Một đường hầm bí mật ngoài khơi đảo Hải Nam có thể cho phép các tàu ngầm Trung Quốc "ẩn mình" trước máy bay trinh sát Mỹ và hoạt động bí mật tại Biển Đông. Những cảnh tượng làm gợi nhớ tới bộ phim gián điệp James Bond theo Bloomberg.
Nhà nghiên cứu Felix Chang, thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ), cho biết Trung Quốc đã xây dựng 4 cầu cảng ở Hải Nam có khả năng tiếp nhận 8 tàu ngầm và đường hầm dưới nước. Nhô ra khỏi bờ, 4 bến tàu có thể được nhìn thấy rõ. Ở phía Nam của 4 bến tàu này là đường hầm ngầm, rộng khoảng 16 m, dẫn tới một hang nằm phía dưới một ngọn đồi, vốn là một căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc, ông Chang cho biết.
Từ đường hầm này, các tàu ngầm Trung Quốc có thể dễ dàng ra vào Biển Đông mà không lọt vào những con mắt tò mò của các máy bay do thám hải quân Mỹ, vốn trong nửa thế kỷ qua đã tiếp cận tự do vùng biển này.
Cũng theo ông Felix Chang, việc phát triển căn cứ tàu ngầm tại Hải Nam là trọng tâm chiến lược tàu ngầm của Trung Quốc. Đảo này là nơi đặt một căn cứ tàu ngầm kể từ Thế chiến II ở khu vực đông nam của thành phố Tam Á, hiện là một địa điểm du lịch hạng sang.
Khi căn cứ Tam Á ngày càng trở nên đông đúc, hải quân Trung Quốc đã bắt đầu phát triển các căn cứ mới dành cho tàu ngầm. Một địa điểm ở phía Tây Nam có thể dành cho các tàu ngầm thông thường và 2 địa điểm ở phía Tây của vịnh Yalong: một căn cứ tàu nổi với 2 bến tàu dài có khả năng đón tàu sân bay, và một căn cứ có thể được thiết kế cho các tàu ngầm hạt nhân với một đường nối duy nhất, điều mà ông Felix Chang nói là chứng tỏ mức độ an ninh cao.
"Tôi không cho rằng đường hầm phục vụ tàu ngầm tại Vịnh Yalong rộng rãi như trong phim James Bond. Có thể nó tương đối chật chội. Việc đào đất đá và xây dựng các công trình hỗ trợ rất đắt đỏ trong thế giới thực", ông Chang nhận định.
Một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc đi qua vịnh Yalong tại Tam Á hồi tháng Tám
Hạm đội các tàu ngầm diesel và hạt nhân phản ánh nỗ lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm tăng cường sức mạnh hải quân để củng cố chủ quyền phi pháp, nuốt trọn Biển Đông của nước này. Điều này khiến các quốc gia láng giềng, vốn bất bình vì cách thức tiếp cận hung hăng của Trung Quốc đối với các tranh chấp lãnh thổ càng thêm quan ngại.
Trong bối cảnh các quốc gia châu Á từ Ấn Độ đến Australia chi hàng chục tỷ USD để nâng cấp các hạm đội tàu ngầm, cùng với việc các máy bay do thám hiện diện trên bầu trời, nguy cơ va chạm vốn trước đó có thể chỉ giới hạn giữa lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu cá thì giờ đây có thể bùng phát thành cuộc xung đột quân sự.
"Các quốc gia thường nói rằng: chúng tôi cần sẵn sàng một lực lượng đáng tin cậy vốn có gây hoang mang đối với tướng lĩnh Trung Quốc. Họ rõ ràng đang nghĩ như vậy, vì nếu không tại sao họ lại mua các tàu ngầm và tên lửa chống hạm?", Bill Hayton, tác giả cuốn sách "Biển Đông: Cuộc đấu tranh quyền lực tại châu Á" nhận định.
Hải quân Trung Quốc có 56 tàu ngầm tấn công, 51 chiếc trong số đó là tàu ngầm diesel điện và 5 chiếc là tàu ngầm hạt nhân, theo một báo cáo của Bộ quốc phòng Mỹ gửi quốc hội được công bố hồi tháng 4.
Trung Quốc cũng có 3 tàu ngầm hạt nhân có thể phóng các tên lửa đạn đạo và có thể bổ sung thêm 5 chiếc khác, theo báo cáo của Lầu Năm Góc. Báo cáo cho biết, các tàu ngầm này năm nay sẽ mang tên lửa đạn đạo JL-2, có tầm xa ước tính lên tới 7.400 km và sẽ mang đến cho hải quân Trung Quốc khả năng răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy đầu tiên.
Hạm đội các tàu ngầm diesel và hạt nhân phản ánh nỗ lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm tăng cường sức mạnh hải quân để củng cố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông
Tầm xa đó có thể cho phép tên lửa vươn tới bang Hawaii của Mỹ nếu được phóng từ Tây Thái Bình Dương, và tới California nếu được phóng từ giữa Thái Bình Dương, theo ông Dean Cheng, một nhà nghiên cứu về các vấn đề an ninh và chính trị Trung Quốc tại Quỹ Heritage (Washington).
Các tàu ngầm, được trang bị ngư lôi và tên lửa hành chống hạm, sẽ giúp Chủ tịch Tập Cận Bình trong bối cảnh ông tìm cách hiện thực hóa một mục tiêu khác: sẵn sàng cho quân đội chiến đấu và giành chiến thắng trong "các cuộc chiến khu vực" trong thời đại thông tin.
Dưới kịch bản đó, Trung Quốc có thể tung các tàu ngầm, không quân và sức mạnh tên lửa từ tàu chiến và tàu ngầm, được kiểm soát bởi một hệ thống chỉ huy hiện đại vốn tích hợp mọi thứ từ máy tính tới thông tin tình báo.
"Tàu ngầm có thể là vũ khí quan trọng nhất, ngoài bom hạt nhân, vì chúng có khả năng tàng hình, ít tiếng ồn và có khả năng xuất hiện ở khắp mọi nơi. Trong trường hợp nổ ra một cuộc xung đột hải quân, chúng nhiều khả năng sẽ gây đổ máu đầu tiên cho đối phương", chuyên gia Dean Cheng nhận định.
Chương trình hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc đã được phản ánh trong sự hiện diện của các tàu ngầm mang tên lửa ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền 90% diện tích và có các tranh chấp lãnh thổ với hàng loạt quốc gia.
Trong báo cáo công bố hồi tháng 2.2014, Học viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, trụ sở ở Anh) cho biết việc tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc khiến các quốc gia châu Á tăng cường ngân sách quốc phòng trong năm 2013. Chi tiêu quốc phòng ở châu Á đạt 321,8 tỉ USD trong năm 2013, tăng 23% so với năm 2010 là 261,7 tỉ USD, trong khi đó châu Âu giảm 2,5% trong cùng giai đoạn, theo IISS.
Theo Yên Yên/ Bloomberg/ Người đưa tin