Sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các tranh chấp hàng hải trên Biển Đông không phải kết quả của bùng nổ chủ nghĩa dân tộc hay bất cứ tính toán ngắn hạn nào. Trong thực tế, Trung Quốc đã liên tục theo đuổi một chiến lược dài hạn duy nhất với việc kiểm soát hiệu quả toàn bộ Biển Đông như là mục tiêu cuối cùng của mình.
Chiến lược này gồm 5 đặc điểm cốt lõi:
Thứ nhất và trước hết, Trung Quốc tìm cách thay đổi hiện trạng lãnh thổ dần dần, từng đảo từng đảo một. Điều này trái ngược với chiến lược mà một quốc gia cố nuốt chửng toàn bộ lãnh thổ tranh chấp chỉ trong một cuộc đột kích. Đầu tiên, Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, sau đó từ từ mở rộng sự hiện diện của mình về phía nam bằng cách tấn công các đảo của Việt Nam thuộc chuỗi đảo Trường Sa vào những năm 1980. Gần đây nhất, sau căng thẳng với Philippines, Trung Quốc đã kiểm soát hiệu quả bãi cạn Scarborough, theo cách đó thay đổi hiện trạng lãnh thổ để tiếp tục mang lại lợi ích cho họ. Trung Quốc theo đuổi quá trình này để giành được lợi thế gia tăng trong cuộc tranh chấp này, đồng thời tránh làm xáo trộn quá nhiều các tranh chấp khác, ngăn chặn phản ứng hiệu quả và thống nhất từ các nước khác.
Thứ hai, Trung Quốc dựa trên ngoại giao toàn diện, nghĩa là sử dụng khéo léo các công cụ quản lý nhà nước sẵn có, từ sự áp chế về quân sự và hăm dọa địa lý kinh tế cho tới lợi ích kinh tế và các cuộc đàm phán cấp cao. Không nơi nào rõ điều đó hơn cuộc khủng hoảng giàn khoan Haiyang Shiyou 981. Trung Quốc tạo khủng hoảng bằng cách đưa giàn khoan dầu khổng lồ tới vùng biển của Việt Nam. Sau đó, Bắc Kinh gây áp lực cho Việt Nam bằng việc triển khai các tàu chiến, tàu hải cảnh đi kèm. Sau nhiều lần khước từ yêu cầu xuống thang xung đột từ phía Việt Nam, Bắc Kinh đã cử Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì tới để giải quyết những khác biệt với Hà Nội.
Thứ ba, chiến lược của Trung Quốc dựa trên những hành động khiêu khích nhỏ có cường độ thấp nhưng liên tục và diễn ra đồng thời ở nhiều điểm áp lực nhằm kéo căng khả năng phản ứng của các bên trong khi vẫn hạn chế được nguy cơ leo thang ở mức kiểm soát được. Điều này ngăn các nước láng giềng nhỏ hơn của Trung Quốc phản ứng kiên quyết và thống nhất bởi họ nghĩ rằng chống lại Trung Quốc vì bất cứ khiêu khích nào cũng khiến quan hệ với Bắc Kinh phải trả giá. Cuộc khủng hoảng như việc triển khai giàn khoan dầu này là rất hiếm. Thay vào đó, Trung Quốc tập trung chủ yếu vào việc cải tạo đất và gia tăng quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo.
Thứ tư, Trung Quốc nhấn mạnh bản chất "song phương" của các tranh chấp để tránh sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài như Mỹ vào Nhật Bản đứng về phía các bên yếu hơn. Khi Trung Quốc mạnh hơn mỗi nước láng giềng, các cuộc đàm phán song phương sẽ mang lại cho Trung Quốc tác dụng đòn bẩy nhất. Hơn nữa, bàng việc giảm số bên liên quan đến tranh chấp, Trung Quốc sẽ giảm thiểu được những điều không chắc chắn trong kế hoạch của mình và có được sự tự tin để hành xử quyết đoán hơn.
Cuối cùng, chiến lược của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào việc sử dụng sự áp chế quân sự không gây chết người, điều này nhằm tạo ra và củng cố "vị thế sức mạnh", hơn là kích động một cuộc xung đột vũ trang toàn diện. Những hành động tương lai kiểu này sẽ bao gồm tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không hoặc triển khai các tên lửa đất đối không tới quần đảo Trường Sa.
Chiến lược này (cắt lát salami) liên quan tới sự tích tụ những thay đổi nhỏ từ từ, không cái nào được cho là hành động chiến tranh, nhưng theo thời gian nó sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể trong bức tranh chiến lược. Mục đích của nó không phải là mở ra sự đối đầu mà tạo ra những việc đã rồi - điều hạn chế sự phản ứng từ các bên thuộc ASEAN và cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ.
