Theo The Sun, cây tuyết tùng Lebanon ở nghĩa trang Rye, Đông Sussex (Anh quốc) đã bị Hội đồng quận Rother chặt hạ với lý do có "bộ rễ mục nát" khiến nhiều người dân phẫn nộ. Người dân nước Anh gọi hành động này là một “thảm họa lớn” đồng thời cho rằng, hội đồng quận nên thông báo cho người dân biết về kế hoạch đốn hạ cây tuyết tùng Lebanon có 800 năm tuổi.
Thông tin trên tờ The Argus cho biết, cây đã bị chặt vào cuối tháng 8 vừa qua.
Theo dự định ban đầu, hội đồng quận có kế hoạch biến gốc cây bị chặt thành một đài tưởng niệm hoặc làm thành một băng ghế dài nhưng cuối cùng thân cây tuyết tùng bị cưa thành nhiều mảnh "nhỏ hơn sự thỏa thuận ban đầu". Điều này càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn và khiến người dân địa phương bức xúc.
Tony Edwards - người dân địa phương bức xúc cho biết: “Vấn đề là họ không nghĩ rằng việc thông báo cho người dân chúng tôi biết trước sự việc, họ không hiểu đây là việc quan trọng tới mức nào".
"Đó không phải là một tòa nhà có thể thay thế được, đó là một cái cây phải mất hàng trăm năm để phát triển và không gì có thể thể thay thế được chúng. Giờ thì việc phản đối đã không còn quan trọng bởi chúng không thể nào thay đổi được việc đã rồi", Edwards nói thêm.
Noj Refarc - một cư dân khác nói: “Tôi nghĩ đó là một thảm họa lớn đối với bất kỳ ai ở địa phương khi chứng kiến cây tuyết tùng đã chết”.
Ann-Marie Sadler bức xúc: "Tôi không thể chịu nổi ý nghĩ phải đi ngang qua gốc cây đó - nơi từng có cây tuyết tùng tươi xanh. Những điều này có tác động rất lớn đến cộng đồng của chúng tôi theo những cách rất riêng tư".
Sally Bayly cho biết: “Đây thực sự là một chuỗi sự việc đáng xấu hổ, cho thấy sự thiếu quan tâm, hiểu biết và đồng cảm hoàn toàn đối với cảm xúc của người dân địa phương”.
Ngay sau đó, một báo cáo đã được gửi lên cho thấy mức độ rễ và thân cây bị mục nát. Trong báo cáo cho thấy, thân cây tuyết tùng "có thể bị gãy cành ở mức tối thiểu" hoặc gãy đổ hoàn toàn.
Hội đồng quận cho biết, họ có thể cải thiện tình hình của cây tuyết tùng nhưng điều này phải được cân nhắc vì khả năng sẽ gây ra ảnh hưởng cho nghĩa trang.
Trong khi đó, Ủy viên hội đồng lao động của quận Rye và Winchelsea - Simon McGurk cho hay, tổ chức đã có dự định sẽ kiến tạo thân cây tuyết tùng thành một băng ghế gỗ dài nhưng chúng đã bị các nhà thầu cắt thành từng mảnh quá nhỏ.
“Chúng tôi không thể làm gì hơn nữa. Giờ chỉ còn lại một gốc cây trơ trọi mà thôi", Simon McGurk nói thêm.
Một phát ngôn viên của hội đồng cho biết: “Cây tuyết tùng ở nghĩa trang Rye được các chuyên gia khảo sát và phát hiện có rễ mục nát. Đáng buồn thay, để đảm bảo an toàn cho người dân, chúng tôi buộc phải chặt hạ chúng. Một ủy viên hội đồng quận địa phương đã trực tiếp yêu cầu nhà thầu thực hiện giữ lại một phần gỗ cho một dự án cộng đồng".
Trước đó, người dân nước Anh cũng dấy lên sự bức xúc khi một cây thủy tùng có 1000 năm tuổi bị đốn hạ ở East Sussex. Cây thủy tùng cao hơn 12m bị đốn hạ vào cuối tháng trên một cánh đồng gần Uckham Lane, Battle, East Sussex.
Địa điểm này chỉ cách Đồi Senlac - địa điểm diễn ra Trận chiến Hastings năm 1066 chỉ một dặm. Một nông dân 51 tuổi ở địa phương cho biết, ông đã rắc tro của ông nội mình dưới gốc cây.
Tháng 9 vừa qua, cây sung dâu Sycamore Gap 300 tuổi bị chặt hạ chỉ trong một đêm gây phẫn nộ. Nhà chức trách cho rằng đây là "hành động phá hoại có chủ ý".
Cây sung dâu là một trong những cây được chụp ảnh nhiều nhất ở Vương quốc Anh. Loại cây này còn xuất hiện trong một cảnh phim Robin Hood: Prince Of Thieves năm 1991 của Kevin Costner. Việc chặt hạ cũng gây thiệt hại cho Bức tường Hadrian, một trong những di sản thế giới được UNESCO công nhận nổi tiếng nhất của Anh.