Liệu quan hệ đồng minh lâu đời Mỹ - Philippines còn tồn tại được bao lâu khi liên tục phải đối mặt với những lời lẽ gay gắt từ phía tổng thống Rodrigo Duterte?
Trong diễn biến mới nhất của xu hướng lời qua tiếng lại đầy rắc rối Mỹ - Philippines, Tổng thống Duterte hôm 12/9 ra lệnh cho tất cả các Lực lượng đặc biệt Mỹ rời khỏi hòn đảo Mindanao ở miền nam nước này. Các lực lượng Mỹ đã được triển khai đến khu vực này để hỗ trợ các lực lượng an ninh Philippines trong cuộc chiến chống lại nhóm chiến binh cực đoan Abu Sayyaf. Mặc dù Mỹ chỉ chịu trách nhiệm đào tạo và chia sẻ thông tin, ông Duterte khẳng định rằng sự hiện diện của Mỹ làm cho tình hình xấu đi và tạo ra mục tiêu sát hại, bắt cóc cho nhóm Abu Sayyaf.
"Chỉ cần người Mỹ còn ở đây, chúng ta sẽ không bao giờ có hòa bình", ông Duterte tuyên bố.
Thật không may, yêu cầu này của Duterte là điều gây khó chịu gần đây nhất đối với mối quan hệ Mỹ - Philippines trong một chuỗi những lời qua tiếng lại căng thẳng chủ yếu đều từ những tuyên bố của ông mà ra. Một trong những căng thẳng chính đến từ chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy gây nhiều tranh cãi ở Philippines. Sau tuyên bố về một chiến dịch sẽ tiêu diệt 100.000 tội phạm ma túy trong 6 tháng đầu tiên trên cương vị tổng thống, ông Duterte đã đưa ra một Chính sách trấn áp trên diện rộng. Kết quả, 1.800 người đã bị giết hại ở Philippines kể từ khi ông Duterte bước vào văn phòng tổng thống hồi tháng 6.
Tổng thống Philippines Duterte liên tục "chọc giận" đồng minh lâu đời Mỹ bằng những lời lẽ "khó nghe". Ảnh: AP |
Sự phản đối quốc tế đã thất bại khi không thể ngăn chặn được tổng thống Philippines khỏi con đường này. Khi Liên Hợp Quốc kêu gọi Duterte dừng các vụ giết người, vị tổng thống này đã đe dọa sẽ rút khỏi tổ chức. Đáng chú ý hơn, Duterte còn dùng từ ngữ dung tục để thóa mạ tổng thống Mỹ khi nói rằng ông là "con trai của ả điếm" (gần một tháng trước đó, Duterte cũng gọi đại sứ Mỹ tại Philippines là "đứa con đồng tính của ả điếm").
Obama sau đó đã hủy cuộc họp với Duterte ở Lào và Duterte ngay lập tức đưa ra một lời xin lỗi, bày tỏ hối tiếc về những lời nói của mình. Trong khi Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Benjamin Rhodes khẳng định quan hệ đồng minh giữa Washington và Manila vẫn bền vững, thì nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu Duterte còn có thể làm những gì trước khi Nhà Trắng bắt đầu thay đổi chiến thuật đối với mối quan hệ này.
Quan điểm không ổn định của Philipines về căng thẳng leo thang ở Biển Đông cũng chẳng khác nào một sự phản bội đối với Mỹ. Mặc dù Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) hôm 12/7 đã ra phán quyết với phần thắng hoàn toàn nghiêng về Philippines khi bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, song thực tế, Bắc Kinh đã theo đuổi xu hướng hành động hoàn toàn đi ngược phán quyết. Hơn 2 tháng kể từ khi phán quyết được đưa ra, Trung Quốc đã tiến hành những cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đông và phóng một vệ tinh mà Trung Quốc khẳng định để bảo vệ lợi ích hàng hải. Hơn nữa, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc, Philippines tuyên bố rằng tàu tuần duyên Trung Quốc đã tiến vào gần bãi cạn tranh chấp Scarborough, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Thái độ bấp bênh của Philippines trong tranh chấp Biển Đông cũng chẳng khác nào một sự phản bội với Washington. |
Hiệp ước Hợp tác Quốc phòng nâng cao (EDCA) giữa Mỹ và Philippines được tạo ra nhằm chống lại những hành động khiêu khích như thế này. Tòa án tối cao Philippines hôm 12/1/2016 tái khẳng định, EDCA cho phép Mỹ thiết lập căn cứ tại 5 địa điểm ở Philippines và củng cố tầm quan trọng của liên minh quốc phòng giữa hai nước nhằm đối phó với sự hiện diện manh nha của Trung Quốc. Các nhà phân tích đánh giá EDCA đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển răn đe đáng tin cậy nhằm chống lại các mối đe dọa trong khu vực. Tuy nhiên, giá trị của liên minh này không phù hợp với thái độ không đếm xỉa mà Duterte đang tiếp tục chứng minh cho Mỹ thấy.
Những hành vi gần đây của Duterte chứng minh rằng EDCA có thể mang lại rủi ro cao, hoặc Manila đã không còn xem Washington là đối tác quốc phòng quan trọng. Bằng cách táo bạo cam đoan sẽ có hành động quân sự nếu Trung Quốc cố gắng kiểm soát bãi cạn Scarborough, Duterte đe dọa xung đột vũ trang với Trung Quốc, điều mà ông không thể tiến hành nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ. Tuy nhiên, thái độ của Duterte cũng giống với những người theo chủ nghĩa biệt lập "độc hành" chỉ càng khiến nhiều người khó chịu. Cũng có thể, như cách nói của Obama, những hành động của Duterte chỉ đơn giản bởi ông là một người "nhiều màu sắc", đôi khi quên mất việc duy trì tầm quan trọng của liên minh với Mỹ.
Liên minh vững chắc Washington - Manila trong một khu vực đang xảy ra tranh chấp lãnh thổ và các mối đe dọa khủng bố có ý nghĩa vô cùng lớn đối với cả hai bên. Tầm quan trọng của liên minh sẽ khiến Mỹ phải nỗ lực để duy trì quan hệ song phương tốt đẹp, và cả Philippines cũng phải làm như vậy. Nếu không, Washington cần xem xét lại một cách nghiêm túc giá trị mà Duterte mang lại cho mối quan hệ này.
Xem thêm video:
[mecloud]dgThBC1c1X[/mecloud]
Lê Huyền (The Diplomat)