Các biện pháp hiện nay không ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông hiệu quả bởi chúng hầu hết diễn ra ở cấp độ vĩ mô và không nhắm trực tiếp vào sự thay đổi hiện trạng. Trong khi đó, các hành động của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp hầu hết diễn ra ở cấp vi mô và có ảnh hưởng trực tiếp trên mặt đất. "Chiếc ô hạt nhân" của Mỹ và các mạng đồng Minh Quân sự của họ có thể ngăn chặn một cuộc tấn công nhằm vào nước khác của Trung Quốc nhưng không thể ngăn được những hoạt động có cường độ thấp, không trực tiếp sử dụng quân đội.
Mỹ cần có một chiến lược phản ứng linh hoạt để ngăn Trung Quốc thống trị Biển Đông. Ảnh: National Interest |
Các biện pháp đối phó Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông
Để đối phó với "cắt lát salami" của Trung Quốc, cần phải có một chiến lược phản ứng linh hoạt. Chiến lược này phải khiến cho mọi hành động leo thang của Trung Quốc trả giá tương xứng và ngay lập tức. Một phản ứng như vậy có 4 đặc điểm chính: phải riêng biệt, có mục tiêu, tương xứng và ngay lập tức.
Phản ứng trả đũa của Trung Quốc nên riêng biệt, nghĩa là một hành động độc lập, duy nhất, có thể do một phía hay nhiều phía thực hiện theo ý muốn. Ví dụ rõ ràng nhất là việc gửi 2 máy bay ném bom B-52 đáp trả thông báo về một vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc ở Hoa Đông năm 2013.
Nên có mục tiêu thay vì bừa bãi. Điều này là quan trọng bởi nó giới hạn nguy cơ trả đũa quy mô lớn của Trung Quốc. Đồng thời, đảm bảo là những hành động của Mỹ chỉ nhằm vào những ai đang trực tiếp, tích cực tìm cách thay đổi hiện trạng Biển Đông. Ví dụ, thay vì áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế sâu rộng đối với Trung Quốc, Mỹ nên phản ứng với việc cải tạo đất bằng cách trừng phạt những công ty liên quan tới quá trình này, như công ty China Communications Construction Company Dredging chẳng hạn.
Phản ứng cũng nên tương xứng, trong đó cường độ cần phù hợp với hành động của Trung Quốc. Điều này hạn chế nguy cơ phản ứng leo thang trong khi khiến Trung Quốc sẽ phải trả giá xứng với hành động của mình.
Và cuối cùng, phản ứng của Mỹ nên được thực hiện ngay lập tức sau một hành động leo thang của Trung Quốc, để cho thấy đó là cái giá cho hành vi sai trái, cũng như để phủ nhận họ sẽ không thể gặt hái được bất cứ lợi ích tiềm năng nào từ hành động đó. Ví dụ, nếu Trung Quốc triển khai các tên lửa đất đối không tới quần đảo Trường Sa, Mỹ nên giúp Việt Nam và Philippines có được các vũ khí được thiết kế đặc biệt để chống lại tên lửa Trung Quốc.
Để ngăn Trung Quốc tiếp tục thay đổi hiện trạng Biển Đông và quân sự hóa tranh chấp, Mỹ phải có khả năng ngăn chặn hiệu quả. Và cuối cùng, giá trị lớn nhất của những phản ứng linh hoạt nằm trong khả năng gửi tín hiệu răn đe rõ ràng của Mỹ tới Trung Quốc. Chỉ cần những phản ứng của Mỹ dựa trên những hành động có mục đích chính không phải răn đe (như tập trận chung, thực hiện tự do hàng hải), thì nó không thể gửi thông điệp kiên quyết tới Trung Quốc bởi nó cho thấy Washington chưa sẵn sàng trả giá khi đối đầu trực tiếp với các hành động của Trung Quốc.
Một chiến lược phản ứng linh hoạt sẽ cho Trung Quốc thấy đó là cái giá của những hành động giải kiến tạo. Nó cũng sẽ chứng minh là Mỹ vừa sẵn sàng thách thức Trung Quốc, vừa có kế hoạch cụ thể để ngăn chặn họ. Và nó sẽ trấn an các đồng minh cũng như đối tác của Mỹ ở châu Á một cách mạnh mẽ là Washington sẽ nói đi đôi với làm.
Bảo Linh (National Interest)