2 đứa trẻ xem cuộc họp báo của Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters
Khi Anh gia nhập các quốc gia áp đặt lệnh ở nhà nghiêm ngặt, số ca tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới đã tăng lên hơn 16.000, số ca nhiễm được xác nhận là gần 360.000. Số người chết tại thành phố New York là gần 100 làm dấy lên quan ngại về sự lây lan của virus tại khu đô thị lớn nhất nước Mỹ, nơi sinh sống của khoảng 8,4 triệu người.
Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại các khu vực xung đột trên thế giới. Pháp và Trung Quốc kêu gọi các cuộc đàm phán khẩn cấp từ những nền kinh tế lớn G20 để đối phó với cuộc khủng hoảng đang leo thang.
New Zealand, Nam Phi và Nepal là những nước mới nhất tuyên bố phong tỏa đất nước. Đức đã cấm các cuộc tụ tập dù lớn hay nhỏ. Italy cấm đi lại trong nước và Hong Kong đóng cửa biên giới đối với những người không phải công dân khi các ca nhiễm nhập ngoại đang đe dọa thành phố.
Italy, Tây Ban Nha và Pháp đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc. Việc phong tỏa của Anh được đưa ra sau khi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng đại dịch toàn cầu rõ ràng "đang tăng tốc". Ông Tedros cho biết phải mất 67 ngày kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc vào tháng 12 để virus này lây nhiễm cho 100.000 người đầu tiên trên toàn thế giới.
Hơn 10.000 người đã chết chỉ riêng tại châu Âu, tâm chấn mới của dịch Covid-19. Các quốc gia ghi nhận nhiều ca tử vong nhất trong 24 giờ qua là Italy (601 ca), Tây Ban Nha (462 ca) và Pháp (186 ca).
Italy với 6.077 ca tử vong hiện có nhiều người chết hơn Trung Quốc đại lục, nơi có 3.277 ca tử vong và 81.171 người nhiễm kể từ khi bắt đầu báo cáo vào tháng 1. Tổng cộng có 73.159 người đã hồi phục, theo số liệu chính thức.