Một nội dung thảo luận hiếm gặp ở Bộ chính trị Trung Quốc cho thấy mối lo ngại thực sự của ban lãnh đạo nước này về thực trạng "tranh tối tranh sáng" của nền kinh tế số 2 thế giới.
Ngày 1/5/2017, Tổng cục thống kê nhà nước công bố tốc độ tăng trưởng GDP Quý 1/2017 đạt 6.9%, cao hơn đôi chút so với năm 2016.
Trước đó ngày 25/4, họp với chủ đề “An ninh tiền tệ”. Đây là lần đầu tiên kể từ Đại hội 18 của đảng (2012), nơi đưa ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo Trung Quốc, Bộ chính trị nước này mới lại đưa ra chuyên đề về an ninh tiền tệ.
Phát biểu trong Hội nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình 19 lần nhấn mạnh về “rủi ro tiền tệ” đang ám ảnh kinh tế Trung Quốc.
Ông nói “Không thể coi nhẹ, không thể bỏ qua những rủi ro tiềm ẩn… Bởi lẽ bảo vệ an ninh tiền tệ là vấn đề lớn mang tính căn bản, tính chiến lược liên quan tới phát triển toàn cục kinh tế và xã hội Trung Quốc”.
Ông Tập đưa ra 6 nhiệm vụ về đảm bảo an ninh như tăng cường giám sát quản lý, chú ý xử lý rủi ro, tăng cường công tác lãnh đạo của trung ương đối với tiền tệ.
Kể từ ngày 2/5 tới ngày 9/5, Tân Hoa Xã đã liên tiếp đăng 7 bài về an ninh tiền tệ, chứng minh mối lo ngại hoàn toàn thực tế của ban lãnh đạo Trung Quốc.
Đầu tư vô tội vạ vào thị trường bất động sản được cho là nguyên nhân lớn dẫn đến nguy cơ an ninh tài chính của Trung Quốc (Ảnh: Bloomberg)
Thời gian qua, nợ công của Trung Quốc không ngừng tăng lên tới mức báo động. Tờ Financial Times của Anh cho biết năm 2015 nợ công của Trung Quốc tới mức kỉ lục 237% GDP.
Còn theo số liệu của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), tính tới giữa năm 2014 nợ công của Trung Quốc đã lên tới mức báo động là 282% GDP, đến cuối năm 2015 là 280% GDP.
Ngày 26/4/2016, (IMF) trong báo cáo tình hình tiền tệ cho rằng nguy cơ của Trung Quốc có thể nổ ra vì nợ công của nước này lên tới 249% GDP, trong khi đó năm 2007 chỉ có 148% GDP.
Hai nguyên nhân lớn
Các học giả Trung Quốc cho rằng nguyên nhân dẫn tới nợ công tăng cao có nhiều, trong đó nguyên nhân quan trọng đầu tiên là Trung Quốc đã đổ quá nhiều tiền vốn vào .
Nhà kinh tế học Trung Quốc Trịnh Vĩnh Niên ngày 1/5/2017 cho báo giới biết do thu được những món lợi lớn từ đầu tư vào nhà đất, nên nhà nước, doanh nghiệp lớn nhỏ, tư nhân đều đua nhau đầu tư vào nhà đất.
Nhiều năm qua, khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển nóng, nguy cơ tiền tệ xảy ra, nhà nước đã chi khoản tiền lớn kích cầu để cứu thị trường, nhưng phần lớn các khoản đầu tư này đều dồn vào thị trường nhà đất.
Ông Trịnh cho biết đầu thập niên 1990, Nhật Bản đã có bài học lớn về khủng hoảng thị trường nhà đất mà hơn 20 năm sau vẫn chưa thoát khỏi hậu quả của khủng hoảng.
Hiện nay, thị trường bất động sản đã trở thành chiếc "Vòng kim cô" kiềm chế, chi phối nền kinh tế Trung Quốc. Trịnh Vĩnh Niên đặt câu hỏi "Liệu Trung Quốc có đi vào vết xe của Nhật Bản hay không?"
Tình trạng này luôn tái diễn khi có thời cơ. Báo Chí Trung Quốc cho biết ngay sau khi có tin trung ương phê chuẩn lập Khu kinh tế mới Hùng An tại tỉnh Hà Bắc ngày 2/4/2017, thì lập tức “chứng bệnh đua nhau đầu tư” vào nhà đất đã tái phát. Quy mô đầu tư vào đây tăng lên gấp 4 lần chỉ trong một tuần lễ.
Ngày 16/5, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Bắc Triệu Khắc Chí nói kiên quyết không để lặp lại tình trạng đầu cơ trục lợi lũng đoạn thị trường nhà đất. Bí thư đảng ủy Khu Hùng An cho biết đã xử lý 2.138 vụ đầu tư trái phép, ra lệnh đóng cửa 176 công ty, văn phòng đầu cơ tư trục lợi từ bất động sản.
Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì Chính sách tiền tệ thận trọng (Ảnh: Mark Schiefelbein/Associated Press)
Nguyên nhân lớn thứ hai không kém phần nghiêm trọng là tình trạng tham nhũng, thao túng thị trường tài chính, chứng khoán của các quan chức lãnh đạo ngành tài chính, tiền tệ, ngân hàng Trung Quốc.
Báo chí Trung Quốc cho biết kể từ năm 2012 tới nay có hơn 50 lãnh đạo ngành tài chính ngân hàng của nước này bị kỉ luật trong đảng và truy tố về tội tham nhũng, trong đó từ năm 2014 tới 2017 có hơn 30 người.
Trong số này có ông Đới Tương Long, nguyên Thống đốc ngân hàng trung ương, sau đó làm Thị trưởng thành phố Thiên Tân. Đới khai nhận và cung cấp cho Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) danh sách hơn 50 quan chức thuộc ngành tài chính, ngân hàng tham ô, trong đó có 14 người từng giữ chức vụ Giám đốc ngân hàng, Phó Giám đốc ngân hàng.
Ngân hàng Trung Quốc còn cho biết kể từ thập niên 1990 tới nay có từ 16.000 – 18.000 quan chức tham nhũng, trong đó chủ yếu thuộc ngành Ngân hàng, Tài chính bỏ trốn ra nước ngoài đem theo số tiền tới 800 tỉ nhân dân tệ (NDT).
Các vụ bê bối ở nhiều tập đoàn hàng đầu như Chứng khoán Phương Chính, khi hàng loạt lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp này bị điều tra với cáo buộc dính líu vụ tham nhũng của cựu Chánh văn phòng trung ương ĐSCTQ Lệnh Kế Hoạch, đã tác động không nhỏ tới dư luận và ngành tài chính tiền tệ Trung Quốc.
Ông Quách Thụ Thanh, Chủ tịch Hội đồng giám quản Ngân hàng Trung Quốc ngày 21/4/2017 cho biết nếu không chấn chỉnh tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng tài chính hiện nay thì không thể xoay chuyển được tình thế.
Năm 2017 sẽ là năm trọng điểm chấn chỉnh ngành tài chính ngân hàng Trung Quốc.
Dư luận các nhà kinh tế trong và ngoài nước Trung Quốc cho rằng vấn đề dư luận quan tâm hiện nay không phải là tốc độ tăng trưởng GDP đạt bao nhiêu phần trăm, mà là đám mây đen khủng hoảng và rủi ro tiền tệ đang rình rập nền kinh tế Trung Quốc tới mức độ nào.