Học giả nổi tiếng của Trung Quốc Lý Lệnh Hoa vừa có bài viết "khuyên" chính quyền Bắc Kinh nên đối diện với phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Biển Đông.
Hôm 12/7 vừa qua, Tòa PCA đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của cái gọi là "đường lưỡi bò" và tuyên bố hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Ngay sau khi phán quyết được đưa ra, báo chí và đa phần dư luận trong nước đều hung hăng, phớt lờ và tiếp tục ủng hộ chính quyền thực hiện các hành động bất chấp luật quốc tế.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có những tiếng nói tỉnh táo về vấn đề Biển Đông, điển hình là học giả Lý Lệnh Hoa-người thường xuyên có các bài viết phản đối 'đường lưỡi bò' và kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng UNCLOS.
Ngay sau khi phán quyết đưa ra, ông Lý đã đăng bài viết của mình lên mạng xã hội Weibo, với nội dung chủ yếu là "khuyên" Trung Quốc nên "nghiêm túc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế".
Trong bài viết, học giả Lý Lệnh Hoa nhận định, Biển Đông hiện đang tồn tại nhiều mâu thuẫn, khác với những lời tuyên bố của giới chuyên gia diều hâu ở Trung Quốc rằng "không tồn tại tranh chấp mà chỉ do nhiều nước khác 'kiếm chuyện'".
Ông Lý viết, "Tòa trọng tài quốc tế vừa đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông, các bên đã có những phản ứng trái chiều. Nhiều năm qua, mâu thuẫn giữa các bên về chủ quyền bãi cạn Scarborough và các vùng biên giới biển vẫn luôn tồn tại."
Sau đó, ông thẳng thắn phê bình, Trung Quốc cần nghiêm túc và lý tính đối với phán quyết này. Ông đưa ra minh chứng, ngay từ ngày 15/5/1996, khi Trung Quốc lần đầu tuyên bố đường lãnh hải bao gồm quần đảo Hoàng Sa là đã vi phạm luật quốc tế. Ông nhận đinh, việc làm này của Trung Quốc sẽ "gây tổn hại đến uy tín trên trường quốc tế của mình, cản trở hoạt động bình thường của việc phân định biển".
Ông Lý Lệnh Hoa-học giả Trung Quốc, đang khuyên chính quyền Trung Quốc nên tuân thủ phán quyết của PCA. |
Lý Lệnh Hoa cho rằng, phán quyết lần này của PCA đã thúc đẩy luật pháp quốc tế, nhất là luật quốc tế về đường biển được phát triển hoàn chỉnh hơn; trong đó bao gồm cả việc phân định về độ cao thấp của mực nước biển, hải đảo và rạn san hô dưới nước...chứ không phải là một "đường lịch sử" như Trung Quốc vẽ ra chiếm phần lớn khu vực Biển Đông.
Trước đó, cựu thành viên Trung tâm tin tức hải dương Trung Quốc này cho rằng, UNCLOS là văn kiện có tính toàn diện, hoàn chỉnh nhất về biển trong lịch sử. Các quốc gia xung quanh Biển Đông đều đã ký và công nhận công ước này. Vì vậy, việc giải quyết các tranh chấp nhất định phải dựa vào các qui định và điều khoản luật quốc tế về công ước, chứ không phải bất cứ tư liệu nào.
Viết về việc tại sao ông "phản đối" quan điểm của chính phủ mình, ông Lý Lệnh Hoa cho rằng, cùng chung số phận với nhân loại và nhất thể hóa kinh tế toàn cầu, các quốc gia cần ổn định chính trị Biển Đông và cần tích cực hơn nữa trong việc phân định hàng hải thông qua các biện pháp hòa bình, nhanh chóng đưa Biển Đông trở thành vùng biển của hòa bình, hợp tác và hữu nghị.".
Trong bối cảnh dư luận Trung Quốc, đặc biệt các "anh hùng mạng xã hội" thể hiện tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thậm chí là hung hăng sau phán quyết Biển Đông, những bài viết kiểu này của Lý Lệnh Hoa nhận được rất nhiều sự "ném đá". Tuy nhiên, ông Lý vẫn kiên nhẫn trả lời từng bình luận của người đọc, giúp độc giả biết thêm về UNCLOS.