Đại tá Chu Ba (Zhou Bo), giám đốc Trung tâm Hợp tác An ninh Quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc đe dọa sẽ có một cuộc chiến tranh nếu Ấn Độ không rút khỏi cao nguyên Doklam.
RT đưa tin, ông Chu đã có một cuộc tranh luận "nảy lửa" với nhà bình luận quân sự, cựu thiếu tướng lục quân Ấn Độ Ashok Mehta trên chương trình do đài truyền hình CGTN của Trung Quốc tổ chức hôm 2/8.
Tướng Mehta chỉ trích truyền thông Trung Quốc đang sử dụng những ngôn từ hung hăng và thù hằn để đe dọa và lôi kéo Ấn Độ vào một cuộc xung đột vũ trang, trong khi New Delhi không có hành động như vậy.
"Báo Chí Trung Quốc, các tờ như Tân Hoa xã, Thời báo Hoàn Cầu, PLA Daily viết những câu chuyện hiếu chiến nhất nhằm đe dọa Ấn Độ, đe dọa chiến tranh và đòi dạy Ấn Độ một bài học. Những ngôn từ như vậy không bao giờ được sử dụng ở Ấn Độ", tướng Ấn Độ nêu ra trong cuộc tranh luận.
Ông Mehta nhấn mạnh Doklam không phải lãnh thổ của Trung Quốc mà là một khu vực tranh chấp, nơi không bên nào được làm thay đổi hiện trạng, trong khi ông Chu thì tuyên bố đây thực chất là lãnh thổ Trung Quốc.
Đại tá Chu Ba, giám đốc Trung tâm Hợp tác An ninh Quốc tế, Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Ảnh: CNA |
Đại tá Chu còn nói rằng Ấn Độ đang liều lĩnh khi đưa quân tiến vào cao nguyên Doklam một cách bất hợp pháp.
"Quân đội Ấn Độ đã đi vào phần đất của Trung Quốc. Vậy nếu các ông không muốn chiến tranh thì các ông phải rút khỏi lãnh thổ Trung Quốc", ông Chu tuyên bố.
Tướng Mehta cho rằng việc Trung Quốc đưa quân tới đây, cho xây dựng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng khu vực.
"Ấn Độ cũng không có quyền tại Doklam vì Bhutan không mời Ấn Độ tới", ông Châu Ba lớn tiếng nói.
Căng thẳng Trung -Ấn bùng lên từ giữa tháng 6, khi quân đội Trung Quốc điều lực lượng công binh và máy móc cơ giới tiến vào vùng tranh chấp ở Doklam giữa Bhutan và Trung Quốc để xây dựng các công trình giao thông.
Phản đối bất thành, Bhutan đã đề nghị đồng minh Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam để ngăn cản các động thái từ phía Trung Quốc.
Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj tháng trước tuyên bố điều kiện cho bất cứ cuộc đàm phán nào là cả hai bên đều phải cùng rút quân.
Suốt 2 tháng qua, truyền thông và chính khách hai nước liên tục phát ngôn khiêu khích nhằm vào phía nhau. Nhiều chuyên gia còn vẽ ra kịch bản một cuộc đại chiến giữa hai nước.
Lê Huyền (tổng hợp)