Tin mới

Đại hội đảng ở Triều Tiên khiến thế giới thất vọng ra sao?

Thứ tư, 11/05/2016, 16:19 (GMT+7)

Giới quan sát suy đoán rằng Bình Nhưỡng sẽ có những thay đổi chính sách sâu rộng. Thế nhưng, sự thật lại không như những gì họ kỳ vọng.

Tạp chí The Diplomat của Nhật cho rằng, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quyết định tổ chức Đại hội Đảng Lao động đầu tiên trong 36 năm và là đại hội thứ 7 trong lịch sử Triều Tiên, giới quan sát suy đoán rằng Bình Nhưỡng sẽ có những thay đổi Chính sách sâu rộng. Thế nhưng, sự thật lại không như những gì họ kỳ vọng.

Theo The Diplomat, thay vì tập trung vào những cải cách, Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên đã gây thất vọng khi không hề đề ra chủ trương thay đổi nào, mà chỉ có những bài phát biểu sáo rỗng và nhàm chán.

Đại hội đảng của Triều Tiên chỉ nhấn mạnh vào hào nhoáng - tức những thành tựu mà nước này đã đạt được, hơn là những chính sách đổi mới, và mục đích chính của đại hội là củng cố quyền lực cho nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.

Dưới đây là 6 điểm gây thất vọng tại Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên mà tạp chí The Diplomat chỉ ra.

Không có phi hạt nhân hóa

Thẳng thừng cự tuyệt những nghị quyết của Liên Hợp Quốc và những cam kết trước đó của Triều Tiên về phi hạt nhân hóa, nhà lãnh đạo Kim Jong-un một lần nữa khẳng định sẽ mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cả về số lượng lẫn chất lượng.

"Là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có trách nhiệm, chúng tôi sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm", ông Kim tuyên bố.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu khai mạc đại hội đảng. Ảnh: Reuters/KCNA

Bình Nhưỡng cũng tiếp tục lặp lại lời đe dọa đối với Mỹ và các đồng minh rằng sẽ hủy diệt những quốc gia này bằng hạt nhân nếu ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc, tổ chức tập trận hoặc cho phép công dân sử dụng quyền tự do ngôn luận để chống phá Triều Tiên.

Không có chính sách phân bổ quyền lực

Kim Jong-un đã cho thấy xu hướng học theo ông nội mình, Kim Il-sung, chứ không phải cha mình là cố lãnh đạo Kim Jong-il. Triệu tập một đại hội đảng và chuyển trung tâm quyền lực từ quân đội về Đảng Lao động Triều Tiên là chính xác với phương pháp mà Kim Il-sung đã thực hiện để nắm quyền lực tuyệt đối.

Đại hội đảng Triều Tiên xác nhận "Chiến lược Song hành" của Kim Jong-un, đồng thời theo đuổi cả hai mục tiêu an ninh và kinh tế, được hiểu nôm na là "Vũ khí hạt nhân và kim chi", thay cho cách gọi "Súng và bơ" ở phương Tây. Giới quan sát lo ngại, một khi quyền lực đã tập trung vào đảng cầm quyền, thì việc Kim Jong-un theo đuổi "Chiến lược Song hành" sẽ không báo trước về hành vi chừng mực của Triều Tiên.

Tháng 3/2013, Kim Jong-un từng tuyên bố, "Chính sách Song hành" của ông có hình mẫu từ chính sách "triển khai đồng thời cả xây dựng kinh tế và phát triển quốc phòng" mà cố lãnh đạo Kim Il-sung từng đưa ra vào tháng 12/1962. Kim Jong-un chỉ đơn giản thay đổi việc phát triển quốc phòng thành phát triển vũ khí hạt nhân.

Không cải cách kinh tế

Một số chuyên gia từng đưa ra dự đoán táo bạo về cải cách kinh tế của Triều Tiên. Đây cũng là điều mà họ đã từng dự đoán trong suốt nhiều thập kỷ. Một lần nữa, họ lại phải thất vọng. Ba thế hệ lãnh đạo Triều Tiên đã tiến hành một số thay đổi kinh tế, nhưng chưa bao giờ ở phạm vi rộng lớn và thời gian kéo dài như các chuyên gia dự đoán.

