Liên quan đến việc bị trưng biển đòi nợ giữa phố, mới đây, đại gia Cao Tiến Đoan đã lên tiếng với báo giới.
Cụ thể, trên báo Dân Trí, ông Đoan nói: “Vấn đề nợ nần hiện nay tòa án đang thụ lý giải quyết mình không bàn cãi nữa, anh Sơn là một người trí thức, có học vị cao tại sao lại như thế? Về kinh tế hai bên như thế nào thì tòa án người ta sẽ phân xử trắng đen và lúc đó sẽ có con số chính xác. Việc đưa ảnh tôi lên băng rôn khổ lớn rồi rải tờ rơi như thế là không đúng. Dù mức độ như thế nào chăng nữa thì không ai làm thế. Ngoài ra anh Sơn còn gửi thư đến những mối quan hệ của tôi. Khi tôi không thương thảo được với các nhà đối tác thì đã làm tôi thất thiệt rất nhiều về kinh tế và đẩy Đông Á đến vực thẳm”.
Trước đó, ngày 26/5 vừa qua, trên địa bàn TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa xuất hiện 2 xe ô tô dán băng rôn bên hông xe với dòng chữ “Yêu cầu ông Cao Tiến Đoan phải trả cho Cty Chứng khoán Kenanga Việt Nam (KVS) 31 tỉ đồng và trả cho ông Cao Văn Sơn 21 tỉ đồng”.
Ảnh ông Cao Tiến Đoan bị in to trên băng rôn đòi nợ. Ảnh: Lao động. |
Phía bị đòi nợ là ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Cty Đông Á. Những người đi đòi nợ tự xưng là người của ông Cao Văn Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty chứng khoán Kenanga Việt Nam (Cty KVS).
Sau khi sự việc xảy ra, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã có công văn gửi cơ quan chức năng trên cơ sở đơn tố giác tội phạm của ông Cao Tiến Đoan. Theo xác minh ban đầu của Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa thì sự việc xảy ra đúng như nội dung báo cáo của doanh nghiệp.
Theo nội dung công văn Cty Đông Á là một doanh nghiệp có uy tín, đang tham gia đầu tư vào các dự án lớn của tỉnh Thanh Hóa. Bản thân ông Cao Tiến Đoan là chủ doanh nghiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển Hiệp hội, tham gia tích cực công tác xã hội, Từ thiện.
Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa nhận thấy đây là một hành vi vi phạm pháp luật, làm mất uy tín cho doanh nghiệp, bôi nhọ, làm nhục bản thân ông Cao Tiến Đoan. Cũng theo đánh giá của Hiệp hội doanh nghiệp, trong hoạt động kinh doanh các bên có mối quan hệ kinh tế, liên doanh, liên kết làm ăn được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, đây là quan hệ dân sự, nên khi xảy ra những tranh chấp, bất đồng hai bên phải đàm phán, hòa giải theo đúng trình tự quy định của pháp luật, nếu không giải quyết được thì gửi đơn đến tòa án giải quyết.
Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa đã đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết theo trình tự của pháp luật mang lại sự bình yên cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.
Trên Dân TRí, Đại tá Nguyễn Chí Phương - Trưởng Công an thành phố Thanh Hóa cho biết: “Hiện cơ quan Công an đang điều tra, làm rõ, vi phạm đến đâu thì xử lý theo quy định của pháp luật đến đấy. Hình ảnh, băng rôn đi khắp thành phố Thanh Hóa, mục đích là đánh sập uy tín”.
Theo đại tá Phương, Công an thành phố Thanh Hóa cũng đã lập biên bản, ghi hình, tạm giữ toàn bộ pa nô - áp phích liên quan đến sự việc trên. “Chúng tôi đang thu thập chứng cứ, nếu như nó ảnh hưởng đến uy tín nghiêm trọng thậm chí có thể truy tố. Còn nợ nần thì có việc đòi, không ai cấm anh (bên đi đòi nợ) đòi cả, nhưng nếu anh đòi không được thì khởi kiện ra tòa, tòa buộc ông Cao Tiến Đoan phải trả trong phạm vi đó chứ, theo luật chứ. Nhưng tại sao anh lại dùng pa nô - áp phích đi dong dong ngoài đường như thế làm gì? mục đích để làm gì? hay anh định lợi dụng nợ nần trong hợp đồng đó để anh đánh sập công ty đó?”.
Nam Nam (Tổng hợp)