"Tôi thực sự là một người thô lỗ. Tôi đang tận hưởng lần cuối cùng mình là một người thô lỗ. Khi tôi trở thành tổng thống,… sẽ có một sự thay đổi". Những lời nói của ông Duterte làm dấy lên hy vọng rằng khi trở thành người đứng đầu một quốc gia, ông sẽ cẩn thận hơn với lời ăn tiếng nói của mình, thế nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.
Duterte mở màn một nền ngoại giao toàn cầu chẳng giống với bất cứ người tiền nhiệm nào của ông. Ba tháng sau khi bước vào văn phòng tổng thống, ông có chuyến công du đầu tiên khi đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN được tổ chức tại thủ đô Vientiane, Lào để chính thức tiếp nhận ghế Chủ tịch ASEAN trong lần kế tiếp, vốn được luân phiên theo bảng chữ cái tên quốc gia trong hiệp hội. Tuy nhiên, theo National Interest, điều đáng buồn cười là những người ủng hộ Duterte lại nói rằng lãnh đạo của họ được "bầu" vào vị trí này vì danh tiếng và ý chí quyền lực.
Bên lề hội nghị, sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao các nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và Liên Hợp Quốc, chính quyền Duterte đã lên lịch trình 9 cuộc gặp song phương. Không có nghi ngờ gì, một trong những cuộc gặp được mong đợi nhất là với Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đang có chuyến công du thứ 9 và cũng là chuyến công du cuối cùng đến châu Á.
Chỉ vài tuần trước đó, Tổng thống Duterte còn "xù lông" với Washington khi đưa ra những nhận xét khó nghe về Đại sứ Mỹ tại Manila, ông Philip Goldberg. Và trong bối cảnh Duterte đang tiến hành một chiến dịch chống tội phạm ma túy gây nhiều tranh cãi, những nghị sĩ "diều hâu" ở Wahshington cũng bắt đầu khuấy động hơn nữa những lời chỉ trích nhằm vào hồ sơ nhân quyền của Duterte. Căng thẳng bắt đầu hình thành trong quan hệ song phương, nhưng chính quyền Obama liên tục nhấn mạnh tính thân mật, bền vững trong quan hệ đồng minh giữa hai nước.
Tổng thống Philippines Duterte đã đe dọa sẽ văng tục với Tổng thống Mỹ Obama nếu bị chất vấn về vấn đề nhân quyền. |
Công bằng mà nói, một sự việc nổi lên giữa Duterte và Obama (Duterte dọa văng tục với Obama) chỉ như một hạt bụi, không thể làm suy yếu những nguyên tắc căn bản trrong quan hệ song phương. Nhà lãnh đạo Philippines cũng khẳng định rõ ràng rằng ông sẽ không làm hỏng thỏa thuận song phương hiện có với Mỹ, đặc biệt là Hiệp ước Hợp tác Quốc phòng nâng cao (EDCA), cái vẫn chưa được Thượng viện Philippines phê chuẩn.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu ngày càng tăng cho thấy mối quan hệ đồng minh lâu đời Mỹ - Philippines đang hướng tới "tiêu chuẩn mới", trong đó các mối quan hệ song phương vẫn còn mạnh nhưng không còn đặc biệt và bất khả xâm phạm như trước. Ông Duterte cũng đang lên kế hoạch có chuyến thăm cấp nhà nước đến Bắc Kinh, một sự khởi đầu hoàn toàn khác biệt so với những tổng thống trước đó khi họ luôn chọn Washington là điểm đến ngoại giao đầu tiên.
Khi được hỏi về cuộc gặp sắp tới với tổng thống Philippines, ông Obama nói rằng nhân quyền sẽ là vấn đề trung tâm và được ưu tiên. Điều này có thể khiến người đồng cấp Philippines bực bội. Ông Duterte đã thốt ra những lời tục tĩu khi được hỏi về cuộc gặp dự kiến với nhà lãnh đạo Mỹ, ngay trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh. Đối với một nhà lãnh đạo có suy nghĩ độc lập như Duterte, Mỹ đang can thiệp vào công việc nội bộ. Ngay sau đó, cuộc gặp song phương đã bị hủy. Các ứng viên tổng thống Mỹ là Hillary Clinton và Donald Trump đã đưa biến cố ngoại giao này thành một vấn đề chính trị trong nước.
Chính phủ Philippines do lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngoại giao tiềm năng đã ngay lập tức phát hành một tuyên bố nói rằng tổng thống thật lòng "hối tiếc" về những lời nói của mình. Duterte cũng khẳng định rằng ông không trực tiếp xúc phạm nhà lãnh đạo Mỹ. Về phần mình, chính quyền Obama cũng khẳng định rằng quan hệ song phương vẫn bền vững và không có gì đáng lo ngại.
Cựu Tổng thống Benigno Aquino luôn duy trì mối quan hệ song phương rất tốt đẹp với đồng minh lâu đời Mỹ. |
Bản thân Tổng thống Obama cũng trấn an mọi người rằng, ông không bận tâm đến những lời lăng mạ cá nhân, và cũng nhận thức được rằng đó chỉ là thói quen trong cách ăn nói của Duterte. Vì vậy, người ta có thể thở dài nhẹ nhõm.
Nhưng khi mọi người nghĩ rằng mọi vấn đề đã được giải quyết, thì tổng thống Philippines lại bắt đầu một tràng đả kích nhằm vào Washington ngay trước khi các nhà lãnh đạo trên thế giới tham dự Hội nghị Đông Á. Duterte gợi mọi người nhớ lại lịch sử tội ác chống lại người dân Philippines của Mỹ, có niên đại từ thời kỳ thuộc địa. Ông thậm chí còn trưng ra một bức ảnh để chứng minh quan điểm của mình. Sự cố chưa từng xảy ra đã gây ra một sự im lặng khó xử cho cả hai bên. Duterte cũng không tham dự hội nghị ASEAN - Mỹ, và có báo cáo cho thấy ông cũng không bắt tay với Obama sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc.
Trong chuyến thăm tiếp theo đến Jakarta, Duterte tiếp tục chỉ trích Mỹ và sự thiếu cam kết của Washington với Philippines, nhưng lại ca ngợi sự hỗ trợ của Trung Quốc với Manila. Một số người Philippines bắt đầu đặt ra câu hỏi liệu có xảy ra những hậu quả đáng tiếc trong quan hệ song phương với đồng minh lâu nhất và thân thiết nhất trong lịch sử. Mặc dù đã nổi danh tại quê nhà, chính quyền Philippines cũng không thể bảo vệ mình trước những lời chỉ trích gay gắt từ trong nước. Trong bối cảnh Obama sẽ rời nhiệm sở trong vài tháng tới và những lợi ích chiến lược song phương đang được đẩy lên mức cao nhất, thời điểm này là cơ hội tuyệt vời để Wahsington và Manila khôi phục quan hệ, tránh để quan hệ ngoại giao xấu đi.
Điều thú vị là, dù chọc giận Mỹ nhiều lần, song cuộc họp giữa Duterte với những người đồng cấp châu Á lại diễn ra cực kì tốt đẹp. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp với Manila.
"Ngài tổng thống đây là một nhân vật khá nổi tiếng ở Nhật Bản, và tôi rất vui mừng được sớm gặp ngài tại đất nước chúng tôi".
Dù liên tục chọc giận đồng minh lâu năm nhưng Duterte lại tạp dựng được mối quan hệ tốt đẹp với những người đồng cấp châu Á. |
Bên cạnh đó, Duterte cũng tạo được mối quan hệ rất tốt với người đồng cấp Indonesia Joko Widodo. Hai nhà lãnh đạo thường xuyên được nhìn thấy đi cùng nhau khi tham dự hội nghị ở Lào. Duterte đã chứng minh rằng, không giống như người tiền nhiệm Benigno Aquino, ông sẽ không đẩy ASEAN tới xung đột với Trung Quốc.
Duterte, người sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN vào năm tới, đã tiến gần hơn tới sự nhất trí chiến lược trong khu vực so với người tiền nhiệm của ông. Sự tương phản văn hóa ngoại giao với những người đồng cấp châu Á, và mặt khác là với Mỹ và Liên Hợp Quốc, đã quá rõ ràng. Thông điệp của nhà lãnh đạo Philippines là: chính phủ mới Philippines sẽ không bận tâm đến những lời chỉ trích từ phương Tây, đặc biệt trong lĩnh vực nhân quyền, và đã sẵn sàng cùng các nước láng giềng khác đưa ra những giải pháp thiết thực cho an ninh và kinh tế.
Như vậy, Duterte đã thể hiện được tính độc lập trong vai trò là một nhà lãnh đạo ở châu Á, đồng thời cũng là cách để tổng thống Philippines trấn an Trung Quốc rằng Chính sách Biển Đông của họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyền lực bên ngoài nào, mà sẽ chỉ xoay quanh những cuộc đàm phán song phương.
Tuy nhiên, những báo cáo về việc Trung Quốc đã có kế hoạch cải tạo bãi cạn tranh chấp Scarborough đặt ra câu hỏi rằng, kiệu Bắc Kinh và Manila có thể nào đạt được một thỏa thuận thỏa đáng ở Biển Đông.
Lê Huyền (National Interest)