt độ 4C trong vòng 24 giờ sau đó hâm nóng lại có lượng đường trong máu giảm đáng kể. Ngoài ra, một nghiên cứu tiến hành trên chuột cho thấy ăn cơm nguội cải thiện mức cholesterol trong máu và sức khỏe đường ruột.
Tóm lại, ăn cơm nguội hoặc cơm nguội hâm nóng giúp tăng lượng kháng tinh bột trong cơ thể, cải thiện lượng đường trong máu và nồng độ cholesterol.
Rủi ro khi ăn cơm nguội
Bên cạnh những lợi ích trên thì ăn cơm nguội vẫn có những rủi ro.
Thứ nhất, bạn có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Bacillus cereus. Vi khuẩn này có thể gây đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa trong vòng 15-30 phút sau khi ăn phải.
Cơm nguội khi không được bảo quản đúng cách sẽ khiến bạn có nguy cơ bị nhiễm khuẩn Bacillus cereus. Theo chứng minh, vi khuẩn này phát triển nhanh ở mức nhiệt từ 4-60 độ C.
Do đó, nếu để cơm nguội ở nhiệt độ phòng, các bào tử sẽ nảy mầm, nhanh chóng sinh sôi và sản sinh ra chất độc gây bệnh. Mặc dù bất cứ ai ăn cơm nhiễm khuẩn đều có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm nhưng những người có hệ miễn dịch yếu hoặc bị tổn thương, chẳng hạn như trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai là có nguy cơ cao hơn.
Cách ăn cơm nguội an toàn
Dưới đây là cách xử lý và ăn cơm nguội được an toàn:
Để cơm nấu chín vào tủ lạnh. Làm lạnh cơm trong vòng một giờ bằng cách chia đều ra các hộp.
Để làm lạnh cơm thừa, hãy để trong hộp kín, tránh xếp chồng lên nhau để làm lạnh nhanh chóng.
Cơm thừa không nên để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ.
Để cơm trong tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 5 độ C để ngăn ngừa hình thành bào tử.
Cơm nguội có thể được giữ trong tủ lạnh từ 3-4 ngày.
Sau đó khi muốn ăn cơm nguội, bạn cần ăn ngay sau khi bỏ ra khỏi tủ lạnh chứ không để ở nhiệt độ phòng trong thời gian dài. Nếu bạn muốn hâm nóng lại thì cần đảm bảo hâm cơm ở nhiệt độ trên 74 độ C.
Nhìn chung, cơm nguội khi được làm lạnh và bảo quản đúng cách sẽ giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
>> Xem thêm: Cơm nguội chan nước mì tôm những món ăn tuổi thơ 'ngon nhức nách' của 8x, 9x
(Theo healthline)