Mỹ sẽ không bao giờ buộc được Trung Quốc phải làm rõ thuyết "Đường 9 đoạn" gây tranh cãi của họ bởi việc để thuyết này mơ hồ nằm trong những điều có lợi nhất đối với Bắc Kinh.
Tàu USS Greenbay của hải quân Mỹ tham gia tập trận chung với Philippines tại Biển Đông |
Đó là nhận định mà trang Duoweis News, một chuyên trang về chính trị có trụ sở tại Mỹ đưa ra.
Kể từ đầu năm ngoái, Washington đã nhắc lại việc phủ nhận tính hợp pháp của “Đường 9 đoạn” – “đường lưỡi bò” mà Đài Loan và Trung Quốc dùng để phân định ranh giới khu vực mà họ có yêu sách tại Biển Đông.
Tháng 2 vừa qua, ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á, Thái Bình Dương phát biểu trước ủy ban quốc hội rằng có "mối quan ngại ngày một tăng lên" khi "các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông phản ánh nỗ lực ngày một gia tăng... để khẳng định quyền kiểm soát khu vực... bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng".
"Cho dù Trung Quốc sử dụng "đường 9 đoạn" để đòi các quyền hàng hải mà không dựa vào những đặc điểm của yêu sách đất đai thì sẽ không phù hợp với luật pháp quốc tế. Cộng đồng quốc tế hoan nghênh Trung Quốc làm rõ hoặc điều chỉnh tuyên bố đường 9 đoạn sao cho phù hợp hơn với luật pháp quốc tế về biển", ông Russel nói.
Tờ Duowei cho rằng Mỹ đang quá nhạy cảm về đường 9 đoạn. Bằng chứng là Washington đang nỗ lực chỉ ra đường 9 đoạn cách xa Trung Quốc đại lục nhưng lại quá gần Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines. Đồng thời, Mỹ cũng so sánh "đường 11 đoạn" gốc từ năm 1947 với 1 bản đồ chính thức của Trung Quốc năm 1984 và phiên bản "đường 9 đoạn" năm 2009. Nhiều quốc gia khác cũng có những bản đồ với tính chất tương tự nhưng Mỹ làm vậy cũng vô ích bởi nó liên quan tới Trung Quốc.
Duowei cho rằng những tranh cãi về đường 9 đoạn thực ra không có gì nhưng cứ làm rối lên. Đường này không biểu thị biên giới quốc gia, cũng không xác định biên giới quốc gia mà chỉ được Trung Quốc sử dụng để mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Biển Đông. Tờ báo coi đường này chỉ mang ý nghĩa văn hóa lịch sử mà Trung Quốc tự dựng lên từ năm 1947 để biện minh cho Chính sách của mình tại Biển Đông, sau khi Nhật Bản đầu hàng trong Chiến tranh Thế giới II.
Bắc Kinh có thể đã ký Công ước LHQ về Luật biển nhưng họ lại không bao giờ làm rõ đường 9 đoạn thực sự đại diện cho cái gì hay nó đang cố đạt tới điều gì. Quan trọng hơn, Bắc Kinh chưa bao giờ nộp đơn khiếu nại chính thức và xác định cụ thể yêu sách đối với khu vực nằm trong đường này, tờ báo nói thêm.
Nguyên nhân bởi đường này là một vấn đề chính trị hơn là vấn đề lãnh thổ. Và nó càng mơ hồ thì càng mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Bắc Kinh chắc chắn sẽ không bao giờ làm rõ tính chất của đường 9 đoạn bởi như thế, họ sẽ cung cấp cho Mỹ nhiều "đạn dược" để tấn công yêu sách lãnh thổ của mình tại Biển Đông, Duowei nhận định.
Bắc Kinh đã không đoán được tranh chấp đường 9 đoạn ngày một leo thang và kết quả là lui về thế phòng thủ. Bù lại, Trung Quốc đang nỗ lực để mở rộng ảnh hưởng của mình tại Biển Đông theo những cách khác, chẳng hạn như hoạt động cải tạo đảo tại các bãi đá, rạn san hô của Việt Nam, thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á và kéo các nước có liên quan vào sáng kiến "Vành đai và Con đường" nhằm thúc đẩy liên kết và hợp tác Á-Âu của ông Tập Cận Bình.
Bảo Linh (Theo Wantchinatimes)