Hình ảnh ông Kim Jong-un phát biểu tại đại hội đảng được treo tại một hội trường ở Bình Nhưỡng, nơi các nhà báo nước ngoài được đến tham quan. Ảnh: Reuters

Đúng như những phát biểu trước đó của Kim Jong-un, các báo cáo tại đại hội không hề đề cập đến các thị trường tự do, tự do hóa thương mại tư nhân hoặc giới doanh nhân. Tuyên bố về "Chiến lược 5 năm phát triển kinh tế nhà nước" không cho thấy một quốc gia đã nắm bắt được những nguyên tắc của thị trường tự do.

Không cải tổ bộ máy quyền lực

Đại hội đảng ở Triều Tiên đã bổ nhiệm Kim Jong-un vào vị trí mới là Chủ tịch Đảng Lao động, nhưng sự kiện này không đánh dấu sự hợp nhất cuối cùng về quyền lực đối với các phe phái hay kẻ thù. Điều này từng xảy ra vài năm trước, ngay sau cái chết của cố lãnh đạo Kim Jong-il vào tháng 12/2011. Trong vòng 6 tháng, Kim Jong-un đã có được 6 vị trí quan trọng, hoàn toàn kiểm soát quân đội, đảng và chính phủ.

Những cuộc thanh trừng tiếp theo của Kim Jong-un phản ánh rằng nhà lãnh đạo mạnh mẽ, tự tin này sẵn sàng loại bỏ những quan chức cấp cao nhằm loại bỏ nguy cơ về sau. Kim Jong-un trở thành trung tâm quyền lực không thể tranh cãi ở Triều Tiên. Đại hội đảng không chỉ đáng ngạc nhiên ở chỗ không tiến hành một cuộc cải tổ quân sự lớn, mà còn loại bỏ hoàn toàn những nhân vật đã không còn "giá trị" trong số các quan chức cao tuổi.

Quốc kỳ và cờ đảng Lao Động Triều Tiên được treo khắp trên các tuyến đường ở thủ đô Bình Nhưỡng để chào mừng Đại hội đảng lần thứ 7. Ảnh: Reuters

Không minh bạch

Sự hiện diện của 130 nhà báo nước ngoài tại đại hội đảng của Triều Tiên làm dấy lên hy vọng rằng quốc gia này đã cởi mở hơn dưới thời Kim Jong-un. Thế nhưng, những gì các phóng viên có được chỉ là một chuyến đi - theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Các nhà báo, đại diện cho một chính phủ, không bao giờ được phép tham dự đại hội hay gặp gỡ các quan chức. Thay vào đó, họ bị giới hạn trong một phòng họp báo hoặc ngồi trên xe bus tới ngôi làng Potemkin và có một này tham quan. Thậm chí, các phóng viên còn bị kiểm soát chặt chẽ nếu phỏng vấn người dân trên phố.

Một nhóm phóng viên của hãng tin Anh BBC đã bị bắt giữ và bị trục xuất vì bị cho là "thiếu tôn trọng" sau khi ám chỉ nhà lãnh đạo Kim Jong-un "to béo". Phóng viên của tờ The Los Angeles Times thì không được mời tham dự họp báo vì bài báo của cô bị cho là "không tốt" do đã chỉ ra những hạn chế ở Triều Tiên.

Không có hy vọng về sự thay đổi

The Diplomat cho rằng, việc Kim Jong-un kêu gọi đối thoại với Hàn Quốc và Mỹ có thể được giải thích như một hành động thể hiện thiện chí. Nhưng điều đó là chưa đủ bởi nhà lãnh đạo trẻ tiếp tục đẩy nhanh chương trình hạt nhân và tên lửa, tuyên bố tiếp tục thử nghiệm nhiều tên lửa trong năm nay.

Hiện nay, cộng động quốc tế đã có một sự đồng thuận rằng cần gây áp lực đối với Triều Tiên. Giống như việc Liên Hợp Quốc từng cấm xuất khẩu dầu đối với Iran, Triều Tiên cũng có thể bị cấm xuất khẩu khoáng sản. Tuy nhiên, theo các quan chức, có lẽ điều quan trọng hơn cần làm là thực thi pháp lý.

Lê Huyền (The Diplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news