(Tinmoi.vn) Khi đưa giàn khoan dầu đến khu vực ngoài khơi bờ biển của Việt Nam tại Biển Đông, Trung Quốc đã có một chiến lược cẩn thận chứ không phải là sai lầm.
Sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) tại vùng biển của Việt Nam, quan hệ Việt-Trung ngày càng căng thẳng. Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đã phạm sai lầm chiến lược. Mặc dù người ta có thể tranh luận về thời gian và phương pháp triển khai của Trung Quốc nhưng nếu nói đây là chiến lược sai lầm thì không chính xác.
Đầu tiên, hãy nhìn vào thời gian. Việc Trung Quốc triển khai Hải Dương 981 vào lúc này khiến nhiều người khó hiểu bởi mối quan hệ Việt-Trung trong những năm gần đây được cả 2 nước duy trì khá tốt. Năm 2013, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đến thăm Việt Nam, hai bên còn nhất trí tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực.
Mặt khác, quyết định triển khai giàn khoan 981của Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên sau khi nước này dành nhiều thời gian và tiền bạc để phát triển một giàn khoan có thể hoạt động trong vùng biển sâu. Rõ ràng, ai cũng có thể thấy một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ cho triển khai nó gần vùng biển sâu và chắc chắn sẽ là vùng biển đang tranh chấp với nước khác.
Theo Holly Morrow, một chuyên gia năng lượng châu Á thì sẽ không bao giờ có thời điểm thích hợp để Trung Quốc làm việc này. "Thực tế thì việc triển khai giàn khoan mất rất nhiều thời gian, cần một kế hoạch tỉ mỉ trong khi Biển Đông chỉ có một vài điểm là không có bão. Tôi nghĩ từ tất cả các yếu tố trên thì thời điểm hiện tại là phù hợp nhất để người Trung Quốc triển khai giàn khoan và thực tế thì họ đã làm vậy giữa chuyến thăm của ông Obama đến châu Á và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Tôi nghĩ đây có lẽ là sự trùng hợp thiếu may mắn chứ không phải họ chủ định làm như vậy”. Như vậy, câu hỏi về thời gian rất thú vị, nhưng nó không quan trọng.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt trái phép tại vùng biển Việt Nam
Tuy nhiên, có ít nhất 2 lý do khiến Trung Quốc có thể phạm sai lầm trong sự việc lần này. Thứ nhất, hình ảnh quốc tế của Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng và họ sẽ mất đi cơ hội để chiếm được tình cảm của người Việt Nam. Các nước nhỏ trong khu vực Đông Nam Á sẽ nhìn Trung Quốc như một kẻ bắt nạt lớn xác tại Biển Đông. Điều này sẽ làm tổn hại đến mục tiêu thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực – mục tiêu trọng tâm mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra trong cuộc họp ngoại giao trong khu vực vào năm 2013. Một số học giả Trung Quốc tin rằng TQ đã không khôn ngoan khi cùng một lúc xung đột với cả 3 nước là Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Lo lắng này không thừa khi mà hình ảnh quốc tế của Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng sau vụ việc lần này. Tuy nhiên, giống như bất kỳ quốc gia nào khác, khi buộc phải lựa chọn giữa lợi ích cốt lõi quốc gia và hình ảnh quốc tế, Trung Quốc vẫn sẽ chọn điều đầu tiên. Có thể nhận thấy Trung Quốc không thể một chiếc bánh lại càng không được ăn nó. Họ sẽ đặt lợi ích quốc gia lên trên hình ảnh của mình. Trong sự việc lần này, có thiệt hại nhưng không lớn.
Thứ hai, động thái hiện nay củaTrung Quốc đang đẩy Việt Nam xích lại gần Mỹ nên có khả năng sẽ tạo ra liên minh chống Trung Quốc tại Đông Á gồm Nhật Bản, Philippines và một số quốc gia khác. Điều này có thể xảy ra. Tuy nhiên, Việt Nam không muốn trở thành đồng minh của Mỹ để chống lại Trung Quốc bởi TQ vẫn là một thị trường và một nhà đầu tư lớn thúc đẩy phát triển cho VN.
Năm 2013, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 28% tổng sản phẩm nhập khẩu. Theo lẽ thường, Việt Nam sẽ không làm tổn hại mối quan hệ thương mại quan trọng này.
Một trong nhiều lý do mà Trung Quốc không bị ảnh hưởng nhiều sau những căng thẳng thời gian qua đó là Việt Nam có rất ít lựa chọn. Việc người dân Việt Nam xuống đường tuần hành phản đối Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều tới Trung Quốc mà sẽ làm tình hình Việt Nam rối ren hơn.
Trong thời gian ngắn có thể Trung Quốc không đạt được gì nhiều từ việc triển khai giàn khoan tại vùng biển Việt Nam nhưng chắc chắn đây không phải là một sai lầm chiến lược. Hiện nay Việt Nam không có quá nhiều “quân bài” để đáp lại các động thái của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc sẽ phải nỗ lực để ổn định lại quan hệ Việt-Trung.
Bảo Linh (Theo thediplomat)