Ngày bà Yingluck Shinawatra trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan năm 2001 không chỉ là sự kiện nổi bật của Thái Lan mà còn là ngày đáng nhớ của gia đình Shinawatra khi có đến ba người giữ chức Thủ tướng.
Xuất thân của gia đình Shinawatra
Kể từ khi hiến pháp Thái Lan được áp dụng vào năm 1932, hiếm có trường hợp nào các nhà lãnh đạo chính phủ lại xuất thân từ cùng một gia đình, ngoại trừ trường hợp hai anh em nhà Pramoj – Seni và Kukrit đã thay nhau làm lãnh đạo trong thời kỳ chính trị hỗn loạn năm 1970. Tuy nhiên, họ lại thuộc hai đảng phái khác nhau và có những đường lối chính trị riêng biệt.
Anh em nhà Shinawatra lại là một trường hợp khác. Gia đình Shinawatra đã tích lũy một bề dày chính trị lâu dài trước thời của Thaksin, Somchai và Yingluck là thế hệ thứ tư của gia đình Shinawatra.
Vào những năm 60 của thế kỷ 19, một người đàn ông đến từ Quảng Đông tên Khâu Xuân Thịnh đã mang cả gia đình di cư đến Bangkok. Con trai cả của ông là Khâu Xương, tức ông nội của Thaksin và Yingluck, đã cùng gia đình kinh doanh tơ lụa, tạo nên một thương hiệu tơ lụa Shinawatra nổi tiếng ở Bangkok lúc bấy giờ và nhận được nhiều sự ưu ái của Hoàng tộc Thái Lan. Năm 1938, gia đình này đổi họ thành Shinawatra.
Gia đình ông Khâu Xuân |
Kể từ năm 1932, khi bắt đầu chế độ quân chủ lập hiến, lãnh đạo chính phủ đều xuất thân từ quân đội. Bắt đầu từ đời cha, chú của Thủ tướng Yingluck, các thành viên của gia tộc đều nỗ lực gia nhập quân đội, thậm chí bác ruột của bà Yingluck đã đạt đến hàm tướng, hầu như cả dòng họ Shinawatra đều đảm nhận các chức vụ cao trong chính giới Chiang Mai.
Ông Lert Shinawatra, cha của Thaksin và Yingluck, đã bắt đầu sự nghiệp chính trị khi giành được một ghế trong quốc hội năm 1969.
Thaskin - nhân vật chính trị gây tranh cãi
Năm 1973 con trai trưởng của ông Lert là Thaksin gia nhập Bộ Cảnh sát Hoàng gia Thái, rồi theo học tại Đại học Eastern Kentucky của Mỹ. Năm 1978 Thaksin nhận học vị Tiến sĩ tư pháp tội phạm tại Đại học Sam Houston tiểu bang Texas. Sau đó lên đến vị trí Phó Chủ nhiệm Ban Chính sách và Kế hoạch thuộc Bộ Tổng tham mưu, Văn phòng Cảnh sát Đô thành.
Đến những năm 90, ông đã có những bước đi ngoạn mục, nhanh chóng tạo dựng một “cơ đồ” trong ngành viễn thông và thi trường chứng khoán Thái Lan. Năm 1987 từ một cảnh sát ông thành lập Tập đoàn Truyền thông và Vi tính. Một trong những thành viên của tập đoàn, công ty Shinawatra Paging, nay trở thành mạng lưới điện thoại di động lớn nhất Thái Lan AIS. Năm 1990, ông tiến hành một giao dịch liều lĩnh nhưng thành công, nhận gói thầu trị giá 20 tỷ baht để được nhượng quyền điều hành vệ tinh Thaicom.
Năm 1998, ông sáng lập Đảng Thai Rak Thai (“Người Thái yêu người Thái”). Trong cuộc tuyển cử tháng 1/2001, Đảng này đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện, ông trở thành người đầu tiên trong dòng họ Shinawatra giữ chức vụ thủ tướng Thái Lan. Trong thời gian nắm quyền hành, ông đã có nhiều chính sách khác nhau ảnh hưởng đến các mặt kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế… Ông được xem là vị Thủ tướng của người nghèo khi thiết lập được một nền y tế mà ai cũng có thể chi trả được. Ông đã thắng cử với số phiếu lớn trong 2 lần sau đó.
Thaksin được xem là nhân vật chính trị gây tranh cãi nhất trong lịch sử chính trị gần đây của Thái Lan. Khi còn đương chức, chính sách của ông tập trung giúp đỡ nhóm người có thu nhập thấp và người dân ở nông thôn – bộ phận chiếm phần lớn cử tri và trở thành những người ủng hộ mạnh mẽ đảng của ông. Chính sách của Thaksin bao gồm chăm sóc sức khỏe, chương trình tín dụng vi mô cho các thôn làng và hoãn nợ cho người nông dân.
Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra |
Tuy nhiên, trong thời gian lãnh đạo ông gặp nhiều chỉ trích của các phe phái rằng ông là người độc đoán, tham nhũng, xâm phạm về nhân quyền. Ông chi tiêu những số tiền lớn cho các khoản trợ giúp như khoản vay lãi suất thấp cho người nghèo. Những người ủng hộ ông cho rằng chính sách kinh tế của ông giúp khôi phục kinh tế Thái Lan sau khủng hoảng kinh tế châu Á năm 2007. Những người phản đối lại cho rằng đó chỉ là cách bơm tiền vào khủng hoảng.
Năm 2006, chính quyền của Thaksin bị phản đối mạnh mẽ bởi phong trào chống Thaksin của những người biểu tình áo vàng. Tháng 9/2006, chính phủ của ông bị lật đổ. Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã giải tán đảng của ông vì gian lận bầu cử, cấm ông và các lãnh đạo của đảng này tham gia hoạt động chính trị trong 5 năm. Sau đó ông phải lưu vong ở nước ngoài nhưng vẫn dẫn dắt các đảng lớn trong nước nhờ sự giúp đỡ trong gia đình Shinawatra. Năm 2007 và 2008 ông hoạt động thông qua đảng Sức mạnh nhân dân.
Năm 2008, ông bị buộc tội gây xung đột lợi ích và bị kết án 2 năm tù giam (xét xử vắng mặt). Được cho là đã trở nên giàu có một cách bất thường trong thời gian đương chức, tài sản của Thaksin bị đóng băng và tài sản ở Thái Lan của gia đình ông lên đến 76 tỷ baht (tương đương 2,37 tỷ USD).
Kể từ sau khi Thaksin bị lật đổ, mâu thuẫn nội bộ tại đất nước này ngày càng trở nên sâu sắc, Giáo sư Đại Học Chulalongkorn Thitinan Pongsudhirak nhận định: "Tình hình đất nước kể từ sau cuộc đảo chính lật đổ ông Thaksin trở nên bất ổn và rối loạn hơn".
Suốt 7 năm qua, Thái Lan phải liên tục chứng kiến những cuộc biểu tình rầm rộ, đụng độ bạo lực liên tiếp của các phe áp vàng và áo đỏ. Phe áo vàng là lực lượng chống lại ông Thaksin, gồm chủ yếu là những người bảo Hoàng, tầng lớp trung lưu và quân đội. Trong khi đó, phe "áo đỏ" là những người thuộc tầng lớp nông dân, công nhân nghèo ủng hộ ông Thaksin.
Somchai Wongsawat tức em rể của Thaksin, đã trở thành thủ tướng Thái trong thời gian ngắn từ 18/9 đến 2/12/2008. Nhưng ngay sau đó, đảng Sức mạnh nhân dân bị toà án giải tán và các lãnh đạo đảng bị cấm hoạt động.
Thaksin còn có một người em gái hoạt động năng nổ trong lĩnh vực chính trị, Yaowapa Wongsawat, lãnh đạo chi nhánh đảng Thai Rak Thai của Thaksin ở miền bắc Thái Lan.
Cựu Thủ tướng Somchai Wongsawat |
Yingluck và con đường chính trị gập ghềnh
Bà Yingluck, cô em gái út của Thaksin đến khi ứng cử chức Thủ tướng, vẫn chỉ chịu cái bóng quá lớn và chi phối nhiều bởi người anh cả.
Gần 20 năm, bà tham gia điều hành các công việc kinh doanh của gia đình Shinawatra, nổi bật nhất là vai trò tổng giám đốc của công ty điện thoại di động AIS (công ty điện thoại di động lớn nhất Thái Lan), và sau đó là tổng giám đốc và chủ tịch công ty phát triển bất động sản SC Assets.
Bà theo học đại học ngành khoa học chính trị và quản trị công ở đại học Chiang Mai; sau đó lại theo học cao học về quản trị hệ thống thông tin ở trường đại học Kentucky State University, gần với trường đại học cũ của ông Thaksin.
Yingluck tốt nghiệp năm 1991 và trở về Thái Lan, bắt đầu tham gia vào các công việc kinh doanh của gia đình, đứng ngoài “chính trường” khi anh trai bà đã thăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp chính trị.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra |
Ngay sau khi đảng Sức mạnh nhân dân bị giải tán, ông Thaksin đã lập ra đảng Puea Thai để kế thừa hoạt động, sau đó đã rơi vào xáo trộn sau khi đảng Dân chủ đối lập lên nắm quyền với sự trợ giúp của quân đội và tòa án hồi tháng 12/2008. Năm 2011, người duy nhất có thể chấm dứt những xung đột nội bộ trong đảng Pue Thái là bà Yingluck, lúc bấy giờ đang được đề cử vào vị trí thủ tướng.
