Nội các và đội ngũ cố vấn của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đang trong giai đoạn cuối quá trình hoàn thiện. Không giống với nội các của ông Barack Obama hay George Bush, nội các của ông Trump có nhiều doanh nhân giàu có và ít kinh nghiệm chính trị. Các nhà phân tích nhận định nội các phản ánh đúng đặc điểm của ông Trump và là thay đổi táo bạo nhất từ trước đến nay.
Với tư cách là tổng thống đắc cử, tới nay, ông Trump đã đề cử một số nhà tỷ phú, triệu phú, ba lãnh đạo ngân hàng Goldman Sachs và tổng giám đốc của tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới vào các vị trí cấp cao.
Nội các của ông Trump được “định giá” vào khoảng 14 tỷ USD, một nội các giàu nhất từ trước tới nay. Nếu được Thượng viện đồng ý với mọi đề cử của ông Trump thì nội các của ông sẽ có giá trị gấp 50 lần so với tổng tài sản 250 triệu USD của các thành viên trong nội các đầu tiên của Tổng thống George W. Bush. Truyền thông Mỹ gọi nội các của ông Trump là “đội triệu phú” hay “nội các tỷ phú”. Nội các đầu tiên của ông Obama và ông Bush không có lấy một tỷ phú trong khi nội các của ông Trump dự kiến có tới 11% là tỷ phú. Theo tính toán của tờ The Boston Globe, giá trị ròng nội các này lớn hơn giá trị 70 nền kinh tế nhỏ nhất thế giới cộng lại. Các thành viên kiếm được nhiều tiền hơn 1/3 số hộ gia đình Mỹ cộng lại.
Có thể kể tới một loạt tỷ phú mà tương lai sẽ là thành viên nội các như bà Betsy DeVos với 5,1 tỷ USD sẽ là Bộ trưởng Giáo dục, xuất thân từ gia đình tỷ phú nổi tiếng xây dựng lên công ty đa cấp Amway; ông Wilbur Ross được chọn là Bộ trưởng Thương mại, chủ của khối tài sản 2,5 tỷ USD và là Chủ tịch công ty WL Ross & Col.; bà Linda McMahon có tài sản 1,2 tỷ USD, sẽ là người quản lý doanh nghiệp nhỏ; ông Vincent Viola, Bộ trưởng Lục quân tương lai có 1,77 tỷ USD.
Bà Betsy DeVos – thành viên nội các giàu nhất của ông Trump. Ảnh: Reuters |
Ngoài ra, những nhân vật là “triệu phú nghèo” cũng góp mặt không ít, ví như ông Gary Cohn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành ngân hàng Goldman Sachs, đã được ông Trump chọn làm giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia. Ông Cohn làm việc tại Goldman Sachs suốt 26 năm qua và có số cổ phiếu trị giá 200 triệu USD tại ngân hàng này. Tổng giám đốc tập đoàn dầu ExxonMobil, ông Rex Tillerson, đã được ông Trump chọn làm ngoại trưởng và được ông ví là “một trong những lãnh đạo doanh nghiệp thực sự vĩ đại của thế giới”. Ông Tillerson sở hữu cổ phần trị giá 245 triệu USD của ExxonMobil. Ông Steve Mnuchin, người có 655 triệu USD, đã được chọn làm Bộ trưởng Tài chính. Người “nghèo” nhất là Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence với tài sản trị giá 211.000 USD. Nếu tính cả khối tài sản 16,5 tỷ USD của tỷ phú Carl Icahn - người vừa được chọn làm cố vấn pháp lý - thì quy mô bộ máy mới của ông Trump sẽ là hơn 30 tỷ USD.
Lý giải cho việc chọn những người siêu giàu và lãnh đạo tập đoàn lớn, ông Trump nói tài sản của những nhân vật này chỉ đơn giản là dấu xác nhận cho năng lực của họ: Bạn càng giàu thì bạn càng có khả năng đạt được một thỏa thuận và khả năng thỏa thuận là điều mà nội các kế tiếp rất cần tới. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump luôn nhắc đi nhắc lại rằng chính phủ của ông Barack Obama đàm phán kém trong thương mại lẫn hạt nhân Iran và mang về cho Mỹ những thỏa thuận “thảm họa”.
Theo ông Peter Henning, một giáo sư luật hiến pháp thuộc Đại học Wayne State, chỉ định lãnh đạo doanh nghiệp vào các vị trí chính trị hàng đầu đã trở thành điều bình thường trong chính trị Mỹ, nhưng các đề cử của ông Trump là “độc nhất về số lượng” và “tối thiểu về kinh nghiệm”.
Nhóm chuyển giao của ông Trump đã vạch ra một số quy định riêng cho các thành viên nội các mới: Bất kỳ ai được bầu vào vị trí cao phải chứng minh rằng họ đã ngừng làm một nhà vận động hành lang, chấp nhận bị cấm 5 năm không vận động hành lang sau khi rời chính quyền, đồng ý không bao giờ đại diện cho một chính phủ nước ngoài.
[mecloud]lv2JVGPtig[/mecloud]
(Theo Thông tấn xã Việt Nam)