Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn kiên định thể hiện cam kết "mô hình quan hệ nước lớn" dựa trên 3 trụ cột là không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, 5 năm qua, cam kết đầu tiên - không đối đầu - dường như đã biến mất khi Trung Quốc tham gia vào những cuộc tranh cãi khác nhau và xung đột với các nước láng giềng.
Ở Hoa Đông, Bắc Kinh đụng độ với Tokyo vì quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại khu vực.
Ở Biển Đông, tàu thuyền Trung Quốc đụng độ với tàu Philippines. Trung Quốc tiến hành cải tạo đất quy mô lớn. Bắc Kinh tiến hành xây đảo nhân tạo trên các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Quân đội Trung Quốc cũng quấy rối lực lượng biên phòng của Ấn Độ tại khu vực xung quanh đường kiểm soát (LOC) ở dãy Himalaya.
Mỹ - đồng minh với Nhật Bản, Philippines, có quan hệ ngày càng được cải thiện với Việt Nam và Ấn Độ - đã bị đặt vào tình thế không thoải mái để phản ứng lại "sự khiêu khích" của Trung Quốc mà không đứng về phía nào trong tranh chấp cụ thể. Ngăn chặn một cuộc xung đột quân sự trong khi vẫn duy trì tự do hàng hải tại các khu vực tranh chấp đã trở thành mục tiêu quan trọng của Lầu Năm Góc.
Ông Tập Cận Bình cùng vợ đi thăm Anh. Ảnh: Getty |
Sau 1 thập kỷ áp dụng Chính sách trấn an, nhẹ nhàng đối với các nước láng giềng nhỏ tại khu vực và những đối tác dễ tiếp nhận ở châu Phi, Mỹ Latin, Bắc Kinh dường như ngày càng sẵn sàng (và có thể) lấy thịt đè người.
Ít nhất, đó là quan điểm từ bên ngoài. Một số chuyên gia Trung Quốc thạo vấn đề lập luận rằng chẳng có gì thay đổi thực sự. Trung Quốc vẫn luôn thể hiện việc sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi của mình - cho dù đó là Đài Loan, Tây Tạng hay Biển Đông - chống lại sự xâm lấn của nước ngoài.
Sự khác biệt duy nhất là giờ đây, Bắc Kinh đã mạnh hơn để hỗ trợ cho những yêu sách và thực thi những tuyên bố của mình. Nhưng hiện vẫn chưa có thay đổi trong chiến lược cơ bản của họ. Trong khi quan điểm này có thể thực sự có giá trị, nó vẫn không phù hợp cho lắm khi xem xét đến các động thái an ninh tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Hành động chứ không phải lời nói của Trung Quốc đang dẫn tới phản ứng của các nước khác trong khu vực và về lâu dài có thể làm suy yếu các mục tiêu của họ.
Bản thân chính sách của Trung Quốc đã có nghịch lý. Trong khi Bắc Kinh hăng hái, ngang ngược định nghĩa và bảo vệ những lợi ích cốt lõi của mình, họ có vẻ như không biết hoặc không hiểu rằng các nước khác cũng có những lợi ích quốc gia quan trọng. Những mục đích được tuyên bố và khả năng thực sự của Trung Quốc khi kết hợp lại sẽ biến Trung Quốc thành mối đe dọa thực sự đối với an ninh của các nước khác.
Ví dụ, ở Biển Đông, các lãnh đạo và giới tinh hoa Trung Quốc bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Việt Nam và Philippines một cách đơn giản trong khi những bằng chứng hậu thuẫn cho yêu sách của họ (cả về lịch sử và địa lý) đều rất đáng ngờ. Tương tự như vậy, Mỹ không nên lo lắng về việc đi lại ở khu vực cho dù có bằng chứng về hoạt động quân sự của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo nước này xây trái phép bởi Bắc Kinh không có ý định phong tỏa khu vực. Trung Quốc không muốn tìm cách thay đổi trật tự toàn cầu hay khu vực mà chỉ đơn giản là tìm kiếm lợi ích cốt lõi của mình.
Điều này có thể đúng nhưng nó lại không chú ý tới hoặc bỏ qua tầm quan trọng về nhận thức của các nước khác, điều khiến Trung Quốc mở rộng khả năng của mình. Ở mức độ lớn hơn, ý định và động cơ của các lãnh đạo Trung Quốc không thích hợp. Những khả năng lớn (quan trọng nhất là sự hiện đại hóa quân đội và lực lượng hải quân của mình) kết hợp với hành vi (thường bị các nước láng giềng nói là "quyết đoán", "hung hăng") khiến hình ảnh Trung Quốc trở thành mối đe dọa thực sự tại Tây Thái Bình Dương.
Bắc Kinh bác bỏ tuyên bố chủ quyền của các nước khác, nói rằng các chính sách của họ là khiêu khích. Trung Quốc dường như quên mất một thực tế là lợi thế sức mạnh tuyệt đối của họ khiến họ trở thành mối đe dọa an ninh tiềm ẩn với tất cả các nước láng giềng. Vài khi các nước khác tiến hành bảo vệ an ninh của mình, Bắc Kinh lại lập luận rằng họ đang tiến hành những bước đi khiêu khích và mở đường cho xung đột.
Như vậy, Trung Quốc dường như có một bức tranh về các mục tiêu và lợi ích khá "thực tế", nhưng những chính sách và hành vi có tầm nhìn phi thực tế (gần như thơ ngây), có thể dự đoán tác động đã được Trung Quốc thực hiện từ năm 2010. Trước thời điểm đó, cái được gọi là "quyền lực mềm" của Trung Quốc đã được phổ biến. Mục đích triển khai là để tạo ra bộ mặt hiền lành cho Trung Quốc nhanh chóng mơ rộng sức mạnh và các nguồn lực thực sự.
Chiến lược này có vẻ phù hợp với mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là duy trì môi trường bên ngoài ổn định để hỗ trợ và tạo điều kiện trỗi dậy hòa bình của mình, tránh các loại liên minh và liên kết đối kháng, được hình thành khi phải đối mặt với các cường quốc đang trỗi dậy trước đó trong suốt quá trình lịch sử.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục nói đến cam kết về mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới nhưng các chính sách và hành động đối ngoại của Bắc Kinh ngày càng đi xa lời nói đó. Chỉ với những chính sách cụ thể, được xác định thông qua đàm phán mở, mang tính xây dựng, hợp tác với các quốc gia nhỏ hơn và giảm nhẹ sức mạnh quân sự thì Bắc Kinh mới có thể trấn an các nước láng giềng và duy trì ổn định, an toàn khu vực Tây Thái Bình Dương một cách hiệu quả.
Bảo Linh (theo Huffingtonpost)