Trước đó, ông Thaksin chưa bao giờ nhắc đến chuyện em gái ông tham gia chính trường nhưng bà làm việc rất tốt cho anh mình.
Hội tụ đủ các yếu tố trẻ trung, xinh đẹp, kinh nghiệm kinh doanh và ê-kíp cố vấn giỏi đã đã giúp Yingluck đạt được vị trí Thủ tướng. Bà cũng được dân nghèo Thái Lan vô cùng yêu mến giành được thiện cảm đặc biệt với các cử tri nhờ triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ dân nghèo.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, Yingluck nói bà muốn sử dụng sức mạnh nữ tính của bà để hòa hợp đất nước "Tôi mong có cơ hội được thể hiện bản thân. Tôi mong các vị tin tôi như đã tin anh trai tôi".
Yingluck khẳng định tham gia chính trường vì mong muốn của bản thân nhưng các chuyên gia đánh giá rằng đó là một bước đi chiến lược của ông Thaksin.
Đảng Puea Thai từng đề xuất xin ân xá cho các nhà hoạt động chính trị để thúc đẩy hòa giải tại đất nước này, nhưng những người chỉ trích cho rằng đây là cách để đưa ông Thaksin trở lại nắm quyền, dù cả hai anh em nhà Shinawatra đều bác bỏ điều này.
Bà có những bước đi rất tinh tế và khéo léo khi có thể làm hạ nhiệt những cái đầu nóng của phe quân đội hay tòa án – những thế lực nắm quyền lực thực sự tại Thái Lan.
Tháng 7/1012 khi đảng Pheu Thai nỗ lực tìm cách thông qua một dự luật có thể giúp ông Thaksin về nước, tòa án hiến pháp Thái Lan chỉ khiển trách nhẹ nhàng và gạt dự luật này ra ngoài lề chứ không phản ứng dữ dội như thường thấy là buộc đảng này phải giải thể.
Những chính sách của Yingluck tiếp tục duy trì được sự ủng hộ của tầng lớp dân nghèo thừa hưởng từ các chính sách dân túy của ông Thaksin như: Cung cấp máy tính bảng cho học sinh, cấp thẻ tín dụng và trợ giá mua gạo cho nông dân, miễn thuế cho những người mua nhà và ô tô lần đầu, tăng đáng kể mức lương tối thiểu… đồng thời làm dịu sự chống đối và lôi kéo sự ủng hộ của những người dân trung lưu, thành thị.
Tuy nhiên sự non kém về kinh nghiệm của bà Yingluck cũng đã bắt đầu bộc lộ hồi cuối năm 2011, khi thủ đô Bangkok và một số tỉnh bị nước lũ tràn về gây ngập lụt nghiêm trọng, chính phủ Thái Lan đã phản ứng rất chậm chạp, lúng túng và vụng về.
Nhiều luồng ý kiến cho rằng bà Yingluck thực chất chỉ là người đang thực hiện những chỉ đạo từ xa của ông Thaksin và người ta nghi ngờ việc ai mới thực sự là người nắm quyền Thủ tướng của Thái Lan.
Cho đến gần đây, khi Thủ tướng Yingluck đề xuất dự luật ân xá , theo đó chính phủ Thái Lan có thể ân xá cho tất cả các đảng phái cũng như cá nhân bị bắt giữ liên quan đến các vụ bạo động đường phố kể từ năm 2004, đã gặp phải làn sóng phản đối dữ dội. Phe đối lập cho rằng mục đích chính của dự luật là nhằm "xóa tội" cho cựu Thủ tướng Thaksin thông qua điều khoản xóa tội cho các cá nhân có hành vi sai trái.
Mặc dù gặp phải làn sóng biểu tình mạnh mẽ ở khắp nơi, chính phủ của bà Yingluck đã cố gắng không để xảy ra xung đột với người biểu tình. Bà Yingluck đã ra lệnh cho quân đội và cảnh sát phải kiềm chế tối đa và không sử dụng tất cả các loại vũ khí khi đối phó với người biểu tình.
Nữ thủ tướng cho biết sẵn sàng từ chức, giải tán quốc hội và tiến hành bầu cử sớm nhưng “tất cả các bên cần phải tuân thủ nguyên tắc rằng mọi người tham gia một cuộc bầu cử hòa bình và quyết định cuối cùng thuộc về nhân dân.” Ngoài ra, bà cam kết sẽ không khôi phục dự luật ân xá, vốn khơi mào làn sóng biểu tình.
Theo Một thế giới