Tin mới

Hiếp dâm - công cụ gây tội ác khủng khiếp trong chiến tranh

Thứ năm, 05/01/2017, 15:17 (GMT+7)

Tờ Time vừa đăng tải bài viết đáng chú ý về nạn hiếp dâm trong chiến tranh ở châu Phi và Trung Đông, nơi nhiều người phụ nữ phải chịu những đau đớn về tinh thần hơn là thể xác khi bị tấn công. Dưới đây là nội dung bài viết này:

Tờ Time vừa đăng tải bài viết đáng chú ý về nạn hiếp dâm trong chiến tranh ở châu Phi và Trung Đông, nơi nhiều người phụ nữ phải chịu những đau đớn về tinh thần hơn là thể xác khi bị tấn công. Dưới đây là nội dung bài viết này:

"Mary và gia đình là thành viên của bộ lạc Nuer ở miền nam Sudan. Họ bị mắc kẹt trong cuộc tranh giành quyền lực giữa tổng thống Salva Kiir, một thành viên bộ lạc Dinka, và phó Tổng thống Riek Machar, một người Nuer.

Gia đình của Mary nằm trong số hàng chục nghìn người đi tìm cơ hội tị nạn tại căn cứ gìn giữ hòa bình của Liên ​hợp ​quốc ở thành phố Bentiu. Tuy nhiên vào tháng 6/2014, họ đã rơi vào tay lực lượng của ​Tổng thống Kiir.

Người phụ nữ 27 tuổi kể lại những gì đã xảy ra bằng giọng nói xa xăm, như thể đó là chuyện của một ai đó khác. Những tên lính bắt giữ gia đình Mary nói với cô rằng những người Nuer là những kẻ nổi loạn, trước khi giết chết các con trai của cô để tránh nguy cơ sau này chúng lớn lên và trở thành chiến binh. Bọn lính không giết phụ nữ và trẻ em.

"Chúng nói chúng sẽ chỉ cưỡng hiếp chúng tôi. Như thể điều đó có gì khác cái chết vậy," Mary hồi tưởng lại.

Không biết bao phụ nữ đã mang thai sau khi liên tiếp bị hãm hiếp. (Nguồn: Times)

Sau khi giết chết chồng và các con trai cô, 5 tên lính đã giữ chặt lấy Mary và bắt cô phải nhìn cảnh chúng cưỡng bức cô con gái Nyalaat mới 10 tuổi của mình. "Tôi không thể nhận ra con gái mình được nữa. Tất cả những gì tôi nhìn thấy là máu." Xử lý xong con gái của Mary, chúng quay sang hành hạ cô. Bé Nyalaat qua đời sau đó một vài tiếng.

Dù từng rất muốn chết theo chồng con, nhưng cuối cùng Mary đã đến được một khu trại của Liên ​hợp quốc dành cho những người mất nhà cửa vì chiến tranh.

Cuộc xung đột vẫn tiếp diễn, và một ngày nọ, quân lính - Mary không rõ là của phe nào - tràn vào khu trại qua những lỗ hổng trên hàng rào và cưỡng hiếp bất cứ người phụ nữ nào chúng tìm thấy. "Chuyện đó xảy ra với tất cả chúng tôi: những cô gái nhỏ, những bà già. Chúng chẳng quan tâm," cô kể.

Cưỡng hiếp là một hoạt động gần như song hành với chiến tranh. Nhưng nỗi kinh hoàng do chúng gây ra thường không được ghi chép lại, không được đưa vào sách lịch sử và bị lép vế trước những tin tức về số người chết hay phải đi tị nạn.

"Cưỡng hiếp là một vũ khí còn mạnh mẽ hơn cả một quả bom nguyên tử hay một viên đạn," Jeanna Mukuninwa, một phụ nữ 28 tuổi tới từ Shabunda, Cộng hòa Dân chủ Congo chia sẻ. "Ít ra một viên đạn sẽ giết chết bạn. Nhưng nếu bị cưỡng hiếp, cộng đồng sẽ coi bạn như một kẻ bị nguyền rủa. Sẽ không có ai nói chuyện với bạn, không người đàn ông nào để mắt đến bạn. Cuộc sống đó cũng giống như cái chết vậy."

