Washington có thể hàn gắn sự kình địch nguy hiểm nhất tại châu Á.
Ấn Độ và Trung Quốc đang trong chiều hướng đối đầu. Họ tự hào là 2 quốc gia có dân số đông nhất thế giới, 2 trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất toàn cầu và khát vọng dẫn đầu trong một kỷ nguyên châu Á mới. Số phận của 2 nước sẽ hòa quện vào nhau trong nhiều thập kỷ tới. Điều đáng lo là động thái của Trung Quốc hồi tuần trước: phản đối tư cách thành viên của Ấn Độ trong Nhóm các nước cung ứng hạt nhân (NSG) chỉ đơn thuần là dấu hiệu mới nhất trong căng thẳng giữa 2 "người khổng lồ" tại châu Á. Sự cạnh tranh nhiều hơn nữa, thậm chí là đối đầu có thể sẽ xảy ra.
Sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang lên không có gì mới hay đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, trường hợp cụ thể này cho thấy ý định của Trung Quốc là duy trì sức mạnh độc nhất tại châu Á, kéo dài từ Siberia tới biển Ả Rập. Điều này đã được chứng minh hồi tuần trước khi Trung Quốc dẫn đầu việc loại Ấn Độ ra khỏi NSG. Tư cách thành viên trong nhóm có uy tín này (nhóm kiểm soát việc buôn bán các vật liệu hạt nhân và các công nghệ liên quan) sẽ tạo điều kiện cho việc sản xuất điện hạt nhân của Ấn Độ. Trong khi vẫn còn những lo ngại về tình trạng quốc gia hạt nhân tại Ấn Độ thì lời mời chào của Thủ tướng Modi lại được Mỹ, Anh, Pháp và nhiều quốc gia khác ủng hộ. Những nước ủng hộ này không thể vượt qua được sự phản đối do phái đoàn Trung Quốc cầm đầu. Động thái này bị nhiều người Ấn Độ coi là thuần chính trị.
Vị thế của Trung Quốc tại NSG có thể được xem như chứng thực cho sự thất bại của Ấn Độ để phê chuẩn Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân nhưng Bắc Kinh lại thường cản trở những nỗ lực của Delhi để đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Việc thúc đẩy với mong muốn có được một ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ của Ấn Độ và sự phản đối của Trung Quốc đã làm nổi bật thực tế này. Trong số 5 thành viên thường trực hiện nay, chỉ có Trung Quốc chưa có dấu hiệu hỗ trợ cho Ấn Độ gia nhập nhóm độc quyền này.
Mikoyan MiG-29K của Hải quân Ấn Độ. Ảnh: Indian Navy |
Trung Quốc và Ấn Độ từ lâu đã duy trì quan hệ tích cực với nhau. Đỉnh cao của dãy Himalaya và tuyến đường biển dài giữa 2 nước đã là vật đệm cho cuộc cạnh tranh khốc liệt nhất. Mối quan tâm trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh chủ yếu nằm ở phía đông và đông nam đất nước. Trong khi đó, bản thân Ấn Độ thỏa mãn với việc đối phó với những nước láng giềng ngay trước mắt và bám chặt Chính sách Không liên kết từ thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên từ sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1962, quan hệ 2 nước tương đối lạc quan.
Một Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ và mạo hiểm, một Ấn Độ cởi mở hơn giờ đây đang đụng độ với nhau trên nhiều mặt trận. Những vấn đề biên giới vẫn kéo dài, các báo cáo đưa tin quân đội Trung Quốc vượt qua Đường kiểm soát thực tế (Line of Actual Control) xuất hiện thường xuyên trên truyền thông Ấn Độ và phương Tây. Trong khi xung đột không thể xảy ra, Trung Quốc đang hiện đại hóa và củng cố lực lượng đồn trú tại Tây Tạng và sự bất đồng trở thành nền tảng cho những lo lắng khác.
