Tin mới

Chính sách "Một Trung Quốc" là gì?

Thứ ba, 13/12/2016, 08:53 (GMT+7)

Sau phát biểu của Tổng thống đắc cử Mỹ Trump về việc xem xét lại chính sách "Một Trung Quốc", cả truyền thông và chính quyền Trung Quốc đều đã có động thái phản ứng lại. Vậy cụ thể chính sách này là gì, có từ bao giờ và đóng vai trò như thế nào?

Sau phát biểu của Tổng thống đắc cử Mỹ Trump về việc xem xét lại chính sách "Một Trung Quốc", cả truyền thông và chính quyền Trung Quốc đều đã có động thái phản ứng lại. Vậy cụ thể "Một Trung Quốc" là sự công nhận trên phương diện ngoại giao quan điểm của Trung Quốc rằng chỉ có duy nhất một quốc gia Trung Quốc, còn Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

Theo chính sách này, Mỹ có quan hệ chính thức với Trung Quốc thay vì có quan hệ với Đài Loan – vốn bị Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai và rồi sẽ có một ngày trở về.

Cũng theo chính sách này, Washington duy trì một mối quan hệ không chính thức nhưng gắn bó với Đài Loan, gồm cả việc tiếp tục bán vũ khí.

Chính sách này không những là nền tảng then chốt trong quan hệ Trung - Mỹ mà còn là nền tảng cho việc hoạch định đường lối chính sách ngoại giao của Washington đối với Bắc Kinh.

"Một Trung Quốc" là sự công nhận trên phương diện ngoại giao quan điểm chỉ có duy nhất một quốc gia Trung Quốc, còn Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Mặc dù chính quyền Đài Bắc tuyên bố Đài Loan là một quốc gia độc lập với tên gọi "Trung Hoa Dân quốc", bất kỳ nước nào muốn có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đều phải cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan. Điều này dẫn đến Đài Loan bị cô lập về mặt ngoại giao trong cộng đồng quốc tế.

Nguồn gốc của chính sách "Một Trung Quốc"

Chính sách này có từ 1949, vào lúc cuộc nội chiến ở Trung Quốc kết thúc. Khi đó, Quốc dân đảng thất bại, chạy về Đài Loan và lập chính phủ riêng, trong lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại đại lục. Cả hai đều tuyên bố mình đại diện cho toàn bộ Trung Quốc.

Kể từ đó, Trung Quốc đã đe dọa dùng vũ lực nếu Đài Loan tuyên bố độc lập một cách chính thức. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Bắc Kinh duy trì chính sách ngoại giao mềm dẻo hơn với Đài Loan.

Lúc đầu, chính phủ nhiều nước, kể cả Mỹ công nhận Đài Loan và xa lánh Trung Quốc. Tuy nhiên, làn gió ngoại giao đã đổi hướng khi Trung Quốc và Mỹ cùng có nhu cầu phát triển quan hệ với nhau trong đầu thập niên 1970. Nhiều nước đã cắt đứt quan hệ với Đài Bắc để lập quan hệ với Bắc Kinh.

Mỹ bắt đầu theo chính sách "Một Trung Quốc" từ khi nào?

Sau nhiều năm có quan hệ nồng ấm hơn, đến năm 1979, Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, cắt đứt quan hệ với Đài Loan và đóng cửa sứ quán tại Đài Bắc.

Tổng thống Jimmy Carter, trong ảnh chụp với lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình năm 1987, chính thức hóa quan hệ Mỹ - Trung. Ảnh: Getty Images

Nhưng cùng năm đó, Mỹ cũng thông qua Luật Quan hệ với Đài Loan (Taiwan Relations Act), theo đó đảm bảo giành sự ủng hộ cho hòn đảo này. Về cơ bản, điều luật này quy định Mỹ phải giúp Đài Loan tự vệ - đó là lý do vì sao Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.

Bên cạnh đó, Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện không chính thức ở Đài Bắc thông qua Viện Hoa Kỳ ở Đài Loan, một công ty tư nhân qua đó Hoa Kỳ thực hiện các hoạt động ngoại giao.

Kẻ thua người thắng là ai?

Bắc Kinh rõ ràng là bên hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách này, còn Đài Loan bị đẩy ra khỏi các kênh ngoại giao chính thức. Đa số các nước trên thế giới, thậm chí cả Liên Hợp Quốc, đều không công nhận Đài Loan là một nước độc lập.

Đài Loan phải thực hiện nhiều động thái nỗ lực chỉ để được tham dự vào các sự kiện và tổ chức quốc tế như các kỳ Thế vận hội và Tổ chức Thương mại Thế giới. Đài Loan thi đấu tại Thế vận hội được gọi là Trung Hoa Đài Bắc (Chinese Taipei) chứ không phải Trung Hoa Dân quốc.

BBC đánh giá, ngay cả khi bị cô lập, Đài Loan cũng không hoàn toàn là người thua cuộc.

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Đài Loan Donald Trump đã phá vỡ nghi lễ ngoại giao của Mỹ trong nhiều thập kỷ. Ảnh: EPA

Đài Loan duy trì quan hệ kinh tế và văn hóa năng động với các nước láng giềng, và dùng mối quan hệ nhạy cảm với Mỹ làm đòn bẩy để đạt được nhượng bộ. Chính quyền Đài Loan cũng tận dụng một nhóm nhỏ các nhà vận động hành lang có quyền lực ở Washington D.C.

Về phía Mỹ, dù hưởng lợi từ mối quan hệ chính thức với Trung Quốc, Washington vẫn lặng lẽ tiếp tục ủng hộ Đài Loan.

Chính sách Một Trung Quốc là một động thái cân bằng rất tế nhị mà Mỹ đã hoàn thiện trong những thập niên qua. Tuy nhiên, chính sách này sẽ tiếp tục được áp dụng ra sao dưới thời Tổng thống Donald Trump là điều không thể đoán trước.

Lê Huyền (BBC)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news