Theo thông tin từ báo Yomiuri Shimbun, hiện nay chính phủ Nhật Bản đang cùng với các thành viên nhóm G7 để cùng đưa ra tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Tòa trọng tài Quốc tế PCA.
Theo các nguồn tin cho biết, bất luận phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài PCA là như thế nào, các nước G7 cũng sẽ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ. Đồng thời các nước G7 sẽ yêu cầu Bắc Kinh đưa ra những giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra vào tháng 5 tại Nhật Bản, nhóm các quốc gia này đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc "tim kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, bao gồm các quy trình pháp lý như tòa án trọng tài".
Tuy tuyên bố hồi tháng 5 không chỉ đích danh Trung Quốc, tuy nhiên họ đã nhắc đến tình hình căng thẳng gia tăng tại khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời "nhắc" các bên tuân thủ các phán quyết của tòa án quốc tế.
Các tàu Trung Quốc trong một buổi tập trận. Ảnh: AP |
Phán quyết về vụ kiện Biển Đông sẽ được PCA ra vào khoảng 11h ngày thứ 3-12/7 (khoảng 16h giờ Hà Nội).
Trung Quốc đang ngày càng hung hăng trước thời điểm đưa ra phán quyết khi khẳng định "không bao giờ thỏa hiệp về chủ quyền" hay tuyên bố chuẩn bị tập trận trái phép tại quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Trước đó, Trung Quốc liên tục rêu rao danh sách hàng chục quốc gia ủng hộ "yêu sách đường lưỡi bò" của mình, tuy nhiên nhiều quốc gia đã lên tiếng phủ nhận thông tin trên.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn ngang ngược yêu cầu Manila không thúc đẩy tiến trình tố tụng và kêu gọi đàm phán song phương. Trung Quốc cũng luôn lớn tiếng nói không công nhận thẩm quyền xét xử của PCA về vụ Philippines kiện Bắc Kinh về yêu sách “đường 9 đoạn”.
Ngày 22/1/2013, Philippines đã đệ đơn kiện lên Tòa án trọng tài quốc tế PCA, kiện cách Trung Quốc giải thích và áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Manila tranh luận rằng yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là không có hiệu lực vì nó vi phạm UNCLOS về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và hải phận.
Vụ kiện còn liên quan tới hàng chục mỏm đá, đảo san hô, bãi cát và đá ngầm, ví dụ bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.
Nghiêm Thu