Sự hỗ trợ vững chắc của Trung Quốc dành cho đối thủ số một của Ấn Độ - Pakistan - đang khiến các nhà lãnh đạo Delhi đau đầu. Trung Quốc là nhà cung cấp trang thiết bị và chuyên môn quân sự chính cho nước láng giềng phía tây bắc của Ấn Độ. Hơn nữa, việc hợp tác với Islamabad được nhấn mạnh trong sáng kiến "Một con đường, một vành đai" của ông Tập Cận Bình. Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (sẽ kết nối phía tây nam Trung Quốc với thành phố cảng Gwadar của Pakistan) được dự kiến sẽ đổ hàng chục đô la vào nền kinh tế Pakistan và tăng sản lượng kinh tế của nước này lên 2,5%. Quan hệ Pakistan với Trung Quốc là nguyên nhân lớn nhất khiến Ấn Độ bực mình vì ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực Nam Á. Các dự án đầu tư tại Sri Lanka, Nepal và các nơi khác đều đã khiến Ấn Độ phải thận trọng.
Về phía Trung Quốc, các nhà lãnh đạo nước này đã theo dõi chặt chẽ khi Thủ tướng Narendra Modi đấu tranh với tính trì trệ trong chính trị để tạo ra một Ấn Độ cởi mở hơn. Mối quan tâm đặc biệt đối với Trung Quốc là việc phát triển tình bạn, thậm chí là quan hệ đối tác với các cường quốc phương Tây và những người bạn châu Á. Cuộc tập trận hải quân Malabar giữa tháng 6 giữa Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đã chứng minh cho phương pháp mới này. Hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và người đồng cấp Ấn Độ đã công bố việc hoàn thành Bản ghi nhớ Thỏa thuận Trao đổi Hậu cần. Thỏa thuận này sẽ cho phép hỗ trợ hậu cần lẫn nhau và đại diện cho việc thoát khỏi chính sách không liên kết của Ấn Độ. Những nỗ lực này, kết hợp với những cam kết của Ấn Độ với các nước ASEAN và Australia tiếp tục làm trầm trọng thêm cảm giá bị bao vây của Bắc Kinh và có thể làm gia tăng căng thẳng Trung - Ấn.
Vậy thì, cho đến nay, những thứ chủ yếu là cuộc chạy đua về ngoại giao có thể sớm trở thành cuộc cạnh tranh nguy hiểm và sôi động hơn tại Ấn Độ Dương. Hải quân PLA tự hào về những hệ thống ngày càng có khả năng và những nhiệm vụ đầy tham vọng. Các quan chức Ấn Độ phát hiện ra những tàu ngầm Trung Quố gần quần đảo Nicobar và Andaman của Ấn Độ và tiến sâu vào Ấn Độ Dương cứ 4 lần/quý. Điều này có khả năng sx tăng lên cộng thêm với các cuộc tuần tra trên bề mặt khi Trung Quốc tìm cách xây dựng "Con đường Tơ lụa trên biển" (cho phép Bắc Kinh gây ảnh hưởng và bảo vệ chuỗi cung ứng chạy dọc từ châu Phi tới Trung Đông xuyên qua Ấn Độ Dương, đi vào Biển Đông và tới các cảng phía đông nước này. Đáp lại, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã tăng cường đầu tư vào nhận thức hàng hải và khả năng chống tàu ngầm, dựa nhiều vào hỗ trợ và chuyên môn từ Mỹ. Trong những năm tới, các chuyến bay giám sát của Ấn Độ có thể bị chiến đấu cơ trên tàu sân bay Trung Quốc chặn lại, giống như những gì Mỹ đã trải qua.
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không cần là một trò chơi có tổng bằng không. Mỹ, Ấn Độ và các nước dân chủ trên thế giới tin rằng tất cả các nước có thể phát triển cùng nhau, kể cả trong hợp tác lẫn cạnh tranh. Tại một hội nghị thường niên của Trung tâm An ninh Tân Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói: "Mạng lưới an ninh châu Á - Thái Bình Dương không nhằm vào bất cứ quốc gia cụ thể nào. Mạng lưới này không khép kín và chẳng loại trừ ai". Ông cũng nhấn mạnh sự tham gia của Trung Quốc trong cuộc tập trận RIMPAC 2016, dự kiến sẽ bắt đầu hôm nay, 21/7 tại Hawaii.
Mỹ nên tiếp tục mở rộng những lời mời như vậy và tiến hành trao đổi quân sự, đối thoại với các nước tại khu vực. Tuy nhiên, họ phải nhận ra là Trung Quốc cuối cùng có thể không hứng thú với tự do, trật tự dựa trên luật lệ và những căng thẳng vốn có cùng với suy nghĩ như vậy sẽ không giới hạn tại Biển Đông và Hoa Đông.
Bảo Linh (National Interest)