Hãng sản xuất tên lửa phòng không Buk của Nga ngày 2/6 tuyên bố rằng, máy bay mang số hiệu MH17 của hãng Malaysia Airlines đã bị bắn hạ bởi một phiên bản cũ của tên lửa Buk, loại vũ khí không còn được Nga sử dụng mà chỉ còn trong biên chế quân đội Ukraine.
Theo tin tức trên Sputnik, ông Mikhail Malyshevsky, Cố vấn giám đốc điều hành tập đoàn sản xuất tên lửa Buk Almaz-Antei phát biểu trong một cuộc họp báo: "Giai đoạn đầu trong quá trình phân tích cho thấy loại hệ thống tên lửa được dùng (để bắn hạ chuyến bay MH17) là Buk".
"Dựa vào bản chất các lỗ hổng trong mảnh thân của máy bay, thông qua phân tích toàn diện những hư hại, có thể kết luận rằng trong trường hợp này đã sử dụng tên lửa 9M38M hoặc 9M38M1 với đầu đạn loại 9M314 hoặc 9M314M1 bởi chỉ chúng mới có các thành phần gây hư hại cấu hình chữ I," – ông Malyshevsky cho biết.
Ông Mikhail Malyshevsky thuộc công ty sản xuất tên lửa Nga Almaz-Antey. |
Ông Malyshevsky cho biết các phân tích do công ty ông tiến hành dựa trên những bức ảnh được công khai về hiện trường vụ rơi máy bay Malaysia.
Quan chức công ty Almaz-Antey cho biết, mỗi phiên bản của tên lửa Buk có mảnh vỡ đầu đạn khi nổ khác nhau. Và rằng phiên bản khớp với thân máy bay MH17 hiện đang nằm trong kho vũ khí của Ukraine và đã không còn được sử dụng từ lâu.
"Nếu cần thiết, chúng tôi sẵn sàng thực hiện một thí nghiệm không gian thực với sự có mặt của các giám sát viên quốc tế và chuyên gia. Chúng tôi sẽ cho phát nổ thử nghiệm một tên lửa 9M38M1 (loại tên lửa do Ukraine sử dụng) bên cạnh thân của loại máy bay tương tự như chiếc phi cơ xấu số ở đúng phương vị mà tên lửa có thể đã bắn trúng”, ông Novikov nhấn mạnh.
Ông Novikov nói rằng, vào năm 2005 khi Ukraine liên lạc với hãng về việc bảo dưỡng các tên lửa Buk, họ có 991 quả tên lửa loại 9M38M1.
Đống đổ nát của chuyến bay MH17 tại hiện trường. |
Mặc dù các giám đốc của hãng Almaz-Antei không trực tiếp nói rằng Ukraine là bên đã bắn rơi MH17, lời phát biểu của họ đều ám chỉ ý này.
Một phát ngôn viên của Ủy ban An toàn Hà Lan, cơ quan điều tra vụ việc, từ chối không bình luận về những phát biểu của hãng tên lửa. Dự kiến báo cáo sẽ được công bố vào tháng 10 tới.
Trong khi đó, ban lãnh đạo quân sự Cộng hòa nhân dân Donetsk (DNR) tự xưng bổ sung rằng, họ không nắm khả năng kỹ thuật cho phép bắn hạ chiếc Boeing của Malaysia.
"Chúng tôi hoàn toàn không có thiết bị lớp Buk-M1 cũng như các tên lửa (9M38M1) tại thời điểm đó. Chúng tôi không sở hữu kỹ thuật này," — Thứ trưởng Quốc phòng DNR Eduard Basurin nói với hãng tin Interfax.
Tên lửa phòng không Buk-M1. |
Chiếc máy bay mang số hiệu MH17, khởi hành từ Amsterdam, Hà Lan, về Kuala Lumpur, Malaysia, gặp nạn hôm 17/7/2014 khi đang bay qua vùng chiến sự miền đông Ukraine. Toàn bộ 298 hành khách trên khoang, phần lớn là người Hà Lan, đều thiệt mạng.
Kiev và phương Tây tố phe ly khai ở miền đông Ukraine đã sử dụng tên lửa Buk do Nga cung cấp bắn hạ phi cơ chở khách của Malaysia Airlines. Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận cáo buộc trên, đồng thời cho rằng đó là do hệ thống tên lửa hoặc chiến đấu cơ Ukraine thực hiện.
Hiện vụ rơi máy bay Malaysia đang được các nhà điều tra Hà Lan điều tra, dự kiến báo cáo cuối cùng về nguyên nhân vụ việc sẽ được công bố vào khoảng tháng 10 tới đây.
Yên Yên (Sputnik)