Thông tin được đăng tải trên tờ Lancet. Các nhà nghiên cứu đến từ ĐH London cho biết cần có nỗ lực toàn cầu để giám sát khả năng bùng phát virus ở các quần thể động vật khác nhau trên khắp thế giới. Họ tuyên bố nếu virus trở nên phổ biến ở một quần thể động vật sống gần người, chẳng hạn như thú cưng hay gia súc, nó có thể dẫn đến một ổ dịch nữa ở khu vực đó. Các tác giả kêu gọi nghiên cứu thêm về việc động vật nào dễ mắc SARS-CoV-2, loại virus gây ra bệnh Covid-19 với hy vọng ngăn điều này xảy ra.
Đồng tác giả, Giáo sư Joanne Santini cho biết có bằng chứng về việc một số động vật có thể nhiễm virus từ người và có thể chuyền nó lại cho họ. "Chúng tôi không biết mức độ rủi ro này là bao nhiêu vì đó là lĩnh vực chưa được ưu tiên nghiên cứu", nhà sinh học viết trong bài bình luận dành cho tạp chí Lancet. "Chúng ta cần phát triển các chiến lược giám sát để đảm bảo không bị bất ngờ trước một đợt bùng phát lớn ở động vật. Điều này có thể gây ra mối đe dọa không chỉ với sức khỏe động vật mà còn cả sức khỏe con người".
Động vật có thể trở thành "ổ chứa" Covid-19 và kích hoạt đợt bùng phát thứ hai. Ảnh: Shutterstock
Các nghiên cứu cho thấy Covid-19 bắt đầu từ một quần thể dơi ở Trung Quốc, nhảy sang một loài vật thứ hai trước khi truyền lại cho người vào năm ngoái. Với bằng chứng là những con vật này không chỉ lây bệnh từ người mà còn truyền lại cho người, sẽ cần phải nghiên cứu nhiều hơn để hiểu được quá trình này.
"Sự lây truyên virus trong quần thể động vật có thể không thay đổi nếu không được ngăn chặn và có lẽ sẽ đe dọa đến thành công của những biện pháp y tế công cộng nếu mọi người tiếp tục nhiễm virus từ một quần thể động vật bị nhiễm bệnh", bà nói.
Các tác giả nói rằng quy mô lớn của đại dịch làm tăng khả năng động vật trở thành "ổ chứa" virus. Điều này có nhiều khả năng xảy ra hơn so với các dịch bệnh trong quá khứ, chẳng hạn như dịch SARS-CoV-1 đã được kiềm chế nhiều hơn vào năm 2002-2003 do quy mô lây nhiễm ở quần thể người.