Trong bài viết "Chiến lược ngoại giao của Mỹ tại Biển Đông dường như chìm nghỉm", hãng Reuters đưa ra nhận định Mỹ muốn tập hợp một liên minh để chống lại Trung Quốc nhưng chiến lược này có vẻ đã thất bại.
Hướng câu chuyện về phán quyết của tòa quốc tế đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông trong tháng này, các quan chức Mỹ đã bàn tới việc tập hợp một liên minh để khiến Bắc Kinh phải trả giá "khủng khiếp" nếu coi thường quyết định của tòa án.
Nhưng chỉ 2 tuần sau phán quyết ngày 12/7 của Tòa trọng tài thường trực PCA tại The Hague, chiến lược của Mỹ dường như đang bị tan rã và phán quyết của tòa đang có nguy cơ trở thành không thích hợp.
Các tàu nạo vét Trung Quốc hoạt động trái phép tại Đá Vành Khăn. Ảnh: Reuters |
Đầu năm nay, các quan chức Mỹ đã nhiều lần nói về việc các nước châu Á - Thái Bình Dương cũng như các khu vực khác, kể cả Liên minh châu Âu EU, cần phải làm rõ rằng quyết định của tòa phải được ràng buộc.
Hồi tháng 2, phó trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ tại khu vực Nam và Đông Nam Á khi đó, Amy Searight nói rằng: "Chúng ta cần sẵn sàng lên tiếng mạnh mẽ, đồng lòng với nhau để nói rằng đây là luật pháp quốc tế, điều này vô cùng quan trọng, nó ràng buộc tất cả các bên".
Sau đó, vào tháng 4, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nói rằng Trung Quốc đã mạo hiểm danh tiếng của mình một cách khủng khiếp nếu phớt lờ phát quyết của The Hague.
Luật sư hàng đầu đến từ Philippines - nước đệ đơn kiện chống lại Trung Quốc - thậm chí còn nói rằng Bắc Kinh đang có nguy cơ phải chịu tình trạng "ngoài vòng pháp luật".
Mỹ đã ủng hộ vụ kiện của Manila với lý do yêu sách của Trung Quốc đối với 85% Biển Đông - một trong những tuyến đường thương mại trù phú nhất thế giới - là mối đe dọa đối với tự do hàng hải và luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, sau khi tòa án quốc tế bác bỏ lập trường của Trung Quốc, Mỹ đã kêu gọi một mặt trận thống nhất nhưng điều này dường như đạt được ít tiến triển. Chỉ có 6 nước cùng với Washington nhấn mạnh rằng phán quyết của tòa nên được ràng buộc.
Trung Quốc đã giành được một thắng lợi ngoại giao lớn hồi đầu tuần này khi ASEAN đã không nhắc tới phán quyết của tòa trong tuyên bố chung lúc kết thúc hội nghị các bộ trưởng tại Lào. Campuchia, đối tác thân cận nhất của Bắc Kinh trong ASEAN đã phản đối đưa phán quyết của tòa vào tuyên bố chung.
Ngày 15/7, Liên minh châu Âu, vốn đang điên cuồng sau khi Anh bỏ phiếu rời khỏi nhóm, đã ban hành một tuyên bố lưu ý tới phán quyết này nhưng lại tránh nhắc trực tiếp tới Bắc Kinh hay bất cứ lời khẳng định nào rằng phán quyết là bắt buộc.
Phán quyết có nguy cơ trở thành không thích đáng
Ngày 27/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ sự hài lòng khi ASEAN đưa ra được tuyên bố bênh vực luật pháp và cho rằng cho dù không nhắc chút nào tới vụ kiện thì cũng không làm giảm đi tầm quan trọng của nó.
Ông cũng nói rằng "không thể" để phán quyết trở thành không thích đáng vì nó có tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Nhưng các nhà phân tích nói rằng những nguy cơ hiện nay chính xác là điều này, ít nhất là vì Washington không thúc giục được vấn đề một cách hiệu quả với bạn bè và đồng minh của họ.
"Tất cả chúng ta nên lo lắng rằng vụ việc này sẽ lắng xuống, chẳng có gì hơn một lời ghi chú bởi tác động của nó chỉ mạnh mẽ khi cộng đồng quôc tế làm được", ông Greg Poling, một chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược của Washington nói.
"Và cộng đồng quốc tế đã chọn cách không nói bất cứ điều gì. Sự đồng thuận có vẻ như là "chúng tôi không quan tâm. Chúng tôi không muốn gắn Trung Quốc với những tiêu chuẩn này"".
Dean Cheng, một chuyên gia về trung Quốc tại tổ chức Heritage Foundation cho rằng Washington dường như đang miễn cưỡng phải đưa ra giới hạn cứng rắn hơn với Bắc Kinh - một đối tác kinh tế quan trọng cũng như một đối thủ chiến lược - chỉ trong vài tháng trước khi Tổng thống Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ và một cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra vào tháng 11.
Ông Cheng nói: "Những gì chúng ta có hiện nay là Trung Quốc đang rất hung hăng ở Biển Đông, cả về thể chất, chính trị, bất hợp pháp, ngoại giao và Mỹ đang kiềm chế ở mọi mặt".
Một lý do cho sự thụ động tương đối của chính quyền Mỹ có lẽ là mong muốn ngăn leo thang tranh chấp sau phán quyết, trong đó có cả việc Trung Quốc khai hoang nhiều hơn hoặc tuyên bố lập một vùng nhận dạng phòng không mới.
Cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ đáp lại bằng những lời lẽ sắc bén. Nhưng các nhà phân tích và quan chức Mỹ lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sẽ hành động táo bạo hơn sao khi họ tổ chức thượng định G20 vào tháng 9 này.
Bảo Linh (Reuters)