Liên minh châu Âu (EU) hôm 30/10 đã lên tiếng ủng hộ việc Mỹ tuần tra Biển Đông, đồng thời bày tỏ quan ngại đối với kế hoạch xây thêm những đảo mới của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp.
Mỹ hôm 27/10 đã điều một tàu chiến vào vùng 12 hải lý quanh một trong những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa, khiến Bắc Kinh phản ứng giận dữ.
Trả lời họp báo, một phát ngôn viên ngoại giao của EU nhấn mạnh Mỹ đang thực thi quyền tự do đi lại của họ trên biển, cho thấy lập trường ủng hộ Washington.
EU cũng bày tỏ quan ngại về kế hoạch của Trung Quốc nhằm xây thêm những đảo mới tại các vùng biển tranh chấp.
Tàu khu trục USS Lassen đã đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo ở Biển Đông hôm 27/10. Ảnh: AP. |
“Mặc dù không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông, EU ủng hộ một trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc”, phát ngôn viên ngoại giao của EU cho biết trong một tuyên bố.
EU hiện đang tìm cách thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, hy vọng thu hút đầu tư từ Trung Quốc nhằm vực dậy nền kinh tế èo uột của khối này.
Hiện hai bên đang đàm phán một thỏa thuận đầu tư và thương mại song phương.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định động thái này của EU có thể ảnh hưởng đến cuộc đối thoại giữa EU và Trung Quốc trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng Á-Âu (ASEM) vào tuần tới.
Trong một diễn biến liên quan, luật sư chính chịu trách nhiệm trong vụ kiện của Philippines với Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông tại tòa án Hague, ông Paul Reichler tin tưởng tới đầu tháng 6/2016 tòa Hague sẽ có phán quyết cuối cùng.
Ông Paul Reichler cho rằng, bất chấp việc Trung Quốc phản đối thế nào thì áp lực quốc tế rốt cuộc sẽ buộc họ phải tuân thủ một phán quyết chống lại họ.
Cũng theo ông Paul Reichler, việc tòa án Hague quyết định thụ lý vụ kiện của Philippines là “một chiến thắng lớn” và ông rất lạc quan về kết quả phán quyết cuối cùng của tòa.
Lê Huyền (tổng hợp)