(Tinmoi.vn) Chân vịt là bộ phận có tính chất quyết định đối với khả năng hoạt động bí mật của tàu ngầm trên biển. Để lộ chân vịt có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động về sau.
Hình ảnh tàu ngầm lớp Yuan của Trung Quốc tại nhà máy đóng tàu với chân vịt được che kín. Ảnh: Chinadefence. |
Tàu ngầm là phương tiện chiến tranh dưới nước tận dụng tính bí mật, bất ngờ để tiêu diệt mục. Vì vậy, thiết kế tàu ngầm luôn hướng tới khả năng “tàng hình” cao nhất.
Để tàu ngầm có thể ẩn mình dưới lòng biển một cách hiệu quả, ngoài thiết kế thủy động lực học, vật liệu hấp thụ âm thanh cần bảo mật thông tin về chân vịt tàu ngầm, bộ phận có vai trò quan trọng ảnh hưởng tới độ ồn khi hoạt động của tàu.
Để dò tìm, phát hiện tàu ngầm, hải quân thường sử dụng một thiết bị định vị thủy âm (còn gọi là sonar) dựa vào tín hiệu sóng âm để xác định các vật thể di chuyển dưới nước, trong đó có tàu ngầm. Trong khi đó, chân vịt lại là bộ phận phát ra nhiều âm thanh nhất khi tàu ngầm hoạt động.
Do đó, hình dáng và kích thước chân vịt tàu ngầm phải được thiết kế làm sao để giảm độ ồn một cách tối đa. Trong khi thiết kế chân vịt tàu mặt nước chú trọng đến hiệu suất hoạt động thì việc thiết kế chân vịt tàu ngầm lại chú trọng đến khả năng giảm độ bộc lộ âm thanh.
Chân vịt tàu mặt nước thường có đường kính lớn để tăng hiệu suất lực đẩy. Tuy nhiên, chân vịt càng lớn, tiếng ồn phát ra khi hoạt động càng nhiều. Vì vậy, chân vịt tàu ngầm thường có đường kính nhỏ hơn chân vịt tàu nổi. Thế nhưng, nếu thu nhỏ đường kính chân vịt sẽ làm giảm hiệu suất lực đẩy. Do đó,tìm đường kính tối ưu cho chân vịt tàu ngầm là một thách thức của các nhà thiết kế.
Chân vịt là bộ phận rất quan trọng đối với khả năng hoạt động bí mật của tàu ngầm khi hoạt động nên các nước trên thế giới thường bảo mật nó rất chặt chẽ. Trong ảnh, chân vịt tàu ngầm hạt nhân chiến lược USS GEORGIA lớp Ohio của Mỹ đã được phủ bạt che kín khi ở trên ụ tàu. Ảnh: Globalsecurity. |
Một thách thức khác khi thiết kế chân vịt tàu ngầm là triệt tiêu bọt khí khi chân vịt hoạt động. Bọt khí thoát ra từ chân vịt là dấu vết hàng đầu mà các phương tiện trinh sát tàu ngầm. Để giảm tối đa độ ồn, triệt tiêu bọt khí, các nhà thiết kế phải tính toán rất kỹ cách bố trí các cánh, độ cong, độ nghiêng của các cánh.
Tùy thuộc vào yêu cầu thiết kế của từng tàu ngầm mà các kỹ sư đưa ra các giải pháp phù hợp. Từ nghiên cứu quy luật thủy khí động học, các nhà kỹ thuật rút ra kết luận, chân vịt càng nhiều cánh thì tiếng ồn khi hoạt động càng thấp. Thông thường thiết kế chân vịt 7 cánh được đánh giá là tối ưu nhất trong việc giảm độ ồn và bọt khí khi hoạt động. Do tính chất quan trọng, thông tin về chân vịt tàu ngầm luôn được bảo mật khá chặt chẽ.
Trên thực tế, độ ồn của tàu trên còn phụ thuộc vào tốc độ di chuyển, tác động của các dòng hải lưu. Tuy nhiên, dựa vào phân tích công nghệ cao có thể xác định phần nào được độ ồn của tàu ngầm.
Khi vận chuyển tàu ngầm hoặc công bố hình ảnh các nước trên thế giới thường dùng bạt để che vị trí chân vịt hoặc tránh chụp cận cảnh.
Lúc trước, tàu ngầm Kilo và một số tàu ngầm của Nga được phủ bạt che chân vịt khi vận chuyển nhưng về sau, phía Nga không thực hiện điều này. Có thể do phía đối tác không yêu cầu che hoặc do Kilo là tàu ngầm khá phổ biến trên thị trường thế giới nên hình ảnh chân vịt tàu ngầm không cần che như trước.
Chân vịt của tàu ngầm Type-212 của Đức được phủ bạt che kín trong buổi lễ tổ chức công bố việc hoàn thành quá trình đóng tại nhà máy. Ảnh: Nava-technology. |
Quốc Việt