Sinh ra tại Việt Nam và là nhiếp ảnh gia của AP hơn 50 năm cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2017, ông Nick Út coi lễ trao huân chương này là khoảnh khắc mang tính cá nhân cao, không mang tính chính trị, và là cột mốc cho sự nghiệp lâu dài, vững chắc của mình. Trong khi nổi tiếng với bức ảnh "Em bé Napalm" đoạt giải Pulitzer, ông Út còn là chủ nhân của hàng loạt bức ảnh về cháy rừng, bạo động, những người nổi tiếng Hollywood (bức ảnh Paris Hilton đang khóc cũng trở thành biểu tượng), các Thế vận hội và Giáo hoàng.
Nick Út trao tặng bức ảnh "Em bé Napalm" có chữ ký của mình và Phan Thị Kim Phúc cho Tổng thống Trump. Ảnh: Newsweek
Khi biết tin Tổng thống Donald Trump muốn trao tặng ông Huân chương Nghệ thuật Quốc gia tại Nhà Trắng, Nick Út đã rất phấn khích. Giải thưởng lẽ ra được trao vào tháng 3/2020 nhưng vì đại dịch Covid-19 nên đã bị hoãn lại. Sau đó, sự kiện được ấn định vào ngày 13/1 năm nay.
Nick Út và người bạn nhiếp ảnh gia của ông, Mark Edward Harris đến Washington DC vào ngày 11/1, đi dạo quanh điện Capitol và chụp một số bức ảnh. Ông Út đã chụp một số ảnh Vệ binh Quốc gia và những bông hoa để vinh danh người sĩ quan cảnh sát tử nạn sau vụ bạo động tại điện Capitol. Đó là bức hình đẹp.
Nhiếp ảnh gia Nick Út. Ảnh: Newsweek
Nick Út đã đưa tin về nhiều cuộc bạo loạn và biểu tình nhưng ông luôn biết cách để bảo vệ bản thân an toàn. Chia sẻ về cuộc bạo loạn tại điện Capitol, ông nói: "Tôi rất buồn khi xem các cuộc bạo động ở điện Capitol trên tivi vào ngày 6/1, mặc dù tôi ước mình có mặt ở đó để chụp ảnh. Các cuộc biểu tình nên diễ ra trong hòa bình và lần này quá bạo lực".
Nhiếp ảnh gia AP cho biết ông không xem những cuộc mít tinh của Tổng thống Trump trước khi xảy ra bạo loạn. Nick Út tin nhiều người sẽ bất bình khi ông nhận huân chương này, "nhưng đó là cuộc sống cá nhân của tôi. Bây giờ tôi là một ông già, vì vậy tôi rất vui khi tổng thống trao cho tôi một giải thưởng. Tôi muốn có mặt ở đây. Với tôi, nó còn hơn cả việc nhận một giải thưởng từ tổng thống".
Chia sẻ về kỷ niệm với ông Trump, Nick Út cho biết mình gặp Trump tại Los Angeles trước khi ông lên làm tổng thống. "Ông ấy yêu bức ảnh của tôi về Việt Nam. "Nick, bức ảnh của anh đã thay đổi thế giới", ông ấy nói về bức ảnh "Em bé Napalm" của tôi".
Bức ảnh "Em bé Napalm" của Nick Út đã đạt giải Pulitzer. Ảnh: Nick Út
Bức ảnh "Em bé Napalm" được chụp khi Nick Út đang làm nhiệm vụ cho hãng AP tại Trảng Bàng, Việt Nam. Vào sáng sớm ngày 8/6/1972, khoảng 8h sáng, ông đến ngôi làng này để chụp ảnh. Ngay trước khi ông định quay trở lại Sài Gòn thì máy bay Mỹ thả bom napalm xuống đây. Chưa bao giờ Nick Út nhìn thấy bom napalm nổ gần như vậy.
Một lát sau, ông chứng kiến dân làng chạy lên đường quốc lộ. Trong số này có một bé gái vừa chạy vừa dang tay, trên người không mặc quần áo, đó là Nguyễn Thị Kim Phúc. Khi đến gần, Nick Út mới nhận ra cô bé bị bỏng nặng. Nick Út đưa cô bé đến bệnh viện địa phương cách đó gần 40 phút nhưng họ từ chối giúp đỡ vì có quá nhiều bị thương khác. Họ nói ông nên đưa cô bé lên Sài Gòn. Lúc này, Nick Út mới rút thẻ phóng viên của mình ra và dọa: "Nếu cô bé chết, bức ảnh này sẽ lên trang nhất của tất cả các báo khắp thế giới". Và cô bé được đưa đi điều trị ngay lập tức.
Khi Nick Út trở lại văn phòng AP ở Sài Gòn, các đồng nghiệp được xem bức ảnh, nhiều người thích thú, nhiều người chỉ thấy đó là bức ảnh bình thường. Sau đó, giám đốc AP tại Sài Gòn là Horst Faas đi ăn trở về, nhìn thấy bức ảnh và hỏi tại sao lại không gửi nó đến New York ngay. Bức ảnh "Em bé Napalm" sau đó đã đến New York và đi khắp thế giới.
(Theo Newsweek)