Mukuninwa hiểu điều đó hơn ai hết. Năm 2004, vào cuối cuộc nội chiến ở Congo, binh lính đã tràn vào ngôi làng của cô. Những người đàn ông bị tra tấn rồi giết chết. Còn những người phụ nữ, trong đó có Mukuninwa, bị lột trần và bị hãm hiếp hết lần này đến lần khác. Khi họ ngất đi vì đau đớn, bọn lính lại dội nước bắt họ tỉnh lại.

Liên hợp quốc cho biết 200.000 phụ nữ và trẻ em ở Congo đã bị cưỡng hiếp trong cuộc xung đột kéo dài. Con số này ở Nam Sudan lên đến hàng nghìn.

Liên hợp quốc cho biết 200.000 phụ nữ và trẻ em ở Congo đã bị cưỡng hiếp trong cuộc xung đột kéo dài ở đất nước này. Con số này ở Nam Sudan lên đến hàng nghìn. (Nguồn: Getty Images)

Cưỡng hiếp là một trong những tội ác chiến tranh ít được nhắc đến nhất. Những người phụ nữ, nếu sống sót, cũng chẳng mấy khi kể lại chuyện đã xảy ra với họ. Tuy nhiên, điều này đang bắt đầu thay đổi. Nói về cưỡng hiếp trong chiến tranh không còn là điều cấm kỵ nữa.

"Cưỡng hiếp phụ nữ, coi họ như đồ vật hay nô lệ là một chuyện kinh khủng, nhưng không phải là điều gì mới. Đó là một sự leo thang và khuếch đại của những gì đã diễn ra suốt nhiều năm qua," Eve Ensler, một nhà hoạt động xã hội kiêm biên kịch người Mỹ chia sẻ. "Bất cứ lúc nào người ta nói về việc này, đó là một chuyện tốt. Nhưng chúng ra vẫn chưa thể kết thúc được sự bạo lực này. Đó là bước tiếp theo chúng ta cần làm."

Bukavu, miền nam Kivu và Goma, miền bắc Kivu, hai vùng bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhất hiện là nơi tổ chức những chương trình địa phương và quốc tế nhằm giúp những nạn nhân bị cưỡng hiếp trở thành những người sống sót. Kinh nghiệm của họ có thể giúp cho phụ nữ trên toàn thế giới.

"Những gì chúng tôi phải chịu đựng ở Congo có thể sẽ giúp những người phụ nữ khác biến nỗi đau thành sức mạnh, như những gì chúng tôi đang làm ở đây," Mukuninwa cho biết. Cô tin rằng, trước hết, phải chấm dứt sự im lặng. Chừng nào tất cả vẫn bị che giấu và coi như một sự hổ thẹn, việc phục hồi là điều không thể.

Là một bác sỹ phụ khoa và điều phối viên y tế của bệnh viện Panzi dành cho những người sống sót sau bạo lực tình dục ở Bukavu, bác sỹ Neema Rukunghu hiểu rõ hơn ai hết những tổn hại thân thể của những người phụ nữ bị hãm hiếp.

Bà đã khâu những vết rách, cũng như lấy ra những vật bị mắc kẹt trong âm đạo. Bà thậm chí còn chữa những vết thương cháy xém vì sức nóng của một viên đạn bắn vào âm đạo, mà nhờ một phép màu, hay một lời nguyền nào đó, không thể giết chết người phụ nữ mà chỉ khiến họ tật nguyền suốt đời.

Josephine Mwamini, 42 tuổi, đã bị cưỡng hiếp nhiều lần từ năm 2010, trước khi biết mình bị nhiễm bệnh HIV từ những binh lính đã hãm hiếp cô. (Nguồn: Getty Images)

Nhưng Rukunghu cho biết những vết thương vô hình vì bị hiếp dâm còn tồi tệ hơn, và khó chữa lành hơn rất nhiều. "Hãy tưởng tượng một người chồng bị ép phải chứng kiến vợ hay con gái mình bị hiếp dâm. Bạn sẽ không thể nào gột được hình ảnh đó ra khỏi đầu," bà chia sẻ.

Rukunghu nói rằng những gì bà làm được tại Panzi chẳng thể bù đắp nổi những chấn thương tinh thần mà những người phụ nữ phải chịu đựng. "Trong những ca phẫu thuật, chúng tôi chữa những vết thương, nhưng tôi chẳng thể cảm thấy sự lành lặn thực sự. Chúng tôi có thực sự chữa lành được cho cô ấy không? Những vấn đề cô ấy gặp phải sẽ chấm dứt chứ? Tôi không bao giờ có thể nói chắc chắn rằng mình đã chữa được cho bất cứ ai."

Năm 2011, Eve Ensler và Christine Schuler-Deschryver, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở địa phương đã lập ra chương trình City of Joy (Thành phố niềm vui) tại Bukavu. Đây là một chương trình kéo dài 6 tháng dành cho những người sống sót sau các vụ cưỡng hiếp, với các hoạt động trị liệu theo nhóm, xóa mù chữ, đào tạo lãnh đạo, dạy cách tự vệ và học về luật nhân quyền. Mỗi khóa học có 90 phụ nữ tham gia. Mục tiêu của chương trình là hướng đến việc tăng cường sức mạnh cho phụ nữ.

Theo Mukuninwa, chương trình này giúp những người phụ nữ hiểu rằng việc bị cưỡng hiếp không phải lỗi của họ. Các Kỹ năng sống và đào tạo người lãnh đạo giúp họ thêm tự tin, và không khí gần gũi cho phép họ xây dựng các mạng lưới hỗ trợ vẫn duy trì ngay cả khi chương trình kết thúc. Những người tốt nghiệp khóa học sẽ thành lập và lãnh đạo những nhóm hỗ trợ phụ nữ khi trở về với cộng đồng của họ.

"Mọi người nghĩ rằng, sau khi bị cưỡng hiếp, bạn chỉ là một nạn nhân," Mukuninwa nói. "Nhưng Thành phố niềm vui đã dạy cho tôi rằng cuộc đời vẫn tiếp tục. Bị cưỡng hiếp không phải là cái kết."

Sau một năm ở lại trại tị nạn, tháng Tư năm ngoái, Mary đã quyết định đến thủ đô Juba. Khi đó, cô đã mang thai, và không biết ai trong số 6 gã đàn ông đã cưỡng hiếp cô ở trại tị nạn là cha của đứa trẻ. Đã quá muộn cho Mary dùng thảo dược tránh thai, và cô cũng không thể phá thai. Mary đã lên kế hoạch cho đứa bé uống thuốc độc sau khi sinh nó ra rồi quẳng ra bãi rác.

"Tôi chẳng có gì. Không có gia đình, không có thu nhập. Làm sao tôi có thể chăm sóc cho một đứa trẻ mà mỗi khi nhìn nó tôi lại nhớ đến những gì đã xảy ra với mình ở trại?"

Thế nhưng cuối cùng, Mary vẫn giữ lại đứa bé - hiện đã 8 tháng tuổi - và một người bạn đã thuyết phục rằng cô sẽ tìm được sự hỗ trợ.

Mang thai ngoài ý muốn giống Mary là một trong những hậu quả đau đớn nhất của hiếp dâm trong chiến tranh. Không chỉ người mẹ, mà những đứa trẻ cũng bị kỳ thị. Chỉ riêng ở miền đông Congo, có khoảng 50.000 đứa trẻ là kết quả của hiếp dâm đã chào đời trong vòng 2 thập kỷ qua.

Ở nhiều quốc gia châu Phi và Trung Đông, những đứa trẻ này không đủ điều kiện để được cấp thẻ căn cước nếu không có tên người cha trên giấy khai sinh, tức là chúng sẽ không được đi học hay được chính phủ hỗ trợ. Khi lớn lên, chúng cũng thường bị khinh rẻ vì là con của kẻ thù và luôn bị phân biệt đối xử.

Những người chồng thường khó chấp nhận những đứa trẻ là kết quả của một cuộc hiếp dâm. Khi Fabien Mwira biết vợ mình là Judith Niraneza đã mang thai do bị hiếp dâm trong cuộc tấn công vào ngôi làng Mugunga của họ năm 2007, anh đã bỏ vợ. Một năm sau, do sức ép từ gia đình, anh quay lại, nhưng không hề có cảm tình gì với đứa trẻ. Khi Niraneza xin tiền để mua thức ăn hay quần áo cho đứa bé, Mwira sẽ đánh vợ và bảo cô đi mà hỏi xin cha của đứa bé.

Mwira cho biết, những người đàn ông như anh luôn cảm thấy mất mặt, tội lỗi khi vợ mình bị hiếp dâm và không biết phải làm thế nào để lấy lại vị trí trong gia đình - trừ việc sử dụng bạo lực. "Chúng tôi không có những vết thương ngoài da, nhưng có những chấn thương tinh thần cần được chữa lành," anh nói.

Mwira là một trong những người đầu tiên tham gia chương trình thí điểm năm 2012 có tên là Living Peace dành cho chồng của những người phụ nữ bị hiếp dâm do một nhà tâm lý học và Promundo, một tổ chức phi chính phủ tổ chức. Các buổi trị liệu theo nhóm diễn ra trong vòng 15 tuần sẽ giúp những người đàn ông này hiểu rằng việc bị hiếp dâm không phải lỗi của vợ họ, và điều đó không phản ánh rằng họ không thể chăm lo hay bảo vệ cho gia đình mình.

"Tôi đã rất xấu hổ. Tôi nghĩ chỉ có mình mình có vợ bị hiếp dâm. Nhưng khi hiểu rằng những người khác cũng gặp vấn đề như mình, tôi bắt đầu hiểu ra rằng đó không phải lỗi của vợ tôi. Và từ đó, tôi dần gần gũi lại hơn với cô ấy," anh chia sẻ.

Cưỡng hiếp trong chiến tranh chủ yếu bắt đầu và kết thúc bởi những người đàn ông. Ở Congo, cũng như những nơi khác trên thế giới, văn hóa nam tính bám rễ vào bạo lực đã từ rất lâu hạ thấp giá trị của người phụ nữ. Mặc dù những nhóm khủng bố như IS hay Boko Haram  biện minh cho hiếp dâm trong chiến tranh bằng những diễn giải méo mó về triết lý tôn giáo, gốc rễ của hành động này là niềm tin cố hữu về vị trí cao hơn của người đàn ông. Để ngăn chặn cưỡng hiếp, cần thay đổi lối suy nghĩ đó.

"Chúng ta phải phát triển quan niệm tích cực về sự nam tính. Quan niệm đó không được dựa trên bạo lực mà phải cổ vũ quyền lợi của tất cả mọi người," Benoit Ruratotoye, nhà tâm lý học của chương trình Living Peace cho biết.

Ông tin rằng việc giáo dục phải bắt đầu với những bé trai. "Nếu chúng không được dạy về nhân quyền, thái độ tôn trọng phụ nữ và sự bình đẳng, chúng sẽ lớn lên và trở thành những người đàn ông nghĩ rằng mình tốt đẹp hơn phụ nữ, và sẽ trở thành những gã đàn ông đi cưỡng hiếp phụ nữ và dùng bạo lực để đạt được cái mình muốn. Chúng sẽ trở thành những kẻ bạo lực."

Bác sỹ Rukunghu cho rằng chỉ giáo dục là không đủ để chấm dứt cưỡng bức trong chiến tranh. Điều đó đòi hỏi cả xã hội lên án và chính phủ hành động. Nếu các quốc gia khác có thể học hỏi được điều gì từ Congo, thì đó là phải giải quyết vấn đề ngay lập tức, trước khi nó ảnh hưởng đến cả xã hội.

"Khi tôi nhìn thấy những [đứa trẻ] bị hãm hiếp trong cộng đồng, tôi nghĩ rằng chuyện đó xảy ra vì những kẻ đã làm điều đó trước đây, trong chiến tranh, chưa bao giờ bị trừng phạt."

Syria và Iraq là hai quốc gia cần những nỗ lực này nhất, bởi IS đã công khai hệ thống nô lệ tình dục tại đây, gây nên sự phẫn nộ hiếm thấy của cộng đồng quốc tế.

Zainab Bangura, đại diện đặc biệt của Liên ​hợp quốc về vấn đề bạo lực tình dục trong chiến tranh cho biết, cưỡng bức trong chiến tranh không phải là chuyện không thể tránh khỏi. Thay vào đó nó phản ánh sự yếu thế trong xã hội của người phụ nữ.

Cưỡng hiếp trong chiến tranh sẽ kết thúc khi địa vị của người phụ nữ thay đổi, và sự hổ thẹn là của những kẻ đã gây ra chuyện đó thay vì những nạn nhân.

(Theo Thông tấn xã Việt Nam)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: tội ác