Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 2/10 cho biết ông đã được Nga và Trung Quốc ủng hộ khi phàn nàn về Mỹ. Những lời tố cáo này có thể thử thách liên minh ngày càng mong manh với Washington.
Tại cuộc gặp bên lề một hội nghị thượng đỉnh hồi tháng trước tại Lào, ông Duterte nói rằng Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đồng tình khi ông xỉ vả Mỹ.
"Tôi đã gặp ông Medvedev và sẽ tiết lộ với các bạn bây giờ. Tôi đã nói với ông ấy về tình hình hiện nay: Họ đang mang lại cho tôi quãng thời gian khó khăn, họ không tôn trọng tôi, không biết xấu hổ", ông Duterte nói trong bài phát biểu.
"Ông ấy nói rằng "đó thực sự là bản chất của người Mỹ. Chúng tôi sẽ giúp ông".
Ông Duterte không nói thêm về nội dung những lời phàn nàn của mình.
Sự bất mãn của ông Duterte với nước Mỹ đã gia tăng đáng kể từ sau khi tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ quan ngại đối với cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte.
Nhà Trắng đã hủy cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo tại Lào sau khi ông Duterte gọi ông Obama là "đồ chó đẻ".
Cũng trong ngày hôm qua, ông Duterte cho biết mình còn bày tỏ sự bất mãn với Mỹ tới Trung Quốc.
Trung Quốc nói rằng Philippines sẽ không được hưởng lợi khi đứng cạnh Mỹ, ông Duterte cho biết. Hiện chưa rõ ông ấy đã nói gì với Trung Quốc và vào lúc nào.
Ông Duterte gần đây liên tục lặp lại ké hoạch mở rộng liên minh mới với Nga, Trung Quốc, đặc biệt là trong thương mại như một phần trong kế hoạch theo đuổi Chính sách độc lập của mình.
Một số nguồn tin thương mại và ngoại giao đã xác nhận với Reuters rằng một phái đoàn doanh nghiệp Philippines sẽ cùng ông Duterte tới thăm Bắc Kinh từ 19-21/10.
Những nghi ngại về thỏa thuận quốc phòng
Trong một động thái chỉ trích Washington khác, ông Duterte nói rằng ông sẽ xem xét thỏa thuận an ninh với Mỹ. Ông nói rằng thỏa thuận này không có tính ràng buộc pháp lý bởi nó không có chữ kỹ của tổng thống.
Những nhận xét của ông Duterte cho thấy ông này đang có ý định thách thức hoặc thử giới hạn của liên minh Mỹ - Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter từng gọi liên minh này là "được bọc thép".
Sự việc trên diễn ra chỉ một ngày sau khi ông Duterte tuyên bố cuộc tập trận chung Mỹ - Philippines diễn ra trong tuần này sẽ là "lần cuối cùng".
Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường, được ký vài ngày trước khi Tổng thống Obama tới thăm Philippines vào năm 2014, cho phép quân đội Mỹ xây dựng các cơ sở dự trữ cho an ninh hàng hải, các hoạt động ứng cứu thiên tai và cứu trợ nhân đạo.
Nó cũng cho phép Mỹ được truy cập các căn cứ quân sự của Philippines.
Tổng thống Philippines Duterte. Ảnh: Reuters |
Ông Duterte nói rằng thỏa thuận này sẽ được xem xét lại bởi nó do Bộ trưởng Quốc phòng và Đại sứ Mỹ khi ấy ký kết chứ không do tổng thống.
Tổng thống Philippines không nói rõ ông sẽ cố loại bỏ thỏa thuận này hay không nhưng trong các bình luận nhắm vào Mỹ, ông nói: "Nó không có chữ ký của tổng thống nước Cộng hòa Philippines...".
"Giờ đây cần xem xét lại bởi tôi sẽ yêu cầu các bạn rời khỏi Philippines hoàn toàn".
Đáp lại, Lầu Năm Góc nói rằng Mỹ và Philippines đã hợp tác với nhau trong các vấn đề an ninh từ lâu và các cuộc đối thoại giữa ông Carter cùng với người đồng cấp Philippines hồi tuần trước tại Hawaii là "tích cực".
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tôn trọng các cam kết liên minh của mình và hy vọng Philippines cũng làm vậy", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook nói.
Ông Cook nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ Philippines để giải quyết bất cứ mối quan ngại nào mà họ có".
Theo thỏa thuận quốc phòng trên, 2 máy bay vận tải C-130 và 100 binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân ở miền trung Philippines từ ngày 25/9 để tham gia cuộc tập trận kéo dài 2 tuần.
Các nhà phân tích xem thỏa thuận này như một phần cản lại những động thái của Trung Quốc nhằm thúc đẩy lợi ích của họ tại Biển Đông.
Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, John McCain, trước đó cho biết thỏa thuận này mang tính bước ngoặt "chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ".
Bất cứ dấu hiệu dừng thỏa thuận lại nào cũng sẽ là một trở ngại lớn cho những nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á và chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Những thỏa thuận quốc phòng của Washington với Philippines nhiều hơn với bất cứ nước nào tại Đông Nam Á.
Những bình luận của ông Duterte được đưa ra tại thời điểm mà quan hệ quốc phòng Mỹ - Thái Lan (một đồng minh truyền thống khác của Washington) đã thạm thời bị thu nhỏ lại sau cuộc đảo chính quân sự của nước này năm 2014.
Thỏa thuận quốc phòng với Philippines này đang phải đối mặt với thách thức pháp lý từ một số nhà hoạt động và lậ pháp nước này. Họ lo ngại rằng thỏa thuận này đại diện cho thách thức đối với chủ quyền và sẽ biến Philippines thành một bệ phóng để Mỹ can thiệp quân sự vào khu vực.
Tòa án tối cao Philippines đã phán quyết thỏa thuận này là hợp hiến hồi tháng Giêng năm nay.
Bảo Linh (Reuters)