Tin mới

Công kích "bủa vây" Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á

Thứ hai, 23/11/2015, 15:58 (GMT+7)

Tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á hôm 22/11, Trung Quốc đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích của các nhà lãnh đạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì những hành động phi pháp để củng cố chủ quyền trên Biển Đông.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á hôm 22/11, Trung Quốc đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích của các nhà lãnh đạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì những hành động phi pháp để củng cố chủ quyền trên Biển Đông.

Theo tin tức trên Kyodo News, tại hội nghị thượng đỉnh thường niên các nước ASEAN và đối tác được tổ chức tại Kuala Lumpur hôm 22/11, các nhà lãnh đạo đã bàn về hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố, song vẫn tồn tại những khác biệt lớn giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và những nhà lãnh đạo khác về việc tìm ra giải pháp tốt nhất để giảm căng thẳng tại vùng biển tranh chấp.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lý Khắc Cường vẫn lớn tiếng nhắc lại quan điểm trước nay của Trung Quốc là giải quyết song phương và yêu cầu các bên không liên quan không được can thiệp.

Tại hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Philippines hôm 19/11, Trung Quốc đã thành công trong việc ngăn các nước tham dự không đề cập đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

Tuy nhiên, ở Kuala Lumpur lần này, nơi đại diện cho Trung Quốc là Thủ tướng Lý Khắc Cường thay vì Chủ tịch Tập Cận Bình như ở APEC, "cơ may" cho Bắc Kinh đã không lặp lại.

"Một trong số những chủ đề quan trọng tại hội nghị là Biển Đông và nhiều nhà lãnh đạo đã nói về sự cần thiết phải duy trì nguyên tắc quốc tế, bao gồm cả quyền tự do hàng hải và quyền giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng hòa bình", Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại một cuộc họp báo.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao Đông Á hôm 22/11. Ảnh: Sydney Morning Herald

Ông Obama, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và hầu hết các nhà lãnh đạo đều bày tỏ lo ngại về tình hình ở vùng biển châu Á, tuyến giao thương huyết mạch quan trọng bậc nhất thế giới và cũng là nơi có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt khổng lồ. Các lãnh đạo hàng đầu cũng cho rằng đã đến lúc cần giảm căng thẳng bằng việc Trung Quốc nên ngừng các hoạt động cải tạo đất.

Một quan chức giấu tên tham dự hội nghị cho biết, Trung Quốc đã phải chịu "công kích từ tất cả các bên" trong cuộc họp.

Theo Thủ tướng Nhật, không kể mục đích quân sự hay dân sự, bất cứ quốc gia nào cũng phải tránh hành động thay đổi hiện trạng và đi ngược lại những quy tắc.

"Nhưng trong thực tế, việc cải tạo nhanh chóng với quy mô khổng lồ, cũng như việc lập các đồn lũy và chuẩn bị cho mục đích quân sự vẫn đang tiếp tục diễn ra ở Biển Đông. Tôi quan ngại sâu sắc về thực trạng này", ông Abe nói nhưng không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc.

Ông Abe cũng nhắc lại rằng, trong cuộc gặp với Tổng thống Obama hồi tháng 9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Bắc Kinh không có ý định quân sự hóa Biển Đông. Thế nhưng thực tế là Trung Quốc đã cải tạo trên một vùng biển rộng lớn suốt hai năm qua.

"Lời nói phải gắn liền với hành động cụ thể", ông Abe sử dụng câu nói mà Trung Quốc đã dùng khi chỉ trích Nhật Bản về Chính sách chính trị và an ninh của Tokyo.

Trung Quốc đã phải chịu "công kích từ tất cả các bên" trong cuộc họp do việc cải tạo phi pháp và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông. Ảnh: CSIS/Jane’s

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân, người đi cùng ông Lý Khắc Cường tới hội nghị lớn tiếng nói rằng, các đảo và đá ngầm mà Bắc Kinh kiểm soát ở Biển Đông đều ở xa lãnh thổ Trung Quốc và "cần thiết phải xây dựng các cơ sở quân sự" để bảo vệ những đảo này.

Ông Lưu cũng nói rằng những cơ sở này là phục vụ cho quốc phòng và cảnh báo các nước khác không an thiệp.

Hôm 27/10, Washington đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen tiến vào tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông nhằm phản đối sự bành trướng của Bắc Kinh trong khu vực.

Trung Quốc đã phản ứng gay gắt động thái này của Washington và gọi đó là một sự xâm nhập "bất hợp pháp", đồng thời yêu cầu Mỹ kiềm chế để không có hành động khiêu khích.

Hội nghị cấp cao ASEAN và các nước đối tác có sự tham dự của lãnh đạo các quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines và Mỹ diễn ra hôm 23/11 tại Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia. Ngoài tranh chấp Biển Đông, hội nghị còn bàn đến việc tập trung và hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố.

Lê Huyền (Kyodo News)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news