Mạng lưới cảm biến của Mỹ đã nhiều lần phát hiện tàu ngầm Nga tiếp cận những dây cáp dưới đáy biển.
Mỹ lo sợ Nga sẽ phá hoại mạng lưới dây cáp dữ liệu ngầm dưới biển. Ảnh: CNN |
Khi một tàu quân sự của Nga có tên Yantar đột nhiên vượt Đại Tây Dương và bắt đầu di chuyển xuống Bờ biển phía Đông của Mỹ hồi tháng trước, sự việc đã dấy lên hồi chuông báo động trong giới tình báo hải quân Mỹ.
Vệ tinh do thám, máy bay và tàu ngầm của Mỹ đã theo dõi con tàu xuống tận bờ biển Cuba, theo 2 quan chức quốc phòng Mỹ.
Các quan chức này cho biết người Nga đã tiến hành hoạt động kiểu này trong nhiều năm. Trong khi người Nga khẳng định Yantar không phải tàu gián điệp, tình báo hải quân Mỹ tin rằng nó có khả năng đáng ngại và đáng chú ý: những phương tiện nhỏ dưới nước mà có khả năng cắt những đường cáp biển quan trọng mang theo một lượng lớn dữ liệu quân sự và thương mại, truyền âm thanh và dịch vụ Internet giữa Mỹ và châu Âu.
Các quan chức Mỹ nói với CNN rằng không có dấu hiệu cho thấy người Nga định cắt dây cáp nhưng họ đang phô diễn khả năng của mình với tình báo hải quân Mỹ bằng hành động.
Mỹ đã tiến hành theo dõi trong vài nhiều tháng qua khi các tàu ngầm của Nga tại vùng nước sâu tiến sát các cáp ngầm dưới biển. Một mạng lưới các cảm biến đã ngầm dưới đáy biển của Mỹ đã ghi nhận tàu ngầm Nga tiếp cận các dây cáp một vài lần. Các quan chức Mỹ cho biết người Nga sẽ nhận thức được hành động của họ sẽ khiến mạng lưới này phát hiện ra họ.
Hải quân Mỹ cho rằng tất cả các hoạt động tàu ngầm có tính bảo mật cao và hầu như không dễ để nói về chúng. Nhưng hồi đầu tháng này, chỉ huy hàng đầu của Hải quân Mỹ đã công khai đề cập đến sự gia tăng hoạt động của tàu ngầm Nga.
"Nhịp độ hoạt động và trình độ của lực lượng tàu ngầm Nga đang tăng lên", Đô đốc Mark Ferguson, chỉ huy Hải quân Mỹ tại châu Âu nói.
"Theo Đô đốc trưởng Chirkov của Hải quân Nga, "cường độ" tuần tra cua tàu ngầm Nga đã tăng gần 50% so với năm ngoái".
Ông Ferguson cho biết Nga đã tăng tỷ lệ hoạt động lên đến mức độ chưa từng thấy trong hơn một thập kỷ qua.
Ông cũng chỉ ra việc hải quân Nga mở rộng lực lượng tại Bắc Cực và chi hơn 2 tỷ USD để đầu tư cho Hạm đội Biển Đen. Họ nhấn mạnh những gì mà Hải quân Mỹ thấy chính là mục tiêu quân sự của Nga - mở rộng hoạt động hải quân và chứng tỏ khả năng kiểm soát các khu vực hàng hải khi xảy ra xung đột.
"Nga đang "khoe" những khả năng mới của mình, như tàu ngầm phòng thủ tên lưa đạn đạo và tàu ngầm tấn công năng lượng hạt nhân lén lút hơn. Họ cũng đang mở rộng phạm vi hoạt động của các tàu ngầm thông thường được vũ trang ên lửa hành trình tiên tiến", ông Ferguson nói.
Theo Hải quân Mỹ, vào tháng 9, tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên được trang bị tên lửa hành trình Kaliber của Nga đã đi từ Biển Bắc tới Biển Đen. Loại vũ khí này có tầm bắn tới tận Đông Âu.
Bảo Linh (theo CNN)