Tin mới

Chuyên gia Nga: Chương trình "siêu chiến binh" của Mỹ chỉ là ảo tưởng

Thứ năm, 25/05/2017, 10:10 (GMT+7)

Lính đặc nhiệm Mỹ đang "kiệt sức về tâm lý" sau hơn 15 năm chiến tranh liên tục, dẫn đến tỷ lệ lớn các vụ tự tử.

Lính đặc nhiệm Mỹ đang "kiệt sức về tâm lý" sau hơn 15 năm chiến tranh liên tục, dẫn đến tỷ lệ lớn các vụ tự tử.

Theo hãng tin Sputnik (Nga), đây là tuyên bố của chỉ huy trưởng Lực lượng đặc nhiệm của Bộ Quốc phòng - Tướng Raymond Thomas khi phát biểu tại Ủy ban quốc phòng Thượng viện Hoa Kỳ.

Vị tướng nhấn mạnh rằng, hơn 8.000 lính đặc nhiệm Mỹ đang phục vụ tại hơn 80 quốc gia trên toàn thế giới và đang đi đầu trong các cuộc chiến. Những hoạt động chiến sự liên miên đã gây ra nhiều áp lực tâm lý đối với họ.

Phát biểu tại Ủy ban quốc phòng Thượng viện, Tướng Thomas tuyên bố: "Chúng tôi không phải là thuốc chữa bách bệnh và không phải là giải pháp cuối cùng cho tất cả mọi vấn đề, và quý vị sẽ không nghe thấy điều đó từ chúng tôi".

Tướng Raymond Thomas từ chối đưa ra con số cụ thể lính đặc nhiệm đã tự sát. "Tôi không muốn nêu con số thống kê khủng khiếp, nhưng chúng tôi đang đau đớn" - vị tướng Mỹ nói.

Tuy nhiên, theo dữ liệu của các phương tiện truyền thông, đỉnh cao tự sát trong lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã xảy ra trong năm 2012 - 24 người. Trong năm 2014 (năm cuối cùng, sau đó Lầu Năm Góc không còn công bố dữ liệu về nội dung này), có 18 binh sĩ tự sát.

Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã ký hợp đồng với Hiệp hội tâm thần học của Mỹ để phát triển một số chương trình cho lính đặc nhiệm, giúp phát hiện, ngăn chặn những vụ tự tử.

Có cả một số chương trình khác, ví dụ như theo dữ liệu của các phương tiện truyền thông, ban chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Mỹ muốn tạo ra "siêu chiến binh" bằng cách huấn luyện hệ thống thần kinh với sự giúp đỡ của các thiết bị đặc biệt.

Theo chuyên gia quân sự Igor Korotchenko, Tổng Biên tập tạp chí Quốc phòng (Nga), chương trình như vậy chỉ là ảo tưởng.

"Ý muốn của Lầu Năm Góc biến binh sĩ thành cyborg (nhân vật trong tiểu thuyết viễn tưởng có tính cách nửa người nửa máy) với sự giúp đỡ của những chất kích thích chỉ là những ý tưởng 'viển vông'.

Đúng, có một số thuốc giúp tỉnh táo và chống buồn ngủ, con người có thể không ngủ trong 10 ngày liền. Nhưng, thuốc này có tác dụng ngắn hạn, sau đó lại phải mất nhiều thời gian để khôi phục lại sinh lực bình thường" - ông Igor Korotchenko nói trong trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik.

Lầu Năm Góc đã từ lâu nghiên cứu vấn đề này, ông Korotchenko nói tiếp:

"Ví dụ, họ đang phát triển Exo-Skeleton, bộ khung xương cơ khí, và "con la cơ khí" để thay thế cho những con ngựa trên các địa hình phức tạp.

Tất cả điều này chỉ là các dự án sáng tạo. Nhưng, không nên kỳ vọng vào một phép lạ trong tương lai gần giúp người lính đột nhiên tăng sức chịu đựng về thể chất, không ngủ trong nhiều tuần và tiến hành các hoạt động chiến đấu, bởi vì con người vẫn có những giới hạn thể chất nhất định không thể vượt qua" - chuyên gia quân sự cho biết.

Theo ông, chỉ có kỹ thuật quân sự hiện đại mới có thể làm gia tăng khả năng chiến đấu của người lính.

"Để tăng đáng kể khả năng chiến đấu phải dùng kỹ thuật quân sự hiện đại, thiết bị nhìn đêm, thông tin liên lạc vệ tinh, thông tin liên lạc chiến thuật trên chiến trường...

Để nâng cao tính hiệu quả, nên chế tạo những phương tiện giao thông và thông tin liên lạc mới, phương tiện quan sát chiến trường, đảm bảo khả năng sống sót của các binh sĩ nhờ vào những bộ áo giáp" - chuyên gia Igor Korotchenko nhận